Học sinh, sinh viên tham quan, nghiên cứu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Bến Nhà Rồng - Ảnh: T.T.D. |
Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, lãnh đạo Cảng Sài Gòn các thời kỳ, đại diện Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM.
Năm 1923 khi đang ở Matxcơva, trả lời phỏng vấn tạp chí Ngọn Lửa Nhỏ, Nguyễn Ái Quốc giải thích về sự ra đi của mình: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ tự do - bình đẳng - bác ái..., tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”.
Tại tọa đàm, TS Lê Thị Thanh Tâm, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng Sài Gòn lúc bấy giờ là nơi tự do hơn những nơi khác ở Việt Nam trong việc đi lại, tìm kiếm công ăn việc làm, dễ kiếm cơ hội xuất ngoại.
Theo hai tác giả Nguyễn Văn Đồng và Nguyễn Quế Diệu (ĐH Trần Đại Nghĩa), việc Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Sài Gòn, theo học khóa công nhân hàng hải ở Trường Bá Nghệ là có chủ đích phục vụ cho chuyến hành trình của mình.
Tại thời điểm đó, muốn sang Pháp hay các nước phương Tây thì chỉ có đường biển là thuận lợi nhất, trong khi Cảng Sài Gòn vốn là nơi các tàu viễn dương qua lại nhiều nhất. Và thực tế đã chứng minh lựa chọn của Người là đúng đắn.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng nhìn toàn bộ chiều dài lịch sử Nam bộ và Sài Gòn cho đến ngày nay, có thể thấy Cảng Sài Gòn đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với những điều kiện lịch sử khác nhau, nhưng dù ở giai đoạn nào, vùng đất cảng cũng có vai trò quan trọng và nổi bật trong dòng lịch sử chung của Sài Gòn - TP.HCM.
“Cảng Sài Gòn luôn là động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP và của cả vùng Nam bộ. Sự thay đổi địa điểm và không gian sẽ làm tăng thêm vai trò động lực đó” - TS Nguyên nhấn mạnh.
Gắn bó với Cảng Sài Gòn từ công tác bảo đảm an ninh cửa khẩu, đại tá Nguyễn Duy Thắng, phó chính ủy Bộ đội biên phòng TP, chia sẻ bản thân ông có nhiều tình cảm với nơi này.
Hình ảnh Bến Nhà Rồng, Cảng Sài Gòn với những con tàu vào ra, tiếng còi tàu đã in sâu trong tâm khảm, trở thành quen thuộc đối với mỗi người từng gắn bó với cảng, với công nhân, người dân xung quanh đây, với cả bộ đội biên phòng.
Cảng Sài Gòn cũng là nơi đầu tiên thực hiện cải cách hành chính thủ tục biên phòng điện tử, hiện đang làm hiệu quả và được các doanh nghiệp đánh giá cao.
“Cải cách hành chính chính là lực lượng bộ đội biên phòng đang học theo tấm gương của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, đại tá Thắng nói.
Trao đổi về việc di dời Cảng Sài Gòn, ông Võ Hoàng Giang, bí thư đảng ủy, tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn, cho biết dự án di dời Cảng Sài Gòn bao gồm quá trình di dời cảng Nhà Rồng và xây dựng cảng mới ở Hiệp Phước đang triển khai giai đoạn 1 với mục tiêu đến tháng 12-2016 sẽ hoàn thành việc xây dựng 5ha bãi, 10.000m2 kho bãi với chiều dài cầu tàu 600m. “Điểm nhấn trong định hướng phát triển của công ty là logistics - lĩnh vực mà hiện nay chủ yếu là sân chơi của các công ty nước ngoài. Chúng tôi có thể tận dụng diện tích sẵn có để làm tổng kho phân phối. Với cung độ vận tải ngắn, sẽ là ưu thế rất lớn khi chúng tôi cung cấp dịch vụ cho các trung tâm thương mại, siêu thị trong nội đô”, ông Giang nhấn mạnh. Ông Giang cho rằng nếu như trong lịch sử, Cảng Sài Gòn luôn là động lực phát triển của kinh tế cả TP thì trong giai đoạn hiện nay, chỉ cần có định hướng đúng và được chính quyền TP ủng hộ, truyền thống tốt đẹp đó của Cảng Sài Gòn sẽ được duy trì và phát triển. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận