20/08/2015 09:30 GMT+7

Vất vả kiếm tiền 
để đi học

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TT - 21g đêm, những vườn ươm cây keo giống ở thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) vẫn thấp thoáng bóng người đóng bầu đất dưới ánh đèn leo lét.

Lê Thị Thu Thảo miệt mài làm việc trong những ngày hè để có tiền đi học - Ảnh: N.HIỂN
Lê Thị Thu Thảo miệt mài làm việc trong những ngày hè để có tiền đi học - Ảnh: N.HIỂN

Đôi bàn tay thoăn thoắt liên tục cho đất vào bao nilông thành những bầu đất sắp thành hàng ngay ngắn, Lê Thị Thu Thảo cho biết đây đã tròn 10 năm bạn đi đóng bầu vào mùa hè.

Tuy nhiên, lần này đặc biệt hơn với hi vọng kiếm thật nhiều tiền trang trải chi phí nhập học khi trở thành tân sinh viên.

Ngay hôm sau khi kết thúc kỳ thi đại học ở Huế, Thảo đã xin chủ vườn ươm cho mình đi đóng bầu. Nắng bỏng rát giữa vườn ươm không bóng râm cộng thêm gió Lào hanh nóng thổi quần quật nhưng Thảo vẫn say sưa đóng bầu từ sáng sớm đến mịt khuya.

Có đêm Thảo cùng các bạn làm đến tận 2g sáng, trung bình một ngày đóng 3.000 bầu đất kiếm được 150.000 đồng.

Còn Nguyễn Thị Đỗ Quy ở thôn Tam Hiệp (xã Cam Thủy) là người đóng được nhiều bầu nhất khi mỗi ngày bạn đóng đến 4.000 bầu, có hè Quy được chủ trả công 6 triệu đồng. Đây cũng là năm thứ bảy Quy đi đóng bầu. Mọi năm, các chi phí cho năm học từ mua xe đạp, áo quần, sách vở đến tiền đi học thêm của Quy đều lấy từ số tiền em đóng bầu.

“Bọn mình cả ngày ngồi giữa nắng, mặt mũi đen thui, lưng khi nào cũng đẫm mồ hôi. Tay cháy nắng đen sạm nhưng phải cắt hết móng, đóng nhanh, nhiều thì tiền nhiều, đêm về mỏi cứng cả tay nhưng vẫn phải cố để đầu năm có tiền đi học” - Quy tâm sự.

Cũng với “thâm niên” tám năm đóng bầu, hai nữ sinh Phan Thị Thanh Tâm và Hồ Thị Thảo Hiền cũng miệt mài hằng ngày để kiếm tiền nhập học đại học.

Tại vườn ươm của ông Lê Ngọc Hoàn, chỉ có duy nhất Nguyễn Phi Tây là con trai nhưng cũng ngót nghét năm năm đi đóng bầu. Tây đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Nông lâm Huế. Dù con trai nhưng Tây không ngại làm việc được xem là của con gái này bởi mục đích duy nhất là kiếm tiền để trang trải học phí vào đầu năm học.

“Miễn sao giúp mẹ bớt gánh nặng tiền bạc, đến cuối khóa được tốt nghiệp đại học là cực mấy mình cũng chịu được” - Tây nói.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên