26/04/2015 09:49 GMT+7

​13 năm chờ đền bù đất

ĐỨC VỊNH ghi
ĐỨC VỊNH ghi

TT - Sau 12 năm khiếu nại rồi đi kiện mới nhận được quyết định đền bù phần đất bị giải tỏa. Nhưng từ khi có quyết định đến nay đã nửa năm, người dân vẫn chưa nhận được tiền bồi hoàn.

Bà Sáu bên phần đất đã có quyết định bồi hoàn nhưng chưa nhận được tiền - Ảnh: Đ.Vịnh

Đó là câu chuyện của vợ chồng bà Hà Thị Sáu, một gia đình chính sách ở xã Vĩnh Thanh Trung, Châu Phú (An Giang). Bà Hà Thị Sáu kể:

Năm 2002 khi giải tỏa hai bên đường để mở rộng quốc lộ 91, gia đình tôi bị mất 315m2 đất thổ cư. Năm năm sau UBND huyện Châu Phú mới ra quyết định bồi thường chỉ 78m2 theo khung giá đất năm 2002, với mức 150.000 đồng/m2.

Nếu làm đúng quy định thì không có khiếu kiện kéo dài

Qua toàn bộ hồ sơ cho thấy nếu UBND huyện Châu Phú giải quyết khiếu nại đúng quy định pháp luật thì gia đình bà Sáu không phải khiếu kiện kéo dài suốt gần 13 năm trời mới có được quyết định bồi thường thỏa đáng.

Một đơn vị hành chính phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Bản án phúc thẩm khi đã có hiệu lực pháp luật thì UBND huyện phải có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung bản án, trong thời gian đề nghị để được xem xét kháng nghị giám đốc thẩm thì vẫn phải ban hành quyết định đền bù mới cho bà Sáu.

Luật sư LƯƠNG TỐNG THI 
(văn phòng luật sư Tống Thi, 
Đoàn luật sư An Giang
)

Chúng tôi khiếu nại, UBND huyện bác đơn, cho rằng số diện tích còn lại nằm trong hành lang lộ giới, theo quy định về bảo đảm trật tự giao thông và trật tự đô thị thì không đền bù. Còn về giá, căn cứ theo phương án được duyệt từ năm 2002.

Thấy quá vô lý nên tôi khởi kiện ra tòa để huyện hủy bỏ quyết định, thế nhưng UBND huyện lại ra quyết định khác nêu lý do đất của tôi bị giải tỏa không thuộc dự án mở rộng quốc lộ nên không bồi thường đồng nào.

Lần lữa mãi đến tháng 4-2009 TAND huyện Châu Phú mới đưa ra xử, tòa căn cứ quyết định mới này của huyện để bác đơn kiện.

Tôi kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Bản án ngày 30-6-2009 của TAND tỉnh An Giang cho rằng giải tỏa từ năm 2002 mà năm năm sau huyện mới ra quyết định bồi hoàn và áp dụng khung giá đền bù của năm 2002 là trái quy định.

Việc không bồi hoàn đất trong hành lang lộ giới là sai, vì theo nghị định 197/NĐ-CP thì đất nằm trong lộ giới khi thu hồi vẫn phải bồi thường. Lý do UBND huyện đưa ra để không đền bù cũng không chính xác, bởi đất của tôi nằm trong khu vực bị giải tỏa, đại diện UBND huyện tại phiên tòa cũng nhìn nhận điều này...

TAND tỉnh hủy cả hai quyết định của huyện, tuyên buộc UBND huyện ban hành quyết định khác giải quyết bồi thường cho tôi.

Tuy nhiên, UBND huyện không thực hiện, gia đình tôi tiếp tục gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Văn phòng tiếp công dân UBND tỉnh và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nhiều lần gửi văn bản đề nghị chủ tịch UBND huyện Châu Phú giải quyết, bởi bản án đã có hiệu lực nên phải thi hành.

Mãi tới ngày 16-9-2010 UBND huyện Châu Phú mới ra quyết định mới, vẫn chỉ đền bù 78m2 như trước.

Gia đình tôi khiếu nại tiếp, thay vì ra quyết định giải quyết khiếu nại thì huyện chỉ trả lời bằng văn bản, quá bức xúc nên tôi lại khởi kiện ra tòa. TAND huyện xét xử với lập luận như lần trước tòa bác đơn, cho rằng UBND huyện đền bù 78m2 là đúng quy định pháp luật.

Tháng 12-2011 TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử cho rằng bản án phúc thẩm của tòa năm 2009 đã tuyên hủy hai quyết định của UBND huyện thì UBND huyện phải có trách nhiệm ban hành quyết định khác để giải quyết bồi thường cho tôi.

Đáng lý phải thực hiện đúng nội dung và quyết định của bản án thì chủ tịch UBND huyện Châu Phú lại ban hành quyết định chỉ điều chỉnh về giá, còn phần diện tích bồi thường vẫn giữ 78m2 như cũ.

Tòa tuyên buộc UBND huyện phải ban hành quyết định bồi hoàn đúng diện tích giải tỏa. Vậy mà việc thi hành án vẫn cứ... dây dưa.

Hơn bốn năm qua tôi gửi đơn, gõ cửa kêu cứu nhiều nơi, thi hành án các cấp đều chuyển đơn đề nghị huyện thực hiện việc thi hành án.

Tháng 10-2014 huyện mới ra quyết định đền bù đủ 315m2 đất bị giải tỏa. Dù vậy, tới nay tôi vẫn chưa nhận được 630 triệu đồng bồi hoàn. Đã 13 năm rồi, chúng tôi còn phải tiếp tục chờ đợi đến bao giờ?

Sở Tài chính sẽ tạm ứng tiền chi trả cho bà Sáu

Ông Trần Văn Đảo, chủ tịch UBND huyện Châu Phú, cho biết huyện muốn giải quyết sớm nhưng điều khó khăn là chưa xác định được nguồn chi trả lấy từ đâu.

Bởi dự án mở rộng quốc lộ 91 đã hoàn thành việc quyết toán từ lâu, trường hợp đền bù phát sinh của bà Sáu không còn tiền chi trả. Huyện dự tính sử dụng nguồn từ đề án giải quyết khiếu nại để chi trả, nhưng nguồn này cũng đã sử dụng hết rồi.

Chúng tôi đã mấy lần kiến nghị Sở Tài chính nhưng chưa được trả lời nên đã đăng ký trực tiếp làm việc với UBND tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã đồng ý để Sở Tài chính cho tạm ứng trước để chi trả cho bà Sáu.

Ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết thêm bản án đã có hiệu lực pháp luật thì UBND huyện Châu Phú có trách nhiệm phải thi hành.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính cho tạm ứng trước để sớm chi trả tiền bồi hoàn cho bà Sáu, việc cân đối, quyết toán từ nguồn nào thì tính toán sau.

Dự án nâng cấp quốc lộ 91 do trung ương thực hiện nên có thể tỉnh sẽ xin bổ sung kinh phí chủ đầu tư, thuộc Bộ GTVT.

 

ĐỨC VỊNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên