06/06/2015 13:11 GMT+7

Một ngày tù oan "giá" bao nhiêu?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Oan sai tuy chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong các vụ án đã được điều tra, truy tố, xét xử nhưng lại rất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội.

undefined
Ông Nguyễn Thanh Chấn (trái) nhận lời xin lỗi của Tòa án nhân dân Tối cao vì đã kết tội oan cho ông

Nhiều đại biểu Quốc hội cùng khẳng định điều này tại phiên thảo luận hôm qua (5-6). Đồng thời có một bức xúc không kém cũng được chỉ ra, đó là người bị oan rất chậm nhận được bồi thường.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho hay theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, kể từ khi người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường thì tối đa là 80 ngày phải ra quyết định bồi thường, nhưng dường như không có vụ nào đúng hạn, thậm chí có vụ thời gian thỏa thuận bồi thường gấp 41 lần quy định.

“Mòn mỏi chờ đợi” là từ mà đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) dùng để chỉ tình trạng này.

Hãy thử nhìn từ vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 9, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, trưởng đoàn là Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hối thúc các cơ quan hữu trách phải khẩn trương giải quyết bồi thường cho người bị oan, đặc biệt là trường hợp của ông Chấn.

Đáp lại, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết TAND tối cao rất tích cực thỏa thuận với ông Chấn, nhưng sở dĩ việc thỏa thuận mất nhiều thời gian là do phải tuân thủ đúng pháp luật, vì luật quy định phải có những giấy tờ nọ kia làm căn cứ.

Trước đó, trong quãng thời gian “mỏi mòn”, người trợ giúp pháp lý cho ông Chấn là luật sư Vũ Thị Nga từng nói với phóng viên Tuổi Trẻ rằng những yêu cầu của tòa án “khó như đi lên trời” (luật sư cho biết tòa án yêu cầu ông Chấn nộp hơn 100 loại giấy tờ).

Cũng liên quan đến công tác bồi thường, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, với những quy định hiện hành, tuy là người bị oan đi yêu cầu bồi thường nhưng họ thường vị lép vế trước các cán bộ và cơ quan nhà nước.

Hơn nữa, cũng khó tránh sự bẽ bàng và khó khăn trong bối cảnh cuộc thỏa thuận bồi thường lại là giữa người bị oan và cơ quan gây ra oan trái đó.

Ông Ngọc đề nghị sửa Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, giao cho một cơ quan độc lập, khách quan giải quyết việc bồi thường cho dân.

Số tiền 7,2 tỉ đồng mà TAND tối cao quyết định bồi thường cho ông Chấn chắc hẳn sẽ gây ra nhiều bình luận khác nhau. Nhiều người sẽ chúc mừng ông, có người cho đó là số nhiều và có người cho là chưa đủ.

“Một ngày tù, ngàn thu ở ngoài”, biết bao nhiêu để trả đủ cho 10 năm đằng đẵng tù oan, để bù đắp cho cả một gia đình, dòng họ, cho người mẹ già khổ đau, người vợ cay cực và đám con thơ tủi hờn của ông Chấn?

Vì vậy, cái “giá” mà các cơ quan, những người bảo vệ pháp luật, nắm cán cân công lý phải “trả” bao giờ cũng rất đắt. Cách tốt nhất là phải làm sao không xảy ra oan sai nữa.

Quốc hội cũng nên rà soát sửa các quy định của pháp luật còn gây rắc rối, phiền hà, thiếu khả thi để chấm dứt tình trạng người bị oan phải “mòn mỏi đợi chờ”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên