Anh Nguyễn Văn Duy, phó phòng QLĐT - Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, có thể thực hiện công việc của mình ở bất cứ đâu qua điện thoại kết nối mạng - Ảnh: Trường Trung |
Trang ra đời sau lời “đặt hàng” vào đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Đoàn ba năm trước (năm 2013).
Tại đó, người dân có thể phản ảnh từ cái cột đèn hư cho đến chiếc nắp cống hở, chuyện nước ngập hoặc những bãi rác không đúng nơi quy định. Không cần đơn thư rườm rà, người dân có thể viết hoặc “dán” lên tường của trang Facebook này, sẽ có lực lượng chức năng đến tận nơi khắc phục.
Dù đầu việc có nhiều hơn nhưng khi bắt tay vô làm phải giải quyết nhanh. Làm nóng chừng nào thì càng tốt chừng ấy. Nó giống như kiểu một ổ gà hiện lên, nếu tôi không giải quyết sớm thì mai mốt sẽ thành hố voi, ổ trâu. Mình biết mà không giải quyết lỡ có người bị tai nạn là mang tội |
Anh NGUYỄN VĂN DUY |
Đánh thức trách nhiệm công dân
Sáng cuối tuần hẹn uống cà phê, anh Nguyễn Văn Duy, phó phòng quản lý đô thị (QLĐT) - Văn phòng UBND TP Đà Nẵng - người lập và quản lý trang này, giải thích việc chốc chốc lại nhìn vào điện thoại: “Điện thoại nối mạng mà, đi đâu cũng làm việc được. Mà làm việc thì có tới 19.000 công dân theo dõi đó”.
Đó là do hiện tại số lượng thành viên tham gia lên tới gần 19.000 người. Ngoài anh Duy làm nhiệm vụ điều hành, đã có 11 thành viên là giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành liên quan nhập cuộc tiếp nhận thông tin và xử lý công việc qua trang này.
Vào đúng ngày sinh nhật Đoàn năm 2013, lãnh đạo TP Đà Nẵng gồm cả bí thư và chủ tịch tổ chức cuộc gặp với các đoàn viên thanh niên ưu tú và đặt câu hỏi: “Làm sao huy động được hết sức mạnh của người trẻ, toàn thể thanh niên chứ không chỉ riêng những đoàn viên mặc áo xanh?”.
“Tôi nhớ mỗi đợt họp HĐND TP Đà Nẵng, người dân điện thoại phản ảnh đô thị chỗ này nhếch nhác, chỗ kia chưa được, lãnh đạo huy động anh em đi làm gấp chạy rất mất sức mà cũng không chủ động được. Vì thế, trong đợt gặp mặt lãnh đạo đợt ấy, tôi mạnh dạn đề xuất việc dùng mạng xã hội vào công việc, cũng là cách huy động mọi người cùng chủ động hơn” - anh Duy nhớ lại.
Một tháng sau, trang Facebook QLĐT Đà Nẵng ra đời. Phòng QLĐT của anh Duy từ chỗ có hơn 10 anh em bỗng có thêm “tai mắt” phát triển lên hàng trăm, hàng ngàn người cùng tham gia đóng góp các vấn đề đô thị.
Ban đầu chỉ có anh Duy là “admin” (quản trị) trang. Để công việc nhanh gọn, anh chủ động “kết bạn” với mạng lưới cán bộ công chức các lĩnh vực. Cứ có người phản ảnh thông tin thì chia nhau theo lĩnh vực xử lý mà “dán” vào “tường” nhà người đó.
“Cái lợi của QLĐT trên Facebook là xác định được vấn đề ngay qua việc người phản ảnh có thể viết, chụp ảnh, quay phim rất trực quan, sinh động. Hơn nữa, vấn đề đô thị thì khắp nơi, thông tin càng đa chiều anh em đi kiểm tra đỡ tốn sức” - anh Duy giải thích.
Với trang QLĐT, mỗi công dân TP đều có thể thể hiện vai trò người làm chủ đô thị, thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội bởi đây không phải là sản phẩm thuần túy của chính quyền. Anh Duy ví dụ có người dân phản ảnh mỏ đá Phước Lý tại quận Liên Chiểu gây ô nhiễm cách đây chừng nửa tháng và buộc phải “dẹp gấp”.
Theo anh Duy, nếu thông thường người nắm thông tin một chiều sẽ thấy rằng phải “dẹp gấp” là chuyện đương nhiên. Nhưng khi thông tin đa chiều được công khai trên mạng, mọi người cùng đóng góp với người phản ảnh rằng “mỏ đá này có trước, còn khu dân cư có sau, việc đóng cửa đột ngột mỏ đá này là “bóp chết” cả trăm “miệng ăn”, bởi ở đây giải quyết rất nhiều lao động" thì người phản ảnh cũng hiểu và bớt bức xúc hơn.
“Đương nhiên với những việc này, chúng tôi cũng báo lên cấp lãnh đạo TP để vào cuộc giải quyết và có giải pháp. Nhưng để giải thích cho người dân trong vùng này hiểu, nhiều khi chúng tôi nói lại không khách quan bằng ý kiến mọi người góp ý trên” - anh Duy cho biết.
Lúc 12g20 ngày 24-2, một thành viên phản ảnh trên trang Facebook QLĐT đường dây cáp viễn thông gần ngã tư Nguyễn Cư Trinh - Trần Hữu Trang, P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng bị sà thấp xuống đường, gây nguy hiểm cho người đi đường (ảnh 1) thì đúng vào lúc 14g cùng ngày đã có người đến xử lý (ảnh 2) và được người phản ảnh thông báo “xử lý quá nhanh - quá chuyên nghiệp” - Ảnh: Tr. Trung chụp lại |
Vươn xa hơn “xanh - sạch - đẹp”
Cũng nhờ trang Facebook có kết nối đơn giản này nên dù ở nhà hay đi công tác xa, kể cả nước ngoài, công chức vẫn có thể theo dõi được các thông tin lĩnh vực bởi cộng đồng cập nhật “vù vù”. Hơn nữa, khi thông tin công khai, độ tương tác cao nên người dân có thể tăng cường giám sát, công chức không thể quan liêu, chây ỳ được.
Chị Ngô Thanh Hà, người dân phường Phước Ninh, quận Hải Châu, kể trước kia khi vỉa hè hoặc đường cống trước nhà hư hỏng phải làm đơn lên tổ, tổ gửi lên phường, rồi xem xét gửi các đơn vị hay phải chuyển lên quận, thành phố xuống sửa.
“Mất cả tháng chưa chắc được ngó ngàng. Còn bây chừ gặp đường, cống, đèn... nào không vừa ý, chúng tôi chụp ảnh đăng lên liền. Y rằng được xử lý ngay, hôm sau có kết quả, còn được “còm men” trả lời” - chị Hà hồ hởi.
Còn chị Phạm Ngọc Minh Thư, một thành viên khác của cộng đồng, thì kể: “Bạn tôi ở Hà Nội vào Đà Nẵng chơi, tắm biển xong lên quán ăn ngay đường Võ Nguyên Giáp nhưng bị quán tính tiền “lố”. Chị cãi không lại, không biết cầu cứu ai nên chụp hình hóa đơn nhờ tôi đăng lên trang. Ngay hôm sau thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch xuống kiểm tra liền, bạn tôi được trả lại tiền, còn quán đó bị phạt nặng”.
Khi con số thành viên trên trang lên tới 10.000 người, những phản ảnh không còn gói gọn trong các vấn đề hạ tầng đô thị mà cả các vấn đề về du lịch, trật tự đô thị, văn hóa, giao thông... Lúc này một mình anh Duy không kham nổi việc, bèn mời lãnh đạo các cấp sở cùng “nhập hội”.
“Từ khi lãnh đạo các sở cùng tham gia thì trang Facebook QLĐT trở nên đa năng và được người dân tin tưởng hơn. Đã có nhiều vụ án người dân phản ảnh lên đây, các anh bên an ninh âm thầm vào cuộc triệt phá ngay hôm sau. Riêng với các anh em thì cùng chung tâm niệm, dù đầu việc có nhiều hơn nhưng khi bắt tay vô làm phải giải quyết nhanh. Làm nóng chừng nào tốt chừng ấy. Nó giống như kiểu một ổ gà hiện lên, nếu tôi không giải quyết sớm thì mai mốt sẽ thành hố voi, ổ trâu. Mình biết mà không giải quyết lỡ có người bị tai nạn là mang tội” - anh Duy bộc bạch.
Người dân càng tín nhiệm cũng là lúc nhóm quản lý nghĩ đến một mục tiêu xa hơn là “xanh - sạch - đẹp” như ý niệm ban đầu. Đó là việc xây dựng cộng đồng thành viên thực hiện văn hóa văn minh đô thị thông qua cam kết chấp hành văn hóa xếp hàng, văn hóa còi xe, văn hóa khạc nhổ...
Vào giữa năm 2015, các thành viên lại sáng kiến ra hai nhân vật hư cấu “Đô - Thị” để tuyên truyền về văn hóa. Hai nhân vật này ra đời và được nhận giấy đăng ký quyền tác giả đã cổ vũ việc chấp hành văn hóa thông qua nét vẽ ngộ nghĩnh, tâm huyết của cộng đồng bằng các bài học dễ hiểu như: chàng Đô bỏ rác đúng nơi quy định, nàng Thị nhường người già và trẻ nhỏ khi xếp hàng ở siêu thị, chàng Đô dừng đèn đỏ...
Người dân có thể chia sẻ về trang cá nhân rồi nhấp chuột tô màu để cùng nâng cao ý thức văn hóa.
Theo anh Duy, văn minh đô thị phụ thuộc chính vào ý thức người dân. Chính vì vậy, một khi nâng cao được ý thức của người dân thì đó cũng là cách điều chỉnh hành vi để việc QLĐT được tốt hơn. Anh Duy nói: “Lý do để trang Facebook này tồn tại và phát triển là nhờ sự hoạt động có hiệu quả, các anh em phản ứng nhanh, vào cuộc quyết liệt mỗi khi có thông tin từ người dân. Đồng thời đó là sự sẻ chia từ người dân, sự tham gia góp ý của cả cộng đồng”.
Lúc 12g20 ngày 24-2, một thành viên phản ảnh trên trang Facebook QLĐT đường dây cáp viễn thông gần ngã tư Nguyễn Cư Trinh - Trần Hữu Trang, P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng bị sà thấp xuống đường, gây nguy hiểm cho người đi đường (ảnh 1) thì đúng vào lúc 14g cùng ngày đã có người đến xử lý (ảnh 2) và được người phản ảnh thông báo “xử lý quá nhanh - quá chuyên nghiệp” - Ảnh: Tr. Trung chụp lại |
Từ phản ảnh của nữ du khách nước ngoài qua Facebook quản lý đô thị về chất lượng dịch vụ của một khách sạn vào chiều 8-3, lập tức anh Nguyễn Văn Duy, phó phòng quản lý đô thị - Văn phòng UBND TP Đà Nẵng và bà Đoàn Thị Kim Thanh, phó chánh thanh tra Sở VH-TT&DL Đà Nẵng (thứ 3 và 4 từ trái qua) cùng hai chuyên viên đến khách sạn trên đường Hà Bổng (quận Sơn Trà) để giải quyết vụ việc - Ảnh: Trường Trung |
Trung bình mỗi ngày trang này nhận 10-20 tin phản ảnh và đóng góp ý tưởng chung tay xây dựng TP Đà Nẵng. Trong đó, có rất nhiều “người dưng” ở Hà Nội, TP.HCM hoặc nước ngoài cùng tham gia cập nhật những mô hình QLĐT ở các vùng, quốc gia. Trong đó, nhiều ý tưởng đóng góp đã được hiện thực hóa. Ngoài việc đóng góp công sức, ý tưởng, một công ty ở Hà Nội thông qua trang Facebook này gửi tặng bốn bộ xà đơn, xà kép đặt ở công viên Biển Đông để người dân và du khách tập thể dục. Ông Trần Chí Cường, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đà Nẵng, cho rằng những mô hình tiếp nhận thông tin như trang Facebook QLĐT là cần thiết bởi mức độ tương tác cao. “Rất nhiều thông tin liên quan đến ngành du lịch đã được chúng tôi tiếp nhận và xử lý. Qua những lần như thế, người dân càng có điều kiện xích lại gần với chính quyền hơn cũng như cơ quan chức năng củng cố được niềm tin trong nhân dân” - ông Cường nhận định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận