06/08/2015 10:28 GMT+7

Cho con trải nghiệm về tiền

MAI NGUYỄN
MAI NGUYỄN

TT - Nhiều bậc phụ huynh ở TP.HCM để con trải nghiệm mùa hè bằng cách cho con đi làm thêm.

Cháu Uyên Thư (lớp 8) bán hàng rau sạch tại một hội chợ  Ảnh: THANH THÚY
Cháu Uyên Thư (lớp 8) bán hàng rau sạch tại một hội chợ - Ảnh: Thanh Thúy

“Tôi muốn cho con mình sướng cũng biết, khổ cũng phải biết để hiểu được thực tế của cuộc sống” - chị Lê Thị Kim Thanh (TP.HCM), mẹ của cháu Trịnh Lê Thảo My (lớp 8 Trường THCS Lê Quý Đôn) làm thêm ở quán đan len Sợi Bông (Q.3), cho biết.

Giống chị Thanh, nhiều bậc phụ huynh để con trải nghiệm mùa hè bằng cách cho con đi làm thêm. “Tôi đồng ý cho con đi làm khi con đề xuất vì muốn cháu được trải nghiệm, được biết kiếm tiền là như thế nào” - chị Kim Thanh chia sẻ.

Học được nhiều điều

Với thời gian rảnh rỗi lúc nghỉ hè, Thảo My đã chủ động nói với ba mẹ về việc đi làm thêm này. Rồi cô bạn lớp 8 qua đặt vấn đề với cô chủ có quán sát gần nhà, “Không ngờ cô đồng ý luôn” - My vui vẻ nói.

Tại quán Sợi Bông, Thảo My mở cửa và mỉm cười chào đón khách. Cô bé có đôi mắt to tròn nhanh nhẹn hỏi khách chọn thức uống gì, hướng dẫn cho những vị khách tinh tế và khó tính về các sản phẩm đan bằng len, giá cả từng món. Khi khách hỏi về con búp bê đan len, My mau chóng lên lầu tìm đúng món khách cần với nụ cười luôn thờng trực.

My cho biết: “Lúc đầu em đi làm vì thích thử cảm giác tự kiếm tiền. Sau đó em thấy mình học được rất nhiều điều, quan trọng nhất là cách làm việc hiệu quả với người khác”. Chị Kim Thanh chia sẻ: “Cháu đi làm đúng giờ lắm. Mình cũng vui khi thấy con có trách nhiệm như thế”.

Cũng cho con đi làm thêm vào dịp hè, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, mẹ của cháu Trương Minh Huy (9 tuổi) và Trương Minh Hoàng (7 tuổi), cho biết mùa hè này chị cho hai con đi phụ việc kinh doanh cây cảnh của gia đình ở Long Thành, Đồng Nai. “Vì có định hướng cho con tiếp quản công việc trong tương lai nên tôi muốn các con tiếp xúc sớm với công việc từ lúc nhỏ” - chị Ngọc nói.

Tại TP.HCM, nhiều ông bố bà mẹ đăng ký với Hội Quán các bà mẹ để con có dịp trải nghiệm bán hàng ở những hội chợ từ thiện. Gian hàng của cháu Uyên Thư có rất nhiều mặt hàng: rau sạch cũng có, bút, sách, đồ lưu niệm... cũng có. Cô bé nhỏ nhắn với mái tóc xù này luôn nhanh nhẹn chào mời các mặt hàng của mình và nhiệt tình trò chuyện với những vị khách.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (hội trưởng Hội Quán các bà mẹ) nói: “Ở mỗi hội chợ, tôi luôn khuyến khích các cháu bán mặt hàng rau sạch để hỗ trợ nông dân. Chúng tôi tổ chức sân chơi này với định hướng vui chơi là chính, các hoạt động kinh doanh chỉ là phụ. Chủ yếu giúp các cháu học được kỹ năng kiếm tiền cũng như tiêu tiền hợp lý”.

Tại một gian hàng ở Hội chợ mùa hè kết nối yêu thương, chị Nguyễn Thị Bích Huyền (TP.HCM) cho bé Nguyễn Ngọc Minh Khuê (4 tuổi) đi cùng để giúp bé tự tin hơn trong giao tiếp và bớt ích kỷ. “Sau những lần đi bán hàng như vậy, mình thấy con dạn dĩ hơn, giao tiếp tốt hơn. Tôi muốn trước tiên phải dạy được cho con yêu công việc, sau mới dạy cách kiếm tiền” - chị Huyền chia sẻ. Còn bé Khuê cười tươi: “Con thích đi bán hàng lắm vì được gặp và chơi với rất nhiều bạn”.

Học về tiền là cả một khoa học

Sau mỗi hội chợ bán hàng, các cháu đều quyên góp một phần tiền cho công tác từ thiện do Hội Quán các bà mẹ tổ chức ( ba mẹ và các con cùng đăng ký tham gia những chuyến đi, tận mắt làm chương trình với trẻ em vùng sâu vùng xa).

Bạn Uyên Thư cho biết lần nào bán ở hội chợ xong Thư cũng dành một nửa số tiền bán được góp từ thiện, nửa còn lại Thư dùng để mua sách hoặc dụng cụ học tập. “Mình từng đi từ thiện với ba mẹ và các bạn, được tận mắt thấy số tiền kiếm được đem đến niềm vui cho người khác mình vui thật vui” - Thư nói. Còn chị Thanh Thúy (mẹ Thư) cho biết: “Tôi nghĩ đó là một bài học tốt cho các con về việc sử dụng tiền bạc đúng đắn”.

Cùng con bán hàng, nhiều bà mẹ giúp con đối mặt với chuyện quản lý tiền bạc. Chị Bùi Thanh Tú (Q.7), mẹ của bé Sao (8 tuổi) và Nhiên (7 tuổi), cho biết số tiền bán được các con của chị chia ra làm nhiều khoản: tiết kiệm vào việc học tâp, làm từ thiện, chi tiêu cá nhân...

“Khi con tự mình chia tiền vào các khoản, bản thân tôi học được cách giúp con sâu sắc hơn trong việc quản trị “lòng tham”. Tôi có cơ hội nói với các con bên cạnh nhu cầu thiết yếu của bản thân, tiền khi được chi tiêu đúng mức sẽ khiến bản thân trở nên cao đẹp hơn” - chị Tú nói.

Còn chị Bích Ngọc chia sẻ sau khi đi làm, cảm nhận về tiền, các con chị biết cân nhắc và tính toán trước khi mua món gì, biết cái nào cần mua và cái nào không nên mua, không còn chuyện đòi ba mẹ mua linh tinh như trước đây.

Giúp trẻ va chạm với cuộc sống

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giám đốc chương trình thạc sĩ ngành chính sách công và giảng viên chính tại Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) chia sẻ: “Việc đi làm thêm sớm sẽ giúp trẻ va chạm với cuộc sống, thấy được sự khác biệt giữa đời thực và sách vở, từ đó có nhiều tri thức và kinh nghiệm hơn”.

Song ông Huỳnh Thế Du cũng khuyến cáo trí não trẻ còn non, lại chưa có đủ kiến thức xã hội, chưa thấy trắng đen tách biệt, nếu gặp phải những trường hợp tốt xấu lẫn lộn, trẻ có thể hình thành suy nghĩ không đúng về cuộc sống.

Điều đó có khả năng gây ảnh hưởng đến nhân cách và sự phát triển của trẻ. “Các bậc phụ huynh cần biết xác định chọn cho con một công việc phù hợp, vừa sức, khuyến khích trẻ, đừng nên ép buộc, đồng thời cần đồng hành để trò chuyện cho bé hiểu những mục đích tốt đẹp” - ông Du nói.

MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên