09/05/2013 07:01 GMT+7

Việt Nam cần thêm việc làm chất lượng cao

AXEL VAN TROTSENBURG
AXEL VAN TROTSENBURG

TT - LTS: Nhân chuyến thăm VN từ ngày 6 đến 9-5, ông Axel van Trotsenburg, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết sau đây.

LGpmeAVo.jpgPhóng to
Mỗi năm VN phải tạo ra ít nhất 1 triệu việc làm mới. Trong ảnh: Bà Đặng Ngọc Khánh Vân (bìa phải), giám đốc giải pháp tuyển dụng BCC, tư vấn cho các bạn trẻ cơ hội tìm việc làm - Ảnh: Thuận Thắng
hvw26hrZ.jpgPhóng to
Ông Axel van Trotsenburg - Ảnh: H.Giang

Tại hội nghị Mùa xuân do Ngân hàng Thế giới - Quỹ Tiền tệ quốc tế mới tổ chức, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết mục tiêu giảm nghèo cùng cực xuống dưới 3% vào năm 2030. VN đang vững bước trên con đường đạt được mục tiêu đó và thậm chí có thể đạt kết quả tốt hơn. Nhưng VN cũng phải đối mặt với thách thức là tăng tốc quá trình giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa và khu vực thiểu số.

Thách thức thiếu việc làm

Thực tế là VN cần nhiều việc làm hơn, và phải là việc làm có chất lượng cao để có thể giảm nghèo hiệu quả. Nhu cầu này trở nên cấp bách với hàng triệu thanh niên tham gia thị trường lao động mỗi năm, và khoảng 10 triệu người đã tham gia thị trường lao động trong thập kỷ qua (tính đến năm 2011). Thống kê mới nhất cho thấy có hơn 1 triệu người VN đang thất nghiệp, chưa kể cũng chừng đó người chưa đủ việc làm. Mỗi năm VN phải tạo ra ít nhất 1 triệu việc làm mới, công việc có vẻ khó khăn trong lúc tăng trưởng đang giảm.

"Tạo việc làm nhiều hơn với chất lượng cao hơn không chỉ là thách thức với Chính phủ, mà mỗi người dân VN đều phải đoàn kết hỗ trợ mục tiêu này vì thế hệ mai sau"

Ông Axel van Trotsenburg

Trong số những người thất nghiệp, thanh niên từ 15-24 tuổi chiếm gần một nửa. Thách thức ở đây là đáp ứng nhu cầu của thanh niên qua việc tạo ra việc làm có chất lượng trong các ngành phù hợp cho lớp trẻ. Chỉ có vậy mới có thể phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và có thể đảo ngược tình trạng bất bình đẳng trong tăng trưởng.

Không những vậy, thách thức còn đặc biệt thấy rõ tại khu vực nông thôn và miền núi, nơi đa số người dân làm nông với năng suất thấp và thu nhập chỉ đủ sống. Suy thoái kinh tế gần đây đã buộc nhiều người phải chấp nhận những việc thu nhập thấp, dễ bị tổn thương trong khu vực phi chính thức, khiến các gia đình ngày càng khó khăn vật lộn với cuộc sống.

Cải cách hệ thống giáo dục

Chúng ta đều biết một phần của thử thách đến từ môi trường bên ngoài khi VN phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều nước xuất khẩu những mặt hàng có tính cạnh tranh cao. Và giống như đối thủ của mình, VN cũng đang phải đối mặt với cải cách cơ cấu. Trong bối cảnh đó, việc giúp doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn và hỗ trợ khu vực tư nhân để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển là cực kỳ quan trọng. Ở đây, thách thức chính là tạo ra một khu vực công hiệu quả, loại bỏ quan liêu, cùng với một khu vực tư nhân năng động để tạo ra nhiều việc làm nhất. Cần đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và đảm bảo họ tiếp cận được tài chính để tạo ra việc làm. Cũng cần các chính sách hiện đại hóa và tăng giá trị cho ngành nông nghiệp để tăng thu nhập cho khu vực nông thôn.

Dưới 10% người nghèo sống dưới 1,1 USD/ngày

Trong hai thập kỷ qua, hàng triệu người dân VN đã thoát nghèo nhờ có công ăn việc làm tốt hơn trong một nền kinh tế năng động, phát triển và đầy sức sống. Tỉ lệ người nghèo ở VN sống dưới ngưỡng nghèo cùng cực 1,1 USD/ngày (khoảng 23.000 đồng) đã giảm từ 58% vào đầu những năm 1990 xuống dưới 10% năm 2010.

Nhiều nước đang cải cách khu vực tài chính và VN cũng sẽ có lợi nếu nghĩ tới những biện pháp hiệu quả, minh bạch để tăng lòng tin vào thị trường tài chính.

Để chuẩn bị cho tương lai, điều quan trọng là cải cách hệ thống giáo dục từ thấp đến đại học, cùng việc tạo ra văn hóa học suốt đời. Có kỹ năng đúng là quan trọng nhất. Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới về kỹ năng cho thấy chủ lao động không chỉ đòi hỏi người lao động có tay nghề về kỹ thuật mà còn cần cả các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng xử, thói quen tin tưởng lẫn nhau, kỹ năng làm việc theo nhóm và kỹ năng giao tiếp.

Chính phủ có thể sử dụng các đòn bẩy chính sách như tăng chi cho khoa học, toán, công nghệ, nghiên cứu và phát triển đồng thời đảm bảo các khoản chi này được phân bổ hiệu quả hơn; chi có mục tiêu hơn cho học bổng và các khoản vay cho học sinh, sinh viên, nhất là đối tượng học sinh nghèo và thiểu số; khuyến khích các mối liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp nhằm đảm bảo giáo trình sát với thực tiễn hơn và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

AXEL VAN TROTSENBURG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên