Ông Lê Như Tiến - Ảnh: L.Kiên |
Bảo vệ nguồn tin là trách nhiệm và đạo đức của nhà báo. Báo chí “sống” bằng nguồn tin, nếu pháp luật yêu cầu nhà báo, cơ quan báo chí phải tiết lộ nguồn tin cho nhiều chủ thể khác nhau thì không ai còn muốn cung cấp thông tin cho báo chí nữa |
Ông LÊ NHƯ TIẾN |
* Thưa ông, dự án Luật báo chí (sửa đổi) đã có quá trình chuẩn bị khá lâu, cho đến thời điểm này, đặc biệt là qua các cuộc tham vấn ý kiến chuyên gia mà ủy ban vừa thực hiện, có những vấn đề nào lớn đang được đặt ra?
- Có thể khẳng định rằng Luật báo chí năm 1999 đến nay đã không còn phù hợp, sau 16 năm có quá nhiều thay đổi đối với diện mạo báo chí VN, dưới sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, tin học, Internet... cũng như nhận thức ngày càng đầy đủ về quyền tự do báo chí.
Trong dự thảo tờ trình của Chính phủ cũng đã nói rõ: “Thực tiễn hoạt động báo chí nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật như: cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề kinh tế báo chí, vai trò của cơ quan chủ quản...”.
Trong các cuộc thảo luận, các đại biểu đề cập khá sôi nổi về mô hình hoạt động của cơ quan báo chí.
Theo đó, có ba mô hình chính được đề cập: một là, Nhà nước bao cấp hoàn toàn; hai là, đơn vị sự nghiệp có thu; ba là, doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.
Thực tế cho thấy hiện nay số lượng cơ quan báo chí được Nhà nước bao cấp một phần vẫn chiếm số lượng không ít, phần lớn còn lại là hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tới đây nên quy định mô hình cơ quan báo chí là doanh nghiệp có điều kiện, như vậy sẽ phù hợp với thực tiễn, giúp thị trường báo chí phát triển sôi động hơn, giảm sự bao cấp của Nhà nước.
Về số lượng, câu hỏi được đặt ra là hiện nay có khoảng 850 cơ quan báo chí, với hơn 1.100 ấn phẩm khác nhau là ít hay nhiều, có cần quy hoạch lại mạng lưới báo chí hay không?
Tôi thấy đang có thực tế là nhiều đài truyền hình, nhiều chương trình, nhiều tờ báo có nội dung na ná nhau, cóp nhặt của nhau, dẫn đến tình trạng trùng lắp thông tin, lãng phí nguồn lực, cạnh tranh thiếu lành mạnh... Điều này đặt ra vấn đề phải quy hoạch lại mạng lưới báo chí trong tương lai.
* Vậy nên quy hoạch bằng cách nào, thưa ông?
- Cách tốt nhất là bằng quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch của pháp luật và cuối cùng bạn đọc sẽ quyết định sự tồn tại của một cơ quan báo chí. Những tờ báo, đài truyền hình làm tốt, nội dung hay, sức lan tỏa rộng, được bạn đọc yêu mến thì cơ quan báo chí đó sẽ “sống” tốt và phát triển, ngược lại sẽ bị thải loại.
Chính vì vậy, luật này ra đời không phải là để siết chặt quản lý báo chí, mà là tạo ra khuôn khổ pháp lý cho báo chí phát triển lành mạnh và sôi động hơn nữa, đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013.
Tại các cuộc thảo luận, đại biểu cũng đặt ra vấn đề là có hay không chấp nhận mô hình báo chí tư nhân.
* Báo chí tư nhân?
- Lập luận ủng hộ báo chí tư nhân căn cứ trên quyền tự do báo chí đã được hiến định. Hơn nữa, trên thực tế hiện nay hoạt động của không ít tờ báo, đài truyền hình... đã có sự tham gia của tư nhân trong một số sản phẩm báo chí.
Mô hình liên kết trong hoạt động báo chí chỉ là cách nói, còn thực tế thì tư nhân bỏ tiền ra đầu tư sản xuất chương trình, sản xuất ấn phẩm theo các hợp đồng “ăn chia” với cơ quan báo chí. Những người trong nghề gọi đó là hình thức “bán cái”, “bán sóng” diễn ra khá phổ biến. Nếu chúng ta không thừa nhận thực tế này thì sẽ không quản lý được.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, ở hầu hết các nước, báo chí chủ yếu là của tư nhân và trên thực tế chưa có trường hợp nào báo chí trở thành mối nguy hiểm đối với các chính thể “của dân, do dân, vì dân”.
Công ty Phát triển và đầu tư công nghệ (FPT) là doanh nghiệp tư nhân, thành lập báo điện tử VnExpress từ năm 2001. Tờ báo tư nhân này kịp trở thành báo điện tử hàng đầu của VN và nằm trong top 500 báo điện tử có nhiều độc giả nhất thế giới trước khi Thủ tướng Chính phủ giao nó cho Bộ Khoa học - công nghệ trực tiếp quản lý vào năm 2008.
Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy báo chí (chủ yếu của tư nhân) tuy rất đa dạng về quan điểm, phong cách nhưng đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trước hết là quy định của các bộ luật hình sự, dân sự.
Những hành vi đưa tin sai sự thật, xúc phạm tổ chức, cá nhân, tiết lộ bí mật quốc gia, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác có thể dẫn đến những án phạt rất nặng, thậm chí dẫn đến phá sản, là điều không một chủ báo nào không sợ.
Tôi cho rằng Nhà nước chỉ nên nắm giữ và bao cấp một phần đối với một số tờ báo in, báo điện tử, đài truyền hình, đài phát thanh phục vụ các nhiệm vụ chính trị thiết yếu.
Còn lại thì nên để xã hội hóa, đặc biệt đối với những lĩnh vực như giải trí, thể thao, sức khỏe, khoa học, công nghệ, xây dựng, thời trang... để thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội.
* Thưa ông, việc bảo vệ quyền hành nghề của nhà báo và bảo vệ nguồn tin được đặt ra như thế nào?
- Luật hiện hành đã có quy định cấm các hành vi cản trở hoạt động báo chí, cản trở nhà báo tác nghiệp... nhưng lại chưa quy định cụ thể về chế tài nên thực tế rất khó xử lý.
Nhiều đại biểu đề nghị phải quy định cụ thể trong luật chế tài xử lý đối với các hành vi không cung cấp thông tin đúng pháp luật, cản trở hoạt động báo chí, xâm phạm quyền tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo...
Đồng thời chúng ta cũng phải nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể hơn trong các Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự mà Quốc hội đang trong quá trình thảo luận để sửa đổi, bổ sung.
Các quy định phải được hoàn thiện theo cả hai hướng là bảo vệ quyền hành nghề đúng pháp luật của nhà báo và đòi hỏi trách nhiệm của nhà báo, cơ quan báo chí trước Nhà nước và xã hội.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ nguồn tin, dự luật đã quy định “cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng Viện KSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Tôi cho rằng quy định như vậy là phù hợp, không nên quy định báo chí phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra bởi cơ quan điều tra có nghiệp vụ, chuyên môn và là cơ quan có quyền lực hoạt động theo các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận