15/06/2015 15:20 GMT+7

Thẩm phán đi học nghị quyết, nghỉ phép, đương sự lãnh đủ

 VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Thực tiễn chủ đạo của tố tụng dân sự Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua kéo dài và quá chậm trễ. Nếu muốn, một bên có thể có cách kéo dài vụ án đến 10 năm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khẳng định như vậy khi thảo luận về Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 15-6.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng

Theo ông Nghĩa đó là thực tế nhức nhối mà luật phải tìm cách điều chỉnh.

Trước Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu một sự thực nhức nhối: “Đối tượng áp dụng gồm 90 triệu nhân dân Việt Nam và hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài... Nhưng thực tiễn chủ đạo của tố tụng dân sự Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua kéo dài và quá chậm trễ. Nếu muốn, một bên có thể có cách kéo dài vụ án đến 10 năm”.

Công lý bị từ chối

Đại biểu Nghĩa phân tích các thời hạn xét xử của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành từ nộp đơn, xem xét, thụ lý, bổ túc, bổ sung đơn, mời làm việc, hòa giải, phản tố, nhập án, tách án, đình chỉ...

Xử sơ thẩm ra án văn, gửi án văn, kháng cáo, xử phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tạo ra rất nhiều dư địa cho sự trì hoãn và tùy tiện về thời gian, không có chế tài cho sự chậm trễ này.

“Thẩm phán đi học nghị quyết, họp công đoàn, học cao cấp chính trị, nghỉ phép thì các đương sự lãnh đủ. Đương sự nào muốn việc xét xử càng chậm càng tốt thì rất có lợi, vì luật hiện hành có rất nhiều công cụ cho sự trì hoãn. Tục ngữ có câu "công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối"  - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm, tố dụng dân sự càng kéo dài thì toàn bộ đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, lao động, nói chung là sự phát triển của đất nước bị chậm lại theo.

“Tố tụng là một nỗi đoạn trường, thi hành án lại là một đoạn trường khác. Trong số án tồn đọng chưa thi hành được có một loại án không thể thi hành vì bản án tuyên vô lý, bỏ sót hoặc sai sót về kỹ thuật” - ông Nghĩa tiếp tục mổ xẻ.

Ba giải pháp

Theo ông Nghĩa, dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi hiện nay tuy đã giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng vẫn chưa giải quyết được những vấn nạn vừa nêu. “Không thể dựa vào tình trạng quá tải của tòa án TP.HCM và tòa án Hà Nội mà quy định các thời hạn” - ông Nghĩa nói. Ông Nghĩa đề nghị ba giải pháp:

Một là rút ngắn tất cả các thời hạn dành cho tòa án và cho các khâu của quá trình tố tụng xuống. Còn án quá tải của các đô thị thì phải giải quyết bằng cách khác như là tăng biên chế và tăng cường như thế nào chứ không thể kéo dài thời hạn. Lấy mốc giải quyết án ở các đô thị để làm mốc chung cho cả nước.

Hai là nên quy định thời hạn khác nhau cho các loại án khác nhau. Phải chi tiết hóa hơn và có tham khảo rộng để có mức quy định hợp lý.

Ba là phải có quy định trách nhiệm của thẩm phán và tòa án khi không thi hành án được mà nguyên nhân là do việc xét xử và do nội dung bản án.

“Phải có quy định để ràng buộc trách nhiệm của tòa án đối với các bản án đã tuyên” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên