Anh ngồi sát tường bên này phòng xét xử. Chị chọn mút chiếc ghế sát tường bên kia. Không lần nào nhìn nhau, hai người như hai cái bóng. Nắng chao chát. Nhưng giữa họ đông cứng khoảng trống lạnh lẽo.
Họ công tác cùng một cơ quan. Chị trình bày hai người từng có thời gian dài yêu thương nhau. Khi chị mang thai và sinh con gái, anh vẫn tới lui chăm sóc nhưng kiếm cớ lần lữa không đám cưới, không đăng ký kết hôn.
Đứa trẻ tròn 1 tuổi cũng là lúc anh chối bỏ, không thừa nhận con, đồng thời cưới người phụ nữ khác làm vợ. Anh lại nói chưa từng yêu, cũng không có con với chị. Chị đâm đơn ra tòa yêu cầu xác nhận anh là cha của con mình.
TAND TP Huế xử chị thắng kiện. Anh có nghĩa vụ cấp dưỡng 1,5 triệu đồng/tháng đến lúc con tròn 18 tuổi. Anh kháng cáo, nói đứa trẻ không phải con mình nhưng lại xin giảm mức cấp dưỡng. Một ngày cuối tháng 8-2014, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xét xử phúc thẩm.
Chối bỏ
Bị đơn cho rằng quan hệ giữa mình và nguyên đơn chỉ là đồng nghiệp. Thấy nguyên đơn từ tỉnh khác đến Huế làm việc phải thuê nhà ở trọ nên tới lui giúp đỡ, chứ không phải yêu đương. Mà khi đã không yêu thì không thể có quan hệ nam nữ dẫn đến có thai. Tòa công bố hai lần giám định ADN đều cho kết quả bị đơn là cha đẻ của đứa bé. Lúc này bị đơn mới xin rút nội dung kháng cáo phủ nhận con.
Suốt giai đoạn xét xử sơ thẩm, bị đơn không đến tòa, không chấp hành quyết định của tòa án đến trung tâm giám định pháp y lấy mẫu giám định ADN. Phiên xét xử sơ thẩm, anh cũng không có mặt. Chỉ khi TAND TP Huế xử cho chị thắng kiện, anh mới làm đơn kháng cáo.
Thẩm phán cấp phúc thẩm cho biết quá trình giải quyết vụ án, thấy bị đơn khăng khăng một mực không thừa nhận con, ông đã khuyên anh này nên đồng ý làm giám định ADN. Nếu đứa trẻ không phải con, anh được thanh thản. Nếu quả thật anh là cha đứa bé thì không nên để con suốt đời mang tiếng không cha. Kết quả giám định anh là cha đứa bé. Anh “cãi” có thể do nhầm lẫn. Tòa lại trưng cầu giám định lần hai. Kết quả không thay đổi.
Chị không còn dáng vẻ chông chênh của người phụ nữ đến phiên tòa sơ thẩm mười tháng trước, phải có chị ruột đi cùng nâng đỡ tinh thần. Bây giờ, chị một mình đến phiên tòa phúc thẩm. Mái tóc đã cắt ngắn và màu son đậm khiến chị có vẻ chững chạc, mạnh mẽ, góc cạnh hơn. Nhưng cứ mỗi lần anh cãi chày cãi cối để phủ nhận những tình cảm yêu thương giữa hai người và không thừa nhận con, chị như co người lại. Khi anh bị tòa truy hết đường chối cãi, phải chấp nhận con, mặt chị cũng không hề giãn ra.
Có lẽ trong sâu thẳm lòng mẹ không có chỗ cho niềm vui dù là nhỏ nhoi, khi người cha buộc phải miễn cưỡng thừa nhận con như thế. Lòng mẹ càng như xát muối khi nghĩ đến đứa con bé bỏng chỉ thỉnh thoảng có được “hơi cha” trong thời gian một năm kể từ ngày bé chào đời.
“Sau khi anh ta ngoảnh mặt, chối bỏ con, có những lần tôi dẫn bé đến cơ quan, anh ta nhìn con bằng thái độ lạnh lùng khiến con bé không dám đến gần. Nhưng tôi biết bé khao khát tình cảm cha con nhường nào. Hôm đến trung tâm giám định pháp y lấy mẫu máu lần hai, bé vừa khóc thét lên vì sợ, vừa mếu máo bảo đừng lấy máu của ba, đau ba, tội ba. Nó mới có 3 tuổi...” Chị bỏ dở câu nói, lắc lắc đầu như cố rũ bỏ nỗi chua xót.
Cò kè
Tòa hỏi bị đơn: “Anh có đồng ý cấp dưỡng cho con mỗi tháng 1,5 triệu đồng?”. Bị đơn tỏ vẻ bực dọc: “Bây giờ tôi cũng đã có con với vợ. Nếu cấp dưỡng cho đứa này 1,5 triệu đồng thì đứa kia cũng phải như thế. Lương của tôi chỉ 5 triệu đồng. Nếu nuôi con hết 3 triệu đồng, số tiền còn lại không đủ để tôi tái tạo sức lao động”.
Tòa hỏi nguyên đơn: “Ý kiến của bị đơn như vậy, ý kiến chị thế nào?”. Nguyên đơn cho rằng trước khi yêu cầu bị đơn cấp dưỡng cho con, chị đã nghiên cứu văn bản Nhà nước quy định.
Theo đó, cha (mẹ) phải cấp dưỡng cho con 1/3 số tiền từ thu nhập của mình. Vậy nên chị yêu cầu bị đơn cấp dưỡng mỗi tháng 1,5 triệu đồng cho con là hợp lý. Tòa giải thích cha (mẹ) có thể nuôi một hay nhiều con, do đó số tiền cấp dưỡng ít hay nhiều tùy từng trường hợp cụ thể.
Vẫn không nhìn nguyên đơn, bị đơn “lạc đề”, giọng khó chịu: “Việc kiện tụng này kéo dài làm ảnh hưởng đến vợ con tôi, cuộc sống của tôi”. Nguyên đơn im lặng nhìn lên bức tường vô tri. Có thể “đọc” từ ánh mắt của chị nỗi chua xót đến quặn thắt tâm can. Đứa con mà anh ta có với chị cũng là khúc ruột của anh ta, tại sao anh ta không nghĩ đến cuộc sống của bé đã chẳng còn yên bình khi bị người cha chối bỏ.
Nghị án. Bị đơn ngồi nguyên trên ghế không tiếp xúc với ai. Nguyên đơn thẫn thờ ngoài hành lang. Chị trải lòng, chị đã suy nghĩ trăn trở rất nhiều trước lúc khởi kiện ra tòa tranh chấp xác nhận cha cho con, yêu cầu người cha có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con. Chị không làm điều đó vì bản thân mà để bảo vệ quyền lợi cho con.
Người mẹ như chị có lỗi đã không mang lại cho con một gia đình đầm ấm, thì ít nhất cũng không để con bị đẩy vào tình cảnh vô thừa nhận. Không muốn tâm hồn non nớt của con bị tổn thương nên không bao giờ chị mang bé theo đến những phiên tòa.
Tiếng chuông riết róng cắt ngang câu chuyện buồn. Tòa tuyên án, công nhận con của nguyên đơn cũng là con đẻ của bị đơn. Buộc bị đơn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng hằng tháng 1 triệu đồng cho đến lúc đứa trẻ tròn 18 tuổi.
Bị đơn thở hắt ra. Không biết anh ta đã trút bớt được một phần “gánh nặng”, bởi tòa phúc thẩm xử giảm 1/3 số tiền cấp dưỡng hay đang phiền muộn vì phải thừa nhận đứa con anh ta chối bỏ không thành?
Không hiểu vì sao lúc đó lại hiện lên trước mắt tôi hình ảnh đứa bé mới 3 tuổi rất sợ đau khi bị lấy máu, nhưng trong cơn hoảng sợ vẫn không quên bảo vệ cha bằng những cảm xúc cảm động “đừng lấy máu của ba, đau ba, tội ba”. Thấy lòng buồn da diết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận