22/10/2015 10:21 GMT+7

“Chúng tôi có thể..."

NGỌC HIỂN (ngochien@tuoitre.com.vn)
NGỌC HIỂN (ngochien@tuoitre.com.vn)

TT - Đầu bếp chậm rãi chế biến các món ăn một cách tỉ mẩn trước sự hò reo cổ vũ của cả trăm con người như không khí một ngày hội.

Những đầu bếp là người khiếm thị - Ảnh: Ngọc Hiển
Những đầu bếp là người khiếm thị - Ảnh: Ngọc Hiển

Vừa chế biến, các đầu bếp vừa kể cách cắt thịt bò làm sao cho thẳng thớ, khi nào thì nước sôi, phi hành tỏi sao cho thơm, gà kho bao lâu thì chín... Với những đầu bếp và người cổ vũ, chuyện này thật không đơn giản khi họ là người khiếm thị.

Bà Grace Mishler, cán bộ phát triển dự án Công tác xã hội (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết cuộc thi này là cơ hội để người không nhìn thấy ánh sáng và người bình thường có cơ hội chia sẻ cùng nhau và cũng là dịp để người khiếm thị khẳng định họ có thể làm được nhiều việc có ích.

Cuộc thi nấu ăn này chỉ vỏn vẹn hai đội tham gia đến từ Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng và mái ấm Thiên Ân ở TP.HCM vừa được khoa xã hội học (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức. Hai đội cùng nhau thi chế biến các món chè trôi nước, canh gà nấu lá giang, đậu côve xào thịt bò và canh củ hầm xương.

Không thể nhanh nhảu các thao tác cắt gọt, xào nấu như người thường mà ngược lại những đầu bếp này chậm rãi, mò mẫm thực hiện từng bước các công đoạn. Họ phân công nhau mỗi người một việc, người bóc tỏi, người hái rau, người nặn bánh rồi ai vào việc nấy rất bài bản.

"Người thường chỉ cần mở vung nồi ra là biết nước sôi hay chưa, còn người khiếm thị phải áng chừng thời gian nước sôi qua kinh nghiệm hằng ngày. Thịt gà để biết chín hay chưa bạn chỉ cần nhìn màu thịt, còn chúng tôi không thể nhìn mà phải tinh ý ngửi mùi gà thay đổi để có một nồi thịt gà nấu lá giang vừa ngon vừa chín tới" - đó là những kinh nghiệm nấu ăn của đầu bếp 25 tuổi Nguyễn Minh Tuấn, thành viên của mái ấm Thiên Ân.

Tuấn cho biết hằng tuần ở mái ấm này đều có chương trình sống độc lập, các nhóm từ 5 - 7 người khiếm thị sẽ tự vào bếp nấu ăn nên những kinh nghiệm nấu ăn đó đã đến với Tuấn một cách tự nhiên như thế. Còn với cô đầu bếp Lê Minh Thúy Khuyên (32 tuổi, Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng) thì với người khiếm thị việc nấu ăn phải cực kỳ cẩn thận, nếu không là "nấu món này ra món nọ"...

"Món bánh trôi nước này chúng tôi làm nhiều màu sắc với thông điệp dù khiếm thị nhưng chúng tôi vẫn nhìn cuộc sống vui tươi đa sắc màu", một thành viên đội Thiên Ân trình bày món ăn. Một thành viên khác của đội này tiếp lời với một thông điệp ý nghĩa: "Chúng tôi có thể nấu ăn thì bạn cũng thế". Cuộc thi không chấm điểm thắng thua bởi nấu ra được những món ăn này thì ai cũng đã là người chiến thắng.

NGỌC HIỂN (ngochien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên