08/06/2015 12:02 GMT+7

Nhà nước bồi thường oan sai, chính người dân bị thiệt hại

VIỄN SỰ ghi
VIỄN SỰ ghi

TTO - Đây là nhận định của ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi trả lời báo chí xung quanh việc bồi thường cho người bị oan do quá trình tố tụng.

Ông Nguyễn Đình Quyền - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Ảnh: TTO

Ông Quyền nói: “Nhà nước phải đứng ra bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai, đó là nguyên lý nhưng vấn đề đáng nói nhất là thời gian qua việc bồi thường thiệt hại rất chậm”.

Công chức bồi thường trăm năm cũng không đủ

*Theo ông vì sao lại chậm?

“Công chức làm oan sai có bồi thường đến hàng trăm năm cũng chả thấm gì so với ngân sách nhà nước phải bỏ ra”

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

- Do cơ chế. Chúng ta giao cho chính những người làm oan đi bồi thường, mặc dù có chấn chỉnh nhưng tính cố chấp của các cơ quan quyền lực khi làm sai là cố tình dây dưa, trì hoãn gây khó khăn.

Rõ ràng là có nguyên nhân về mô hình bồi thường oan sai và đã đến lúc phải thay đổi, giao cho một cơ quan làm công khai minh bạch hơn. Chẳng hạn giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan không tiến hành tố tụng nhưng là cơ quan thay mặt nhà nước.

 *Đa số người dân đều băn khoăn, thậm chí bất bình khi tiền bồi thường oan sai lại lấy từ tiền thuế mà họ đóng góp?

- Ở nhiều nước, pháp luật quy định nếu chứng minh được công chức mẫn cán và vô tư mà xảy ra oan sai thì nhà nước vẫn bồi thường. Đặc biệt là công chức tư pháp được loại trừ hoàn toàn khỏi trách nhiệm bồi thường về vật chất để họ không bị sức ép khi thực hiện công vụ.

Thực tế ở các nước tiên tiến, nhà nước rất ít khi phải bồi thường. Ở đây có liên quan đến công tác cán bộ, công tác bộ nhiệm, tuyển dụng, xử lý kiểm tra, thanh tra cán bộ, họ làm rất tốt.

Việc bồi thường oan sai xảy ra nhiều hiện nay có liên quan rất mật thiết với công tác tổ chức cán bộ chưng chúng ta còn làm kiểu lỏng lẻo trong công tác cán bộ, giữa quy hoạch, tuyển dụng, luân chuyển... 

Vẫn còn để lọt những người không xứng đáng vào bộ máy nhà nước thì tất cả những việc yếu kém, những trường hợp bồi thường oan sai đó nhà nước phải chịu.

Con dại cái mang nhưng rõ ràng nhà nước bồi thường thì chính là người dân bị thiệt hại. 

* Trong phần giải trình trước Quốc hội ngày 5-6 về án oan sai, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình giải trình là do chưa phát hiện được lỗi cố ý nên vẫn lấy tiền nhà nước, ông đánh gì về điều này?

- Rất khó phân biệt giữa lỗi cố ý và lỗi vô ý trong tố tụng bởi người ta sẽ luôn đổ vào năng lực hạn chế nên sẽ để sót lọt vật chứng nọ, chứng cứ kia.

Nhưng thực sự do năng lực hạn chế, do tinh thần trách nhiệm hay do cố ý thì rất khó chứng minh, trừ trường hợp bắt quả tang anh có đi đêm ngầm với đương sự.

Ngay cả lỗi cố ý thì việc bồi hoàn của cán bộ viên chức đối với mức độ bồi hoàn là rất nhỏ. Khi buộc công chức bồi hoàn thì nhà nước sẽ tính toán lương để việc bồi hoàn đó vẫn phải đảm bảo cho công chức đó sống được.

Vì thế công chức có phải bồi hoàn đến hàng trăm năm cũng chả thấm gì so với ngân sách nhà nước phải bỏ ra.

Trước đây, khi thực hiện nghị quyết 388 về bồi thường oan sai thì cũng có ý kiến cho rằng cơ quan pháp luật sẽ chùn tay vì sợ sẽ bồi hoàn. Nhưng trên thực tế chưa ai phải bồi hoàn cả vì chứng minh được lỗi cố ý là rất khó.

Không bồi thường tay đôi

 

*Thưa ông, đa số đều cho rằng nhà nước cứ lấy tiền ngân sách ra bồi thường thì cán bộ vẫn còn để oan sai?

- Về nguyên tắc thì nhà nước vẫn phải bồi thường và người bị oan phải được bảo đảm. Còn nếu muốn nhà nước không phải lấy ngân sách bồi thường thì phải chấn chỉnh lại toàn bộ bộ máy, từ đào tạo tuyển dụng, bổ nhiệm, kỷ luật xử lý...

Tại sao ở các nước việc bồi hoàn rất ít? Vì công tác cán bộ tuyển dụng chặt chẽ và tuyển dụng được người xứng đáng vào vị trí đó.

* Có ý kiến nói việc để cán bộ ngành tố tụng bồi thường trực tiếp cho người oan sai thì họ sẽ không bao giờ thừa nhận hoặc phát hiện ra án oan sai, ông nghĩ sao?

- Quan hệ giữa công chức và nhà nước, không phải là quan hệ dân sự để bồi thường tay đôi.

Đó là quan hệ giữa một bên thực hiện công quyền của nhà nước và một bên là tổ chức, cá nhân, là quan hệ hành chính nhà nước giữa thực hiện công vụ và người có quyền lợi ích liên quan chứ không phải là quan hệ dân sự giữa hai bên.

Không bao giờ có việc bồi tường tay đôi giữa công chức nhà nước với người bị oan sai cả.

* Vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, đã có cán bộ  bộ bị tạm giam. Như vậy sau này người làm sai có phải bồi hoàn phần nào số tiền nhà nước đã trả cho ông Chấn?

- Có, nếu đó là lỗi cố ý. Nhưng ngay cả lỗi cố ý thì cũng phải nghiên cứu thêm. Tôi nói rồi mọi thứ phải trên cơ sở luật định và luật thì cũng phải dựa trên những nguyên lý về tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước.

Không có nước nào là công chức đứng ra bồi hoàn thiệt hại cho người bị oan cả.

VIỄN SỰ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên