25/04/2015 11:56 GMT+7

​Cần có quy định giới hạn về bảo vệ quyền dân sự

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Ngày 24-4, Viện Nghiên cứu lập pháp và Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo “Hoàn thiện dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi”.

Về một trong những nội dung mà dự thảo Bộ luật dân sự chưa quy định rõ chính là vấn đề quyền sở hữu đối với tài sản, PSG.TS Ngô Huy Cương cho rằng dự thảo Bộ luật dân sự còn nhiều khiếm khuyết và vướng vào một vấn đề pháp lý quan trọng không thể giải quyết đó chính là điều 291:

“Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể được sử dụng mặt đất, khoảng không trên mặt đất và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác”.

Theo TS Cương, có quy định này bởi đây là kết quả của công hữu về đất đai, Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất cho một người, rồi người đó lại cho người khác xây dựng bất động sản trên đó. Điều này có thể nhận thấy người có quyền sử dụng đất ở VN chính là chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất đó.

Người dân được bảo vệ quyền dân sự như thế nào? Giới hạn đến đâu để người dân có thể bảo vệ chính quyền dân sự, quyền tài sản của mình trước khi yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết?

Thạc sĩ Phạm Kim Long (Sở Tư pháp TP.HCM) lấy ví dụ về vụ việc chai nước ngọt bị phát hiện có ruồi và người dân yêu cầu doanh nghiệp trả 500 triệu đồng và bị bắt.

Theo ông Long, công dân này là một người tiêu dùng và quyền lợi người tiêu dùng thì được bảo vệ, nhưng người dân được tự bảo vệ quyền lợi của mình đến mức như thế nào thì luật lại không quy định cụ thể.

Ví dụ thứ hai mà ông Long nêu lên đó là việc một phụ nữ bị bạn trai cũ chụp hình nhạy cảm và dọa tung lên mạng, nhưng anh ta chưa phát tán thì luật quy định phụ nữ này được quyền bảo vệ quyền dân sự của mình.

Nhưng để bảo vệ được quyền ấy, chị ta chỉ có thể ăn cắp cái điện thoại đó, vậy thì hành vi ăn cắp đó có bị truy cứu trách nhiệm không, có bị các cơ quan tố tụng xem xét đó là hành vi bảo vệ quyền lợi của mình hay không?

Ví dụ khác nữa mà ông Long nêu đó là tình trạng thực tế hiện nay nhiều ngân hàng không thu hồi được nợ đã thuê giang hồ đến tận nhà dọa dẫm các con nợ.

Theo ông Long, ngân hàng có quyền đòi nợ và bảo vệ nguồn vốn của mình, nhưng việc thuê giang hồ đến đe dọa uy hiếp con nợ của mình như thế thì có đúng không?

Từ các ví dụ trên, ông Long đề nghị ban soạn thảo dự thảo Bộ luật dân sự quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền dân sự của công dân, giới hạn đến đâu, bảo vệ như thế nào kẻo chính người dân không thể bảo vệ được quyền của mình mà các cơ quan thi hành pháp luật có thể hình sự hóa một vấn đề dân sự trong khi quyền lợi dân sự của người dân không được bảo vệ.

“Khi người ta yêu cầu đòi 500 triệu đồng thì công an vào bắt người và khởi tố. Rõ ràng luật quy định nhập nhằng nên một vấn đề dân sự đã bị hình sự. Cần phải có cơ chế để người dân bảo vệ quyền dân sự, quyền tài sản của mình và giới hạn quyền đó đến đâu trước khi tìm đến cơ quan chức năng, bởi có khi chờ công an, tòa án ra quyết định thì tài sản và quyền lợi của họ bị xâm phạm nghiêm trọng rồi” - ông Long nói.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên