07/08/2016 11:17 GMT+7

Cô giáo trẻ vượt qua nghịch cảnh

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Bị tai nạn giao thông cướp đi một chân, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm ngày ngày vẫn đến trường trên đôi chân bước thấp bước cao và nụ cười tươi rói.

Nhận được sự quan tâm chia sẻ của học trò, cô Tâm đã vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh: NGỌC TÀI
Nhận được sự quan tâm chia sẻ của học trò, cô Tâm đã vượt qua giai đoạn khó khăn - Ảnh: NGỌC TÀI

Năm 2008, cô Nguyễn Thị Minh Tâm (30 tuổi, Trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) - tân cử nhân sư phạm toán - gói ghém đồ đạc về huyện biên giới Tân Hồng nhận nhiệm vụ tại Trường THPT Tân Thành A.

Hành trang hôm ấy vỏn vẹn có ba bộ áo dài và vài thùng cactông đựng sách vở. Năm học đầu tiên, cô Tâm chiếm trọn tình cảm của học trò vùng biên với chiến thuật “vừa mềm vừa cứng”, nhất là luôn dành sự quan tâm đến các em.

“Đứng dậy”

Đầu năm học thứ 2, trên đường vận động học sinh ra lớp, tai nạn giao thông oái oăm đã ập đến. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật kéo dài, cô chạm vào ống quần bên trái nhưng thấy nó trống trơn. Như bao người khuyết tật khác, cô Tâm sốc nặng và suy sụp hoàn toàn.

“Mới hôm qua mình còn là cô giáo hoàn chỉnh trong mắt học trò và đồng nghiệp. Nếu mình trở về trường, xuất hiện với hình ảnh tiều tụy thiếu một chân, tay chống nạng, liệu mọi người có chấp nhận mình không?” - suy nghĩ ấy giày xéo cô Tâm mấy tháng liền nằm viện.

Ngày 20-11-2009, sau khi xuất viện, cô Tâm vào lại trường và bất ngờ được cả trường chào đón. Sự quan tâm ấy làm cô òa khóc.

Trong vòng tay yêu thương của đồng nghiệp và học trò, cô quyết tâm tập luyện với chân giả để nhanh chóng đi dạy lại.

Những tháng cuối năm 2009, hình ảnh cô Tâm bước chân tập tễnh, người gầy guộc nhưng miệng lúc nào cũng nở nụ cười đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí học trò và đội ngũ giáo viên nhà trường.

Em Phan Thị Mỹ Duyên, học trò cũ của cô Tâm, chia sẻ: “Lúc cô mới về trường, trong mắt em và nhiều bạn học sinh cô mang vẻ đẹp trẻ trung.

Sau khi cô phải chống nạng đến trường, với em, nét đẹp của cô cũng không hề suy giảm. Nhất là những giờ cô đứng lớp em biết cô rất mệt, nhưng cô vẫn đeo theo lớp đến cuối năm học”.

Quyết tâm

Thấy cô Tâm đi lại khó khăn, Sở GD-ĐT Đồng Tháp đã luân chuyển cô về Trường THPT Thiên Hộ Dương cho gần nhà.

Mùa hè năm ấy, trong ngôi nhà lá trống trước hở sau bên dòng sông Tiền của cô giáo trẻ bỗng dưng có hơn chục học trò đến ở.

Các em xin cha mẹ đến nhà cô ôn tập hè, nhưng thực chất muốn được ở cạnh người cô kính yêu của lớp.

Bà Nguyễn Thị Bảy, mẹ cô Tâm, nhớ lại: “Tụi nhỏ quây quần như người trong nhà. Nhờ vậy mà con Tâm cũng khuây khỏa để bắt đầu sang trường mới dạy”.

Lúc về trường mới, cô Tâm được phân công làm nhân viên văn phòng. Mấy tuần sau không chịu nổi cảm giác nhớ nghề, cô Tâm đến gặp ban giám hiệu xin được đi dạy dù chỉ là một lớp.

Trước quyết tâm đó, nhà trường đã đồng ý cắt một lớp để cô dạy. Nhận lớp khi các em đã quen với giáo viên cũ nên cô vấp phải sự phản ứng quyết liệt.

Một lá đơn gửi đến hiệu trưởng phản đối việc đổi giáo viên. Dù rất buồn, nhưng cô vẫn vào lớp rồi kể cho các em nghe về cô không hẳn để các em thương cảm cho một người khuyết tật, mà để các em hiểu rằng vượt qua tất cả cô muốn đi dạy như bao giáo viên bình thường khác.

Hết tiết học hôm đó, một học sinh đã gửi cho cô bức thư em vừa viết xong, thay mặt lớp xin lỗi cô vì những gì mà lớp đã làm và mong muốn cô hãy tiếp tục đứng lớp.

Đã sáu năm sau thời điểm khó khăn ấy, cô Tâm vẫn vững vàng trên bục giảng. Từ việc chỉ được phân công dạy một lớp, cô bắt đầu được tin tưởng và phân công dạy hai lớp của hai khối.

Đời sống cũng được cải thiện khi công đoàn nhà trường hỗ trợ để cô có được ngôi nhà tươm tất hơn. Sự vui tươi yêu đời cũng như ý chí vượt qua nghịch cảnh của cô đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò.

Nhìn lại quãng đời đã qua, cô nói: “Sau tai nạn tưởng chừng tôi đã gục ngã, nhưng chính tình thương của đồng nghiệp, học trò đã vực dậy tôi”.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên