21/02/2016 11:17 GMT+7

Vì sao Lucy không thấy hạnh phúc?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Tự đặt ra những kỳ vọng quá cao, tác động của mạng xã hội và việc thiếu những cơ hội thực tiễn là những lý do khiến nhiều bạn trẻ thế hệ Y hôm nay cảm thấy không hạnh phúc.

Bạn trẻ hãy dừng việc nghĩ mình là người đặc biệt và không so bì với người khác để có thể tập trung vào công việc của mình - Ảnh: Reuters
Bạn trẻ hãy dừng việc nghĩ mình là người đặc biệt và không so bì với người khác để có thể tập trung vào công việc của mình - Ảnh: Reuters

Báo Independent của Anh định nghĩa thế hệ Y là những người trẻ độ tuổi 7x đến 9x. Để thuận tiện, chúng ta tạm gọi một bạn gái tiêu biểu cho thế hệ này là Lucy.

Lucy cũng là một phần của văn hóa yuppie, chỉ những người trẻ sống tại các đô thị lớn, kiếm được nhiều tiền và cũng chi rất mạnh tay cho các món hàng thời trang, xa xỉ. Cô ấy cũng là một bạn trẻ GYPSY - người luôn nghĩ mình là nhân vật chính trong mọi câu chuyện đặc biệt nhất.

Không hề hạnh phúc

Đương nhiên Lucy thích cuộc sống của mình. Nhưng điều đáng nói là cô ấy không hề hạnh phúc. Trước hết chúng ta xem một công thức đơn giản: Hạnh phúc = Thực tế - Những kỳ vọng. Theo đó, đương nhiên khi thực tiễn đời sống đó tốt hơn kỳ vọng, họ sẽ hạnh phúc. Và khi thực tại trở nên tệ hại hơn ước mơ thì họ đau khổ.

Để lý giải cho nỗi buồn của thế hệ Y, chúng ta hãy cùng nói về thế hệ cha mẹ, ông bà của Lucy. Bố mẹ Lucy chào đời vào những năm 50 của thế kỷ trước.

Họ lớn lên trong một giai đoạn kinh tế khó khăn và ông bà Lucy luôn bị ám ảnh về sự thiếu thốn vật chất, do đó họ rất chú tâm tạo dựng cho con cái một nghề nghiệp thực tế, ổn định lúc trưởng thành. Thời đó, ông bà Lucy dạy cha mẹ cô rằng không gì có thể ngăn cản con người vươn tới sự nghiệp ổn định, miễn là họ cần nỗ lực học tập, lao động.

Khi cha mẹ Lucy trưởng thành và bắt đầu làm việc, những thập kỷ 70, 80 và 90 qua đi, thế giới bước vào giai đoạn kinh tế thịnh vượng chưa từng có tiền lệ. Cuộc sống của cha mẹ cô trở nên thoải mái hơn bao giờ hết. Điều này tạo tâm lý lạc quan và thỏa mãn cho họ.

Theo đó, họ nuôi nấng thế hệ con cái như Lucy với một tinh thần lạc quan và khả năng vô giới hạn. Họ nói với những đứa trẻ thế hệ Y rằng con có thể là bất cứ những gì con muốn, họ gieo vào đầu óc những người trẻ này tư tưởng, có một tố chất hết sức đặc biệt chỉ có trong bản thân chúng mà thôi.

Điều này khiến Lucy cảm thấy ngập tràn hy vọng về sự nghiệp, tới mức, nếu cha mẹ cô chỉ muốn vươn tới một bãi cỏ xanh - biểu trưng cho một sự nghiệp ổn định, có thu nhập tốt, thì Lucy còn nghĩ về một bãi cỏ xanh với rất nhiều hoa trên đó. Nói cách khác, nếu cha mẹ Lucy chỉ muốn sống giấc mơ của họ thì Lucy muốn sống với giấc mơ chỉ của riêng cô mà thôi.

Mong thành đạt kinh tế và toại nguyện tinh thần

Một báo cáo của Cal Newport công bố trên tạp chí Harvard Business Review cho biết, bằng công cụ Ngram viewer của Google, họ nhận thấy cụm từ “theo đuổi đam mê của bạn” chỉ thực sự được sử dụng với tần suất tăng vọt trong 20 năm qua. Trong khi đó cụm từ “một nghề nghiệp ổn định” đã không còn “hot” nữa, thay thế vào đó là xu hướng lên ngôi của cụm từ “một nghề nghiệp toại nguyện”.

Rõ ràng là thế hệ Y cũng muốn được thành đạt kinh tế giống cha mẹ, nhưng họ còn muốn cả sự thỏa mãn, toại nguyện về tinh thần gắn với công việc nữa, điều mà có thể thế hệ cha mẹ họ chưa quan tâm nhiều lắm.

Tuy nhiên lại có một vấn đề khác nảy sinh. Mặc dù các mục tiêu nghề nghiệp của thế hệ Y nói chung đã cụ thể và tham vọng hơn, nhưng Lucy lại bị giằng co trong một thông điệp mà ngay từ thuở bé cha mẹ đã “nhồi” cho cô: “Con là người đặc biệt nhất”.

Vậy là Lucy nghĩ “ai cũng sẽ tìm được một công việc thỏa mãn, nhưng mình là người rất tuyệt vời, nên chắc chắn sự nghiệp và đường đời của mình phải nổi bật giữa đám đông kia”.

Không những thế, ảo tưởng về sự đặc biệt của bản thân còn tiếp tục kéo dài khi Lucy bắt đầu đi làm. Nếu bố mẹ cô cho rằng người ta phải mất nhiều năm lao động cật lực để có được sự nghiệp tuyệt vời thì Lucy lại nghĩ khác. Cô cho rằng một sự nghiệp tuyệt vời là chuyện hiển nhiên dành cho người đặc biệt như cô, vấn đề chỉ là thời gian và cách cô chọn đi đến đich đó mà thôi.

Thật không may là thực tại không như mơ và thế giới thực tế nhọc nhằn hơn những gì Lucy tưởng. Những sự nghiệp thành công đều phải mất rất nhiều năm đổ mồ hôi, công sức, thậm chí cả nước mắt và máu để gây dựng. Ngay cả những người thành công nhất cũng hiếm khi đạt được điều đó ở những năm đầu tiên của lứa tuổi 20.

Nhưng những người thế hệ Y không dễ dàng chấp nhận sự thật này. Giáo sư Paul Harvey, chuyên gia về GYPSY của đại học New Hampshire nhận ra thế hệ Y ‘có những kỳ vọng thiếu thực tiễn và phản ứng mạnh mẽ khi phải tiếp nhận những phản hồi tiêu cực”, họ “có cái nhìn rất tự mãn về bản thân”.

Giáo sư Paul Harvey nói: “Những người có cảm giác về quyền của bản thân họ mạnh mẽ sẽ rất mệt mỏi vì việc các kỳ vọng không được đáp ứng. Họ thường cảm thấy mình có quyền được tôn trọng và tưởng thưởng ở mức không phù hợp với năng lực thực sự của họ, vậy nên thường xuyên thất vọng vì không đạt được điều đó như mong đợi của mình”.

Một lý do nữa khiến những người trẻ thế hệ Y như Lucy buồn là vì áp lực từ mạng xã hội. Nếu cha mẹ Lucy ít khi biết được bạn bè đồng lứa đang làm gì thì với sự phổ biến của Internet và các trang mạng xã hội như Facebook, Lucy biết rõ tới từng hành động cập nhật theo phút của họ, luôn cảm thấy mình thấp kém hơn người khác. Điều này bắt nguồn từ một hiện tượng xuất hiện trong xã hội hiện đại: tự tạo ảo tưởng trên Facebook.

Câu nói “cỏ trong vườn nhà khác luôn xanh hơn vườn nhà mình” đương nhiên không có gì mới. Nhưng với cách mọi người thường tỏ ra, phô bày trên mạng xã hội (như Facebook) hiện nay luôn khiến Lucy cảm thấy mình thua bạn kém bè quá nhiều.

Lời khuyên dành cho Lucy

Báo Independent của Anh đúc kết lời khuyên của chuyên gia dành cho các bạn trẻ thế hệ Y:

1. Hãy cứ tham vọng một cách điên rồ. Thế giới hiện tại đầy ắp những cơ hội cho những người tham vọng có thể tìm kiếm thành công. Định hướng cụ thể có thể chưa rõ ràng, nhưng dần dà bạn sẽ tự nhận ra con đường riêng của mình.

2. Hãy dừng ngay việc nghĩ mình là đặc biệt. Thực tế là, ngay lúc này, bạn chẳng có gì đặc biệt cả. Bạn chỉ là một người trẻ hoàn toàn thiếu kinh nghiệm, một người chẳng có gì nhiều để “chào bán” được bản thân với xung quanh. Bạn chỉ có thể trở nên đặc biệt bằng cách thực sự nỗ lực lao động trong một thời gian dài.

3. Hãy phớt lờ những người khác. Thực tế là những người khác cũng giống như bạn thôi, nghĩa là cũng do dự, cũng tự hoài nghi và cũng mệt mỏi như bạn. Vậy nên hãy cứ chuyên chú vào công việc của bạn và không có lý do gì để ganh tỵ hay so bì cùng người khác.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên