03/02/2016 21:10 GMT+7

Tết Việt mệt hay vui?

LÂM MINH TRANG ( Giáo viên Gò Vấp)
LÂM MINH TRANG ( Giáo viên Gò Vấp)

TTO - Cuối năm, người người nhà nhà đang tất bật với những công việc cuối năm để đón xuân sang. Nhiều câu chuyện gởi đến TTO cuối năm cho thấy nhiều người vui, nhiều người lại... mệt vì lễ nghi, bếp núc.

Tết là khoảnh khắc để... dừng lại và sống chậm

Công việc và những bận rộn của đời sống bây giờ dường như kéo con người ta đi quá nhanh. Cái nhịp sống hối hả đó thường đẩy mọi người về phía trước, không có khoảng dừng lại - bởi dừng lại e là sẽ “chậm chân”.

Chừng mực nào đó, guồng quay ấy cũng không cho chúng ta có giây phút gọi là ngoái lại. 

Không ngoái lại, cho nên ta không nhận ra rằng khi ta bươn chải tất bật cho lý do gia đình, thì gia đình là gì trong ta khi ta không còn có thời gian dành cho nó nữa? Không ngoái lại, nên ta không nhìn thấy một điều rằng: chúng ta đã xây những cái nhà to hơn, nhưng gia đình trong đó thì bé lại… Và liệu đến khi nào ta mới có thể nhận ra?

Sợ hai chữ "Tết về"

Hình như mọi công việc chì chờ dồn đến vào dịp cuối năm để đòi tất toán với bộn bề những yêu cầu lớn - nhỏ, chung - riêng, đã khiến cho những người trưởng thành trở nên vô cùng mệt mỏi. Mệt đến độ có những lúc trên đường tan sở trở về nhà, ta không nhận ra những con đường đã rộng hơn bởi luồng xe cộ thưa vắng.

Mệt đến độ, khi đứng trước yêu cầu phải dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị cỗ bàn cho Tết, nhiều người trong chúng ta tự dưng đâm sợ hãi hai chữ “Tết về”. Sự mệt mỏi đó nhiều khi dẫn ta đến những trách hờn vu vơ đâu đó về những bậc trưởng lão trong gia đình, không đi làm việc nên bày vẽ nhiều yêu cầu nhiêu khê quá đỗi.

Trong khi Tết cũng như ngày thường, thậm chí mệt hơn vì những yêu cầu phải chăm lo cho… người khác nơi công ty, công sở. Mệt và sợ Tết đến độ, nhiều năm trở lại đây, các tour du lịch gần như “cháy gói” mỗi dịp Tết đến.

“Cháy” không phải vì nhu cầu du lịch, chắc cũng có nhưng không đa số, mà cháy vì bỗng dưng có nhiều gia đình buộc mình phải “tháo chạy” khỏi những tập tục “lạy cậu, lạy mợ” mà từ những Tết xửa, Tết xưa nào đã đặt ra.

Những tập tục mà ngày nay một số người đã cho rằng nó chỉ dành cho những người ở thời “quá vãng”, và nó chỉ thích hợp cho những người già “hoài cổ”. Tuổi trẻ năng động, phải trói chân, loanh quanh trong nhà mấy ngày Tết và khi thời gian nghỉ Tết gần đây được kéo dài hơn, là một việc dường như không được công bằng.

Tết... trớt quớt

Cách đây hai năm, tôi cũng sống trong bằng ấy những suy nghĩ như thế khi Tết đến, nhưng khi có dịp đón bốn người chị họ con cô con cậu từ nước ngoài về chơi Tết, bỗng dưng phải suy nghĩ lại về cái gọi là giềng mối gia đình.

Các chị có tuổi xấp xỉ U60 và xa quê đã lâu, nhưng cái xa day dứt nhất - như các chị tự nhận - đó là hơn 20 năm các chị không còn cảm giác gì về cái gọi là Tết đến khi ở nước ngoài. Mặc dù, vùng các chị ở cũng có nhiều người Việt Nam.

Mỗi khi Tết đến, người ta cũng tổ chức hội chợ, văn nghệ Cây Mùa Xuân, các chị cũng đi lễ chùa đêm giao thừa tuy năm có năm không, cũng cố gắng biện mâm cỗ với đầy đủ bánh chưng, giò chả cúng Tết.

Thế nhưng, cho dù cố gắng tới đâu, những cái Tết xa xứ đó hoàn toàn… trớt quớt. Con cái đi làm, đi học, cố lắm thì cũng chỉ tổ chức được một ngày tất niên. Nhưng năm thì tất niên vào mùng… 3 Tết, năm thì từ tổ chức sớm từ khi chưa đưa ông Táo về Trời, bởi những ngày này là ngày chủ nhật.

Rồi sau bữa ăn, cũng chúc tụng, cũng lì xì mừng tuổi nhau inh ỏi và giải tán. Với lũ con nít sinh ra và lớn lên bên ấy, Tết với chúng chỉ là một dịp… meeting, chúng ngạc nhiên nhìn bố mẹ, cô chú xúng xính quần áo đẹp trong khi ngoài kia phố phường… im vắng.

Chúng ngạc nhiên nhìn gia đình nâng cốc và nói Happy Lunar NewYear, trong khi NewYear của chúng thực sự đã qua rất lâu rồi. Cho nên, dễ hiểu khi về thăm quê hương, các chị tóc bắt đầu “muối  nhiều hơn tiêu” bỗng trở lại như con nít líu ríu, hồ hởi theo mẹ tôi, một bà cô già hơn 85 tuổi ra chợ để “lăn dưa” (chọn mua dưa hấu), chọn bưởi, xúm xít mỗi tối bên mẹt các thứ củ quả phơi khô để chuẩn bị làm kiệu, làm dưa.

Ào ạt quét váng nhện, chà nhà cùng các em, tỉ mẩn vừa nhặt lông heo cho sạch để chuẩn bị nồi thịt kho nước dừa, vừa trò chuyện đủ thứ chủ đề. Những câu chuyện có đi xa đến đâu thì đều có lúc quay lại một câu nói: "Chúng cháu không có Tết đến gần phần tư thế kỷ rồi cô". Câu nói được nhắc nhiều đến nỗi, tự dưng làm những đứa em là người “tại chỗ” thấy mình trở thành kẻ bội bạc ngay với chính nơi mình đang ở.

Thấy hình như lâu lắm, chỉ biết than phiền khi Tết đến, Xuân về, thấy người già sao nhiều yêu cầu phiền phức mà không nhận ra bàn ăn mỗi lúc một đông đúc hơn nhưng dường như lại lặng lẽ hơn bởi ai nấy đều bận chúi mũi vào iphone hay ipad.

Những tràng cười rôm rả, sôi nổi, không còn là biểu hiện của những câu chuyện với nhau mà là nó dành cho những gì đang xảy ra trên cái màn hình với những mối dây ràng buộc tận đâu đâu chứ không phải dành cho người thân đang ngồi bên cạnh.

Những mua sắm quà Tết trước đây dành cho ông bà, cha mẹ, hình như ngày càng thưa vắng, mà chỉ gói gọn lại trong những phong bì tiền cuối năm: Các cụ thích gì cứ mua! Rồi còn không gian nữa - không gian Tết, đi ngang qua một góc phố, bắt gặp một bếp lửa bập bùng hiếm hoi sát sân tường gạch nhà ai đó đang sôi lục bục nồi bánh chưng, bánh tét.

Thấy những người lớn, trẻ nhỏ ngồi quanh bếp lửa chập chờn, rạng rỡ trò chuyện. Những rạng rỡ của thân tình tụ họp. Và đâu đó, trong làn gió đêm thoáng đãng, mùi nhang trầm mộc nhà ai quấn quýt lan tỏa ùa vào khứu giác, cùng lúc với những thấy, những nghe, những cảm đó, mới hiểu ra cái mà người lớn trong nhà cố gìn giữ không phải là sự phiền phức mà là sự chuẩn bị tận tâm cho việc gìn giữ mối dây thân tộc vững bền khi người già phải rời xa theo quy luật.

Gia đình nào bây giờ cũng ít con và lại càng ít cháu. Quanh năm mải học, mải làm, mải chăm chút cho những quan hệ ngoài xã hội, nếu không có những cắt đặt cho Tết - là nguyên nhân chính đáng để tụ bầy - thì biết đến bao giờ mới có thể ngồi lại bên nhau? Rồi sau này những người già rủ nhau khuất bóng, anh em xa lạ đã lâu, lấy chi để nâng đỡ nhau khi trái gió, trở trời?

Nhiều người trẻ khi nghe vậy cũng có thể cho rằng: người già lẩm cẩm lo quá xa… 

Thế nhưng nhìn cuộc sống xã hội cứ ngày một rộng ra nhưng lòng người dành cho nhau thì ngày càng chật lại, nhìn những nhiễu nhương ngày một nhiều hơn nơi người trẻ có nguyên nhân sâu xa từ việc nguồn cội lênh đênh, mới hiểu nỗi lo “mất gốc” không nằm ở điều “xa quê” mà nó nằm ngay tại tự thân sự giáo dục gia đình, mà một trong những nền tảng giáo dục đó là cái Tết cổ truyền dân tộc.

Cái Tết là lúc mà anh chị em dẹp bỏ mọi buồn phiền khúc mắc về nhau để ngồi lại quanh chảo mứt, nồi bánh họp bầy. Cái Tết là lúc người trong nhà san sẻ cho nhau đồng quà, tấm bánh cho trọn câu "đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết".

Cái Tết còn là lúc, sau một vòng chạy thậm chí nhiều vòng chạy cho nợ áo cơm, ta nhận ra ta bươn tới nhiều nơi chỉ là để chuẩn bị cho ngày về tốt nhất. Cái ngày về nơi góc nhà xưa có cha mẹ, có anh chị em đang đợi nhau quanh một bàn cơm mà ai nấy đều muốn nói: Tết về…

Về chứ không phải là đi Tết, là “chạy” Tết, là “trốn” Tết…

[poll width="400px" height="174px"]197[/poll]

LÂM MINH TRANG ( Giáo viên Gò Vấp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên