31/07/2015 09:14 GMT+7

“Cô giáo” Nhắn của bản Khe Tắm

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TT - 24 tuổi, đã làm công việc này trong nhiều năm nay, hiện Nhắn đang là cán bộ Đoàn, cán bộ phụ nữ xã, đội phó đội phòng chống tệ nạn xã hội xã và còn kiêm nhiệm cả “cô giáo” của bản.

“Cô giáo” Nhắn (bìa phải) đang hướng dẫn cho các bà, các bác luyện viết và tập đọc - Ảnh: QUANG THẾ
“Cô giáo” Nhắn (bìa phải) đang hướng dẫn cho các bà, các bác luyện viết và tập đọc - Ảnh: QUANG THẾ

Ở bản Khe Tắm (xã Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai), người già trong bản biết “cái chữ”, các em nhỏ được sinh hoạt văn hóa đều đặn ở nhà văn hóa, thanh niên có thêm nhiều kiến thức về phòng chống tệ nạn xã hội... đều nhờ công không nhỏ của Bàn Thị Nhắn.

Lớp học của “cô giáo” Nhắn

Bản Khe Tắm lọt thỏm dưới những quả đồi, dãy núi, đường sá đi lại khó khăn nên bị tụt hậu nhiều so với bên ngoài. Để vào được bản này chỉ có con đường đất độc đạo nằm men bờ suối cạnh những nương lúa nương ngô. Nhưng ở đó, hằng đêm đều đặn xuất hiện cảnh những phụ nữ dân tộc Dao đã ngoài 40 tuổi, 50 tuổi ê a đọc, đánh vần những chữ cái, con số theo sự hướng dẫn của “cô giáo” Nhắn.

Một buổi tối cuối tuần “cô giáo” Nhắn đang giúp các bà, các chị luyện đọc và sửa chính tả bài “Bàn tay mẹ”. Nhắn viết những chữ ngay ngắn trên bảng rồi mời từng người luyện đọc. Nhiều người lớn tuổi trước đây không được tới trường, đến tên mình cũng không biết viết thì nay học nhanh cũng đã đọc thông viết thạo.

Ngón tay dường như đã cứng lại phần do cuộc sống lam lũ, phần do cả hàng chục năm không được cầm bút nhưng bà Triệu Thị Liên (48 tuổi) một tay bế cháu, một tay vẫn cố luyện từng nét chữ để có được chữ cái ngay ngắn trên vở ô li.

“Mới đầu cháu Nhắn mở lớp dù không phải mất tiền học hay mua phấn, sách vở nhưng chồng tôi vẫn không chịu cho đi do nhà có nhiều việc lấy ai trông cháu. Tôi vào lớp mới được mấy tháng bây giờ đã đọc được chữ, viết được họ tên rồi. Cảm ơn cô giáo Nhắn nhiều lắm...” - bà Liên nói.

Theo lớp đều đặn và cũng là người học giỏi nhất của lớp, bà Đặng Thị Hiền (45 tuổi) nói không có “cô giáo” Nhắn thì bà cũng chẳng đến lớp vì mới đầu không ai tin rằng có thể viết được chữ.

“Cháu Nhắn đến nhà động viên rồi bảo bác cứ kiên trì là đọc viết được. Ban ngày tôi cố làm hết cả việc buổi tối để đến lớp. Những lúc lợn đẻ rồi việc trên nương bận lắm nhưng làm không hết thì cũng phải nói với người trong nhà làm thay để có thời gian đi học. Bây giờ không biết chữ thì không làm được gì cả” - bà Hiền kể.

“Cô giáo” Nhắn nói nhiều người ở bản còn ham học đến mức khi lên nương hay đi chăn trâu cũng cầm theo cuốn sách tập đọc. Vì lý do này mà dù bận rất nhiều việc ở trong bản, trên xã nhưng Nhắn vẫn thu xếp để về lên lớp đều đặn cùng mọi người.

“Được cô giáo chỉ bảo tận tình từng chữ cái nên mình học cũng nhanh. Trước đây có lần mình ra trung tâm xã chẳng biết đọc gì, giờ thì khác rồi nhé” - chị Lý Thị Hương (29 tuổi) cười tươi khoe.

Được tin yêu

“Em là người con của làng, từng thấy bà con khổ lắm, khổ nhất là không biết chữ. Có nhiều bác khi đi vay vốn ngân hàng hay làm bất cứ việc gì đó không biết ký tên mà toàn phải lăn tay điểm chỉ, không đọc được nội dung đó viết gì. Mới đầu em chỉ mong mọi người biết đọc và viết được tên mình là vui lắm rồi nhưng không ngờ thành quả thu được ngoài mong đợi...” - Nhắn chia sẻ về công việc của mình.

Mỗi khi đứng trên lớp Nhắn được gọi là “cô giáo” nhưng “em nói với các bác cứ gọi em là cháu thôi chứ em không nhận là cô giáo vì đâu có qua trường lớp sư phạm nào đâu” - Nhắn cười nói. Nhắn nói cô rất hiểu suy nghĩ của người trong bản. Nhìn thấy người dân đói kém mãi nên cũng không đành lòng và luôn muốn giúp đỡ mọi người mỗi khi cần đến mình.

“Nhắn ngày trước khổ lắm nên giờ được làm cán bộ rất thương dân bản. Ai không hiểu về bất cứ kiến thức gì từ trồng trọt hay kế hoạch hóa gia đình cứ hỏi Nhắn. Mỗi khi mình bị ốm hay người trong bản có việc gì thì Nhắn lại đến thăm hỏi, động viên rồi còn kêu gọi đoàn viên đến làm giúp” - chị Trương Thị Linh (31 tuổi) nói.

Không chỉ là “cô giáo” của dân làng Khe Tắm, Nhắn còn là người chị của các em nhỏ ở bản. Cứ vào chiều chủ nhật hằng tuần Nhắn lại tổ chức cho các em nhỏ ở đây chơi trò chơi và phổ biến các kiến thức về đề phòng đuối nước, chuyện tâm sinh lý của các em đang ở độ tuổi vị thành niên, làm “đội trưởng” và kiêm cả giám khảo để giải đáp những câu hỏi của các em nhỏ.

Chia sẻ về mình, Nhắn kể: “Nhà có bốn anh chị em nhưng bố em mất sớm nên tất cả đều đặt lên vai mẹ. Em học xong cấp II thì mẹ bảo mẹ tìm được chồng rồi, vậy là em sang nhà chồng ở. Được bố mẹ chồng quan tâm nên sau khi lấy chồng em vẫn tiếp tục học. Bà con dân làng khổ về cả vật chất và tinh thần nên mới đầu em chỉ mong sao học để làm trưởng bản phục vụ dân làng thôi. Bây giờ được người dân và cấp chính quyền tin tưởng nên giao kiêm nhiệm nhiều công việc, em còn phải cố gắng nhiều nữa”.

“Cô Nhắn là người có uy tín trong cộng đồng”

Ông Nguyễn Văn Mạnh - đội trưởng đội phòng chống tệ nạn xã hội xã Phố Lu - chia sẻ: “Công tác phòng chống tệ nạn ở khu vực miền núi rất khó khăn bởi phần vì cán bộ bên ngoài vào không hiểu tiếng bản địa và tập quán nên rất khó thuyết phục. Công việc tuyên truyền rất cần đến những người như cô Nhắn - người có uy tín trong cộng đồng và biết nói năng, thuyết phục người khác”.

Trong khi đó, anh Lương Tuất Mạnh - bí thư Xã đoàn Phố Lu - nhận xét: Bí thư chi đoàn Bàn Thị Nhắn rất gương mẫu, việc mở lớp dạy đọc, viết cho bà con cũng đã được Huyện đoàn Bảo Thắng đánh giá rất cao và tặng bằng khen.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên