31/01/2016 09:12 GMT+7

Những cô gái bốc vác thuê ở Ghana

D.KIM THOA (Theo PRI) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA (Theo PRI) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)

TT - Trong ngôn ngữ của người Ghana, có hẳn một từ để chỉ các cô gái làm nghề mang vác thuê, đó là kayayo, số nhiều của danh từ này là kayayei.

Hai cô gái trẻ Aisha Yakubu và Sahada Al Hassan chờ khách hàng thuê khuân vác tại chợ rau Agbogbloshie, thủ đô Accra của Ghana - Ảnh: PRI
Hai cô gái trẻ Aisha Yakubu và Sahada Al Hassan chờ khách hàng thuê khuân vác tại chợ rau Agbogbloshie, thủ đô Accra của Ghana - Ảnh: PRI

Ở một khu chợ rau đầu mối tại thủ đô Accra của Ghana, mua được hàng là điều không dễ. Những món hàng có giá hời nhất thường ở sâu trong khu chợ đông đúc, ồn ào, nóng nực và càng mua nhiều, giá càng rẻ.

Khi hàng hóa đã chất đống xong xuôi, đó là lúc một kayayo sẽ lại gần ngỏ ý mang giúp hàng cho khách. Công việc rất nặng nhọc, đôi khi còn nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ lại có nhiều cô gái tham gia công việc này đến vậy.

Theo Hiệp hội Thanh niên kayayo ở Accra, hiện có hơn 1 triệu cô gái đang bốc vác thuê tại các khu chợ trên toàn Ghana vào bất cứ thời điểm nào.

Thường thì các cô gái tới đây làm việc theo kiểu thời vụ, đôi khi để hỗ trợ gia đình, lúc để tiết kiệm tiền lo làm đám cưới. Nhưng lý do phổ biến nhất là kiếm tiền trang trải học phí. Đó cũng là mục tiêu của cô gái 20 tuổi Salome Solomon, một kayayo đang khuân vác thuê ở chợ.

Solomon muốn học nghề y tá, học phí trường này tốn khoảng 500 USD. Cô là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp phổ thông, và như vậy cũng đã là quá sức đối với một gia đình nghèo vì học phí phổ thông ở Ghana rất tốn kém.

Trong thập kỷ qua, các cơ quan chính phủ và tổ chức từ thiện ở Ghana đã dành hàng triệu USD để giúp những cô gái như Solomon có thể ở nhà mà không phải đến chợ lao động. Tuy nhiên bất kể chính sách đó, con gái vẫn bỏ học với tỉ lệ cao hơn nhiều so với con trai. Qua nhiều năm, tỉ lệ nữ sinh trung học phổ thông tốt nghiệp không hề cải thiện. Số phụ nữ thất nghiệp ngày càng tăng.

Không lâu trước đây, chính phủ đã có những khoản tài trợ giúp học sinh nghèo đã tốt nghiệp phổ thông có cơ hội học thêm nghề sư phạm hay y tá. Nhưng rồi khoản tài trợ này lại bị rút ruột vì nạn tham nhũng.

“Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn” - Cô gái Mohammed Salifu, người đã làm việc với các kayayei trong hơn 20 năm, chia sẻ - Nhất là khi Ghana đang ngày càng khó khăn”.

Trong gia đình Solomon, cô đã chứng kiến lần lượt từng người anh buộc phải bỏ học vì học phí quá cao. Nhưng ít ra các anh trai cô còn được thừa kế ruộng vườn của cha mẹ. Là con gái, Solomon sẽ không được nhận tài sản nào. Vậy nên mẹ cô đã làm việc cực nhọc để cô vẫn được đi học. Cả gia đình chắt chiu tiền bạc cho cô và họ đã rất tự hào khi cô tốt nghiệp phổ thông.

Nhưng ở miền bắc Ghana, tấm bằng phổ thông vẫn là chưa đủ để xin việc. Trong nhiều tháng trời, cô gái trẻ ở nhà mà không làm gì, trong lòng đầy dằn vặt vì cảm thấy có lỗi với cả nhà.

Rồi Solomon quyết định tới Accra. Cô làm việc vào mọi thời gian có thể, khuân vác thuê cùng hàng ngàn cô gái khác cũng đang cố gắng nhặt nhạnh từng đồng.

Nhiều kayayei chia sẻ về những nguy hiểm, bất công họ phải đối mặt hằng ngày tại các khu chợ. Đó là những chuyện kinh hoàng về các vụ cướp giật và cưỡng hiếp. Vậy nên những cô gái phải trả tiền nhiều hơn để cùng các bạn thuê chung một căn phòng an toàn hơn gần nơi làm việc.

Chưa kể họ thường phải đối mặt với tình trạng bị khách hàng quịt tiền. Có những gã đàn ông thuê các cô vác tải bao gạo nặng tới hơn 45kg và sau đó bỏ đi, không trả một xu.

Iddrisu thì muốn trở thành y tá và từng đồng tiền công bốc vác góp nhặt được đưa cô gái tới gần hơn với mơ ước đi học nhưng cô phải chịu đựng sự bóc lột tàn tệ, khinh miệt. Cô tâm sự: “Khách hàng cứ nghĩ các kayayei chúng tôi như đám khỉ vậy”.

Tuy nhiên gia đình lại chính là lý do để những cô gái như Iddrisu và Solomon tiếp tục nhẫn nại làm việc ở đây. Với Iddrisu, số tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt sẽ giúp cô chuyển đổi thành một tấm bằng, từ đó có thể giúp đỡ gia đình. Cô nói: “Đó là lý do vì sao tôi nỗ lực hết sức để trở thành một người nào đó trong tương lai”.

D.KIM THOA (Theo PRI) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên