05/02/2005 17:14 GMT+7

Hạnh ngộ của tình yêu

Theo Phụ Nữ TP.HCM
Theo Phụ Nữ TP.HCM

Chàng, một nhà khoa học lừng danh, tiến sĩ khoa học vật lý đại học Bách Khoa Paris, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học, giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Trung tâm nguyên tử châu Âu, năm 1983 đã chạm một tay vào giải Nobel.

bRt1b4cX.jpgPhóng to

Tấm card giản dị, trên góc trái in lồng chữ hai chữ cái P và N như vẫn gặp ở những tờ thiệp cưới, ở giữa in rành rõ tên của hai người: Pierre Darriulat - Nguyễn Thị Nga. Ngôi nhà họ ở gần đình Bái Ân, khu Nghĩa Đô, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội không có gì đặc biệt, chỉ những chủ nhân là đặc biệt.

Chàng, một nhà khoa học lừng danh, tiến sĩ khoa học vật lý đại học Bách Khoa Paris, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học, giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Trung tâm nguyên tử châu Âu, năm 1983 đã chạm một tay vào giải Nobel.

Vậy mà năm 1999, nghe theo tiếng gọi của tình yêu, chàng đã theo nàng về... Việt Nam. Nàng - cựu nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam, từng được huân chương "Vì sự nghiệp báo chí" sau 20 năm cầm bút, vì tình yêu, đã chấp nhận bỏ nghề, yên phận với vai trò làm vợ của chàng.

Sáu năm nay, nguồn thu nhập duy nhất của họ là khoản lương hưu của chàng và thu lao dịch sách của nàng. Nhà khoa học được đồng nghiệp xếp hạng 1/15 nhà vật lý xuất sắc nhất thế giới ấy, từ khi về quê vợ ở rễ đã lập tức có mặt tại Viện Khoa học kỹ thuật nguyên tử Việt Nam. Ông đã tích cực gây dựng được một phòng thí nghiệm hạt nguyên tử trị giá gần cả triệu USD, mà không hề nhận bất cứ một đồng lương nào. "Vì khoa học và vì tình yêu" - ông nói.

Pierre và câu chuyện xoay quanh những... hạt nguyên tử

Sáng sáng, Pierre rời nhà trên chiếc xe đạp thể thao màu đỏ để đến việnc nghiên cứu hạt nhân tại khu Nghĩa Đô, Hà Nội. Người đàn ông Pháp to lớn và chiếc xe đạp bé nhỏ đi trên đường làng đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với những người dân xung quanh. Xe không có tấm chắn bùn, Pierre đã tự tay làm lấy tấm chắn tạm thời bằng những mạnh nhựa ny lông mềm, trong rất ngộ nghĩnh. Viện KHKT hạt nhân ngay từ đầu đã đề nghị đưa xe ô tô đưa đón ông đi làm, nhưng Pierre lắc đầu. Ông không muốn làm phiền người khác.

Thuở nhỏ, Pierre học rất giỏi môn toán và vật lý. Theo ngành vật lý, tốt nghiệp đại học Bách Khoa Paris, làm luận án TSKH ông gắn cuộc đời mình với những phòng thí nghiệm lớn. Tại Thụy Sĩ, ông Pierre giữ chức giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Trung tâm nguyên tử Châu Âu. Ông say mê vật lý hạt cơ bản và khát khao tìm hiểu đến cùng vấn đề năng lượng điện mặt trời. Một phần ba những nghiên cứu của ông được dành cho những hạt cơ bản trong vũ trụ.

Công trình lớn nhất của ông được thực hiện vào đầu thập kỷ 80. Khi đó ông phụ trách nhóm nghiên cứu thứ 2 về tia nguyên tử và sau nhiều tính toán thực nghiệm đã phát hiện ra hạt chuyền tương tác yếu - một phát hiện cực kỳ quan trọng trong ngành nguyên tử hạt nhân. Trước phát hiện quá lớn đó, nhóm của Pierre cảm thấy cần phải kiểm chứng lại kỹ càng hơn trước lúc công bố chính thức.

Sự cẩn trọng cần thiết ở nhà khoa học đã trở thành sự chậm muộn đáng tiếc khi nhóm nghiên cứu thứ nhất ngay sau đó đã cho công bố kết quả đồng nhất và giành được giải Nobel năm 1983. Nhưng Pierre không vì thế buồn nản. Ông luôn nói với các học trò mình rằng các vị giáo sư thuộc nhóm nghiên cứu thứ nhất đó rất xứng đáng nhận giải Nobel. Vấn đề quan trọng là môn vật lý hạt nhân đã có thêm một phát minh hữu ích.

Pierre là người như thế. Ông "thiền" trong khoa học và cả trong cuộc đời. Đó là một người đàn ông Pháp cởi mở, gương mặt thông minh và nụ cười phúc hậu rạng rỡ. Về Việt Nam làm việc, nhiều khi không khỏi buồn, phiền vì điều kiện nghiên cứu quá thiếu thốn., lạc hậu, đến cái tuôc-nơ-vít cũng phải mang từ nhà đến vì phòng thí nghiệm chưa kịp trang bị. Nhưng không vì thế mà Pierre sao nhãng quyết tâm.

Ông thư từ, trao đổi liên lạc với bạn bè khắp các châu lục và nhờ mối quan hệ và uy tín của ông, nhiều thiết bị nghiên cứu đắt tiền từ những phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đã được gửi về Việt Nam.

Pierre luôn nhớ nhiệm vụ mà ông tự đặt cho mình: gây dựng một phòng thí nghiệm để có thể cùng các đồng nghiệp trẻ bắt tay nghiên cứu tại Việt Nam. "Tôi yêu đất nước này, tôi không muốn những người giỏi của các bạn lại phải rời bỏ đất nước để đi làm việc ở các nơi khác trên thế giới chỉ vì ở đó có những phòng thí nghiệm tốt. Tôi muốn trong tương lai các bạn có thể làm việc, cộng tác với các đồng nghiệp khắp thế giới ngay trên đất nước mình mà không phải đi đâu hết!".

Người viết bài này đã được gặp những cộng sự trẻ ở tuổi 20, lắng nghe sự bảo ban, hướng dẫn nghiên cứu của thầy Pierre với một niềm kính trọng sâu sắc. Không chỉ như thầy và trò, như một cây đại thụ giữa những chồi xanh non nớt, mà như cha với con. Cách mà ông giúp họ là những gì 5 năm qua ông đã làm tại Việt Nam này, tại phòng thí nghiệm này, là cả những học bổng và tài trợ nước ngoài của các bạn bè ông. Ông không nhận lương, một phần cũng vì họ, những người trẻ tuổi này.

Việt Nam, từ rất lâu, ngay từ thời Pierre còn trẻ, đã có một vị trí đặc biệt trong trái tim ông. "Năm 1954 Việt Nam thắng trận Điện Biên Phủ, tôi đã 16 tuổi. Chúng tôi xuống đường tham gia phong trào đấu tranh chống chiến tranh ở Việt Nam - Pierre kể. Trước khi lấy vợ Việt Nam, ông cũng đã hơn một lần tìm đến xứ sở này :"Đây là một đất nước có sự thu hút đặc biệt với chúng tôi hơn những đất nước thuộc vùng Đông Nam Á khác, có lẽ vì những chặng đường lịch sử của nó".

Đã yêu, yêu cả đường đi lối về....

Pierre nói như thế với tôi về tình yêu hôm nay mà ông có. Trong một chuyến sang Việt Nam, ông gặp Nga - một hướng dẫn viên du lịch nhanh nhẹn, nhiệt tình và ấn tượng đó theo ông về Paris. Chỉ độ một tháng sau, Nga nhận được thư và ... lọ nước hoa của người khách du lịch đứng tuổi, có vẻ ngoài bình dị đó. Chỉ có vậy. Rồi khi cô sang Paris tham dự lớp học hai tháng dành cho Cộng đồng Pháp ngữ, tình bạn của họ nẩy nở, Pierre đưa Nga đến làm quen với gia đình ông. Đến lúc đã yêu nhau rồi, qua bạn bè ông, Nga mới biết Pierre là một nhà vật lý tầm cỡ thế giới.

Khi Pierre ngỏ lời với cô, Nga đưa ra điều kiện :"Nếu lấy nhau thì không ở Pháp hay Thụy Sĩ nơi Pierre làm việc, mà về Việt Nam!". Với nhiều người, điều kiện đó của Nga chẳng khác bao nhiêu so với đòi hỏi một ông vua từ bỏ ngai vàng của mình. Nhưng với nhà bác học này, đó là ngôn ngữ của tình yêu. Và Pierre đồng ý để lại "vương quốc" của mình cho những đồng nghiệp thân thiết.

Ông làm thủ tục về hưu trước hạn cho dù chưa đến tuổi, rời bỏ trung tâm nghiên cứu nguyên tử bậc nhất châu Âu, rời bỏ những giờ giảng được trả thù lao cao ngất trong các giảng đường đại học danh tiếng. Việt Nam trở thành địa chỉ tình yêu của đôi uyên ương đó suốt những năm tháng qua.

Sáu năm trôi qua, Nga - cô gái Việt Nam cao ráo có làn da nâu và đôi mắt đen sắc sảo, người từng đỗ tốt nghiệp đại học xuất sắc năm 1979 tại ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, một nhà báo năng nổ ngày nào, giờ yên lành sống tình yêu và bổn phận: ở nhà chăm sóc con cái, nhà cửa cho chồng đi làm. Suốt hai tháng liền, cuộc giằng co lựa chọn giữa tình yêu và nghề nghiệp có lúc khiến chị kiệt sức và cuối cùng trái tim đã cất tiếng nói quyết định.

Người đàn ông tốt bụng và giỏi giang là sự bù đắp lớn nhất, tình yêu của ông sẽ xoa dịu những thất vọng từng lấy đi tuổi trẻ và giấc mơ hạnh phúc của ch. Thay vì làm báo, chị miệt mài dịch sách. Riêng trong năm 2004, theo hợp đồng dịch thuật với NXB Thế Giới: ba tác phẩm quan trọng xuất bản trong nước đã được Nga hoàn thành bản dịch sang tiếng Pháp gồm Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ trên không và một cuốn về Chiến dịch Tây Nguyên.

Pierre rất yêu vợ. Những lúc rỗi rãi, ông quanh quẩn giúp vợ làm bếp, đọc và chỉnh sửa bản dịch của Nga mà qua đó ông có thêm những hiểu biết về lịch sử và con người Việt Nam. Ông nói: "Bác Hồ và tướng Giáp là thần tượng của tôi!". Ông cũng dành rất nhiều thời gian và tình cảm cho bé Đạt - con riêng của Nga với người chồng trước.

Nga kể, mấy năm lấy nhau, việc đi đón con ở trường về, Pierre đều giành làm. Pierre và Đạt - hai người thân yêu nhất của chị, luôn quấn quít không rời nhau. "Điều khiến chúng tôi luôn thấy nhẹ nhõm là cả hai đều không đặt vấn đề tiền bạc lên hàng đầu. Chúng tôi sống rất giản dị, vài tháng lại lên tàu hỏa về Hải Dương thăm quê ngoại, Pierre trò chuyện tâm đắc với bố vợ và theo ông đi thăm các hàng xóm láng giềng. Khi tiết kiệm được nhiều tiền hơn, chúng tôi đi du lịch, đưa cháu Đạt đi đây đi đó..."

Pierre biết rất nhiều món ăn Việt, cầm đũa thành thạo và ăn được cả mắm tôm. Ông tự hào với món bánh phồng kiểu Pháp mà ông chế biến cùng với mắm tép thứ thiệt của đồng ruộng Việt Nam mà ông cho là "không món gì sánh được!".

Theo Phụ Nữ TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên