11/04/2015 12:24 GMT+7

​Oan sai không nhiều nhưng rúng động xã hội

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Báo cáo kết quả giám sát tình hình án oan sai trong ba năm qua được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 10-4) cho thấy có 71 trường hợp oan sai, chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Anh Trần Văn Đở (trái) và anh Thạch Mươl, hai trong bảy nạn nhân bị bắt oan trong vụ án giết người xảy ra tại ấp Lâm Dồ (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) - Ảnh: Lê Dân
Anh Trần Văn Đở (trái) và anh Thạch Mươl, hai trong bảy nạn nhân bị bắt oan trong vụ án giết người xảy ra tại ấp Lâm Dồ (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) - Ảnh: Lê Dân

Nhưng nhiều ý kiến khẳng định một vụ oan sai cũng không thể chấp nhận được.

“Tuy số trường hợp oan sai không nhiều nhưng hậu quả gây ra là hệ trọng, có vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận (như vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt giam oan; vụ năm công an ở Tuy Hòa, Phú Yên dùng nhục hình dẫn đến chết người)” - báo cáo nêu rõ.

Chánh án... cũng chịu thua?

Không khí phiên họp khá căng thẳng sau khi đoàn giám sát đề cập đến những vụ việc cụ thể. Trình bày dự thảo nghị quyết “về tăng cường các biện pháp phòng chống oan sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói: “Khẩn trương giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Phan Văn Lá (Long An), ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và các trường hợp bị oan khác đã có đơn yêu cầu bồi thường”.

Dự thảo nghị quyết trình Quốc hội yêu cầu: “Trong năm 2015 và 2016, Viện KSND tối cao, Bộ Công an, TAND tối cao theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương giải quyết xong 11 vụ án đã kéo dài trên năm năm và các vụ án khác dư luận quan tâm; sớm kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử lại đối với vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) và vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng).

Có biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật để xử lý dứt điểm vụ án Hồ Duy Hải (Long An), vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), vụ Vi Văn Phượng (Bắc Giang). Chánh án TAND tối cao có trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng)”.

Phúc đáp nội dung trên, chánh án Trương Hòa Bình cho biết vụ ông Chấn thì tòa đang giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật, quy định của pháp luật thì phải chứng minh thiệt hại. Nếu pháp luật có rườm rà phải nghiên cứu, sửa đổi, còn hiện tại vẫn cứ phải theo đúng pháp luật.

Đối với vụ Hồ Duy Hải, sau khi xét xử phúc thẩm, chánh án và viện trưởng không kháng nghị, Chủ tịch nước đã bác đơn ân xá, tức là phải thi hành án.

“Nhưng vì thận trọng nên Chủ tịch nước yêu cầu rà soát lại. Đoàn liên ngành cũng đã làm việc, đến nay chưa thấy có căn cứ kháng nghị, chúng tôi sẽ họp lại lần nữa và nếu không đủ căn cứ kháng nghị thì thi hành bản án” - ông Bình khẳng định.

Theo chánh án Trương Hòa Bình, trước đây viện trưởng Viện KSND  tối cao có kháng nghị về vụ Nguyễn Văn Chưởng, nhưng hội đồng thẩm phán đã xem xét và bác kháng nghị.

“Lý do được hội đồng thẩm phán xác định Chưởng là người cầm đầu, chủ mưu trong vụ án giết người, bản thân Chưởng cầm dao để chém nạn nhân nên phải chịu trách nhiệm về hậu quả mình gây ra. Chưởng không có đơn xin ân giảm và cũng hết thời hạn nộp đơn rồi. Bây giờ dự thảo nghị quyết viết là giao cho chánh án giải quyết dứt điểm thì chánh án cũng chịu thua” - ông Bình bày tỏ.

Không được làm oan người vô tội

Về số lượng 71 trường hợp oan sai được phát hiện trong ba năm qua, báo cáo nhận định đây là con số không nhiều, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong các vụ được điều tra, truy tố, xét xử. “Thế nào là nhiều, thế nào là ít? Oan sai chỉ cần một vụ cũng đã rúng động xã hội rồi” - Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lên tiếng.

Ông nêu vấn đề: “Phải chăng đó chỉ là những vụ mà chúng ta phát hiện được? Trong số đó cần phân tích là bao nhiêu do cơ quan tư pháp tự phát hiện, bao nhiêu do người bị oan, kêu cứu trong nhiều năm, bao nhiêu vụ do báo chí phát hiện”.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị nên phân tích, làm rõ trong số các vụ oan sai thời gian qua thì những vụ nào xảy ra từ trước, thuộc trách nhiệm của cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn trước đây, vụ nào vừa mới xảy ra và thuộc trách nhiệm của cá nhân đương nhiệm.

“Tôi biết rằng các đồng chí đang giữ các trọng trách trong các cơ quan tiến hành tố tụng chịu rất nhiều áp lực” - bà Mai cho biết, đồng thời đề nghị báo cáo giám sát ghi nhận cố gắng, nỗ lực, thành tích của các cơ quan này trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công an - thượng tướng Lê Quý Vương, phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong cũng đề nghị đoàn giám sát đánh giá rõ trong số 71 vụ thì bao nhiêu vụ oan, bao nhiêu vụ sai, trách nhiệm cụ thể thế nào, đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan để xã hội có cái nhìn đúng đắn đối với lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm.

“Đã oan sai là nghiêm trọng rồi, không phải nói ít, nhiều, tỉ lệ gì cả. Làm oan một người mà tử hình chẳng hạn thì còn nói gì nữa” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dứt khoát. Ông cho rằng để xảy ra oan sai ở đâu thì người gây ra và cán bộ lãnh đạo ở nơi đó phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý nghiêm khắc. Cơ quan tư pháp mà làm oan, làm sai thì vi phạm Hiến pháp, xâm phạm quyền con người, quyền tự do và làm méo mó công lý.

“Mong muốn lớn nhất của chúng ta là làm sao để chấm dứt tình trạng oan, sai. Quyền con người là quyền quan trọng nhất, phải được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ. Chúng ta phải kết luận rõ ràng không được để xảy ra oan sai. Chúng ta làm tốt thì được nhân dân tin tưởng, làm không tốt thì gây bức xúc dư luận” - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Không thể chấp nhận bức cung, nhục hình

Theo ông Hiện, qua giám sát cho thấy “các hành vi bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra ngay sau khi tạm giữ hoặc khi lấy lời khai đối tượng mà không nhận tội”.

Việc tố giác bức cung, nhục hình và việc điều tra chứng minh việc bức cung, dùng nhục hình thường gặp khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín.

Nhiều trường hợp khi ra tòa bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt mới được phát hiện.

Từng giữ cương vị giám đốc công an tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặc biệt quan tâm đến tình trạng oan sai có liên quan đến công tác điều tra, truy xét.

“Tôi không thể ngờ được có những vụ mà bốn, năm đồng chí cùng hùa vào để bức cung, nhục hình người ta. Tôi không thể chấp nhận được trong lực lượng công an lại có những con người như thế. Một số địa phương xảy ra oan sai nhiều, vậy các đồng chí lãnh đạo ở địa phương đó có tại vị hay không?” - ông nói.

Tham nhũng xử nhẹ, trộm cắp xử nghiêm

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết tại các địa phương đoàn giám sát trực tiếp làm việc thì hầu hết các trường hợp đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng không đúng quy định của pháp luật hình sự, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Nguyên nhân là do viện kiểm sát vận dụng sai các tình tiết giảm nhẹ để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. Có trường hợp còn vận dụng tình tiết “bị hại rút đơn tố cáo và xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị can” để đình chỉ bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm” trong khi các tội phạm này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.

Có trường hợp kết luận giám định có biểu hiện không khách quan, cho kết quả bị can, bị cáo bị tâm thần, gây bức xúc dư luận.

Bức xúc trước tình trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần phải phân tích rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm.

“Tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta đạt hiệu quả chưa cao. Với người dân bình thường, những tội như trộm cắp, đánh bạc thì bị kết tội rất nặng, xử lý rất nghiêm nhưng quan chức tham nhũng lại kết tội nhẹ, xử lý nhẹ, tại sao vậy?” - ông Khoa đặt câu hỏi.

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên