Ảnh minh họa. |
Vậy mà đứa trẻ trong câu chuyện dưới đây phải làm điều đó.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ yêu cầu thay đổi người nuôi con được TAND TP Hà Nội mở ngày 2-7. Vợ chồng họ ly hôn tháng 8-2013. Anh nhường quyền nuôi hai con trai cho vợ. Năm 2014, anh làm đơn ra tòa xin được nuôi con vì cho rằng chị chăm sóc các con không tốt.
Xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân đã tuyên giao con trai lớn (11 tuổi) cho anh nuôi, giao con trai út (9 tuổi) cho chị nuôi. Không đồng ý với quyết định nói trên, chị làm đơn kháng cáo.
“Theo nguyện vọng của hai cháu muốn được ở cùng nhau và được ở với mẹ. Ngoài ra, anh ấy không đủ tư cách để nuôi dạy con cái” - chị nói trước tòa, giọng nhỏ nhẹ nhưng kiên quyết.
Lý giải thêm việc anh “không đủ tư cách”, chị bảo khi tòa xử ly hôn, bản án tuyên anh có nghĩa vụ cấp dưỡng 5 triệu đồng mỗi tháng để chị nuôi con.
Vậy mà có năm tháng liên tiếp anh không gửi tiền. Chị phải làm đơn gửi chi cục thi hành án nhờ can thiệp. Sau đó thi hành án mới truy thu được của anh 25 triệu đồng.
Anh phản bác lại, giọng từ tốn: “Sau khi ly hôn, tôi sợ hai cháu thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, lại phải chia lìa nhau nên tôi muốn để hai cháu được ở cùng.
Từ khi ở với cô ấy, các cháu học hành sa sút, có biểu hiện nói dối, nói tục, phán xét người này người kia, phân biệt giàu nghèo, đi học thì quên sách vở. Tôi đã email cho cô ấy nhiều lần về cách giáo dục con nhưng không được”.
Anh bức xúc trước việc chị làm đơn đến thi hành án để thi hành án đến cơ quan xác minh làm anh “mất mặt”. Anh còn “tố” chị không cho anh đến thăm con. Mỗi lần anh điện thoại muốn gặp con, chị đều không chuyển máy.
Anh đến thăm con, chị đóng cửa, anh phải sang nhà hàng xóm ngồi chờ. Nghe vậy, chị phủ nhận ngay: “Anh ấy nói như vậy là không đúng. Tôi đã mua cho con một chiếc điện thoại, anh ấy hay gia đình bên nội lúc nào muốn liên lạc với con cũng được.
Cuối tuần hay các ngày lễ tết, anh đều đón được các cháu đưa về nhà nội và có thể gặp các cháu ở bất cứ đâu. Không có chuyện cấm đoán hay ngăn cản”.
Thấy anh chị gay gắt, vị thẩm phán khuyên nhủ: “Quan trọng là việc các anh chị đối xử với nhau như thế nào để không ảnh hưởng đến con. Con trai lớn thì cần phải có sự quan tâm giáo dục của bố. Nếu chị cứ cấm đoán anh thăm con, mai kia cháu lớn sẽ không có tính cách của người đàn ông.
Còn nếu giờ chia tách mỗi người nuôi một con thì anh chị sẽ không đến thăm con nữa, người chịu thiệt thòi sẽ là các cháu”.
Cả hai anh chị đều có công việc ổn định trong công ty dầu khí, lương tháng mỗi người 20 triệu đồng. Khi xét đến nguyện vọng của các cháu, chị cho rằng các con đã có đơn gửi tòa án thể hiện nguyện vọng được ở với mẹ.
Anh xem đơn và bảo rằng đó không phải là chữ viết của con mình. Tòa hỏi chị có cần hoãn phiên tòa để mời cháu đến tòa xác nhận lại không.
Chị phân vân: “Có giải pháp nào nhẹ nhàng hơn không, đưa cháu đến tòa tôi sợ cháu bị tổn thương”. Vị thẩm phán quyết định bảo chị gọi điện thoại cho cháu để bà nói chuyện. Điện thoại được kết nối ngay giữa phiên tòa.
“Tòa án muốn cháu xác nhận muốn ở với bố hay ở với mẹ?”. “Cháu muốn được ở với cả bố và mẹ, nhưng nếu phải lựa chọn, cháu muốn được ở với mẹ” - giọng cậu bé nói qua điện thoại.
Dù bé mong muốn được ở với mẹ nhưng xét hoàn cảnh, điều kiện của anh chị, để đảm bảo việc chăm sóc các cháu tốt nhất, tòa vẫn tuyên bác kháng cáo của chị, y án sơ thẩm. Việc hỏi ý kiến và mong muốn của cháu chỉ là thủ tục.
Anh được giao nuôi con lớn, chị được giao nuôi con út. Sau phiên tòa, bản án được thi hành. Con trai anh chị đã quen sống với mẹ và em, nay phải về với bố.
Dù anh chị đã cố gắng để cuộc hôn nhân tan vỡ của mình không làm tổn thương con trẻ, nhưng điều đó làm sao có thể không xảy ra?!
"Nếu các anh chị đã thương con, sợ con khổ như vậy thì sao còn ly hôn, sao còn gây khó dễ cho nhau, không nộp tiền nuôi con, lại không cho bên kia thăm gặp con?”. Trước câu hỏi ấy, cả hai đều im lặng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận