20/12/2015 09:53 GMT+7

​Chàng trai đánh giày “Ghét ẩu”

PHƯƠNG LINH
PHƯƠNG LINH

TT - Cứ vào mỗi buổi sáng trước giờ làm, ở góc ngã tư Trần Quốc Thảo và Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), một chàng trai trong bộ trang phục chỉn chu, quần tây, áo sơmi, mũ nồi xám ngồi lân la đánh giày cạnh một chiếc xe đạp.

Phía trên thùng đồ nghề của anh có tấm bảng ghi chữ “Ghét ẩu”. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng hỏi lại thì hóa ra đó là tên thương hiệu đánh giày vỉa hè của anh.

Chàng trai đó là Nguyễn Hồng Vương (31 tuổi, quê ở Phú Yên).

Mặc dù từng làm rất nhiều nghề và hiện tại là một chuyên viên môi giới bất động sản, nhưng đã gần 10 năm nay anh vẫn đều đặn từng ngày đạp xe lộc cộc, trong giỏ là thùng đồ đánh giày đi rảo khắp các con đường ở trung tâm thành phố đánh giày cho khách.

Dáng hình anh thong dong trên chiếc xe đạp cùng bộ trang phục đó khiến mọi người không khỏi liên tưởng đến hình ảnh những người đánh giày ngày xưa ở Sài Gòn.

Thấy lạ, nhiều người hỏi anh có nghề nghiệp ổn định mà sao còn ra đường đánh giày chi cho cực nhọc, anh chỉ cười bảo rằng: “Sáng tôi dậy sớm đi đánh giày coi như tập thể dục, đến 9g thì tôi về đi làm bình thường, có mệt gì đâu”.

Anh xem công việc này không phải để kiếm tiền mưu sinh mà là để thỏa đam mê của mình: đam mê làm đẹp cho những đôi giày. Có ngày anh đánh được vài ba chục ngàn, có ngày chẳng được đồng nào, không mang vẻ ủ rũ đó lâu, anh lại hồ hởi đạp xe về nhà thay quần áo và bắt đầu công việc chính của mình.

Khác với những người lao động nghèo khó, nỗi lo nhọc nhằn mưu sinh không phải là điều đè nặng lên cuộc sống của anh, nhưng thử hỏi có mấy ai một khi đã có đủ đầy vật chất vẫn còn đủ tâm và tình để tiếp tục công việc “tay chân lấm bẩn” ấy.

Chính công việc đánh giày đã giúp anh vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, khi anh tay trắng sau quá nhiều vấp váp ở nơi đất khách quê người.

Có lẽ anh mang ơn cái nghề này để rồi can đảm bỏ lại phía sau bao lời dè bỉu, chê bai, ngăn cản của gia đình và tiếp tục công việc yêu thích của mình. Khi có một vị khách đến hỏi anh có dán đế giày không, anh hào hứng trả lời rằng: “Chuyên gia về giày, không gì là không có”.

Có ai nghĩ rằng đánh giày cũng cần phải tạo thương hiệu nhưng riêng với Hồng Vương, anh không chỉ đánh giày mà còn là chăm chút và nâng niu chúng như một cách thể hiện sự trân trọng của anh dành cho người khách của mình.

“Đối với ai chứ đối với tôi, hối là tôi không đánh đâu. Không phải là mình chảnh nhưng đã nhận tiền của khách thì phải đánh làm sao chất lượng chứ không chỉ quệt quệt mấy đường rồi xong”, Vương tâm sự.

PHƯƠNG LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên