03/03/2015 09:15 GMT+7

Những vòng xe chạy đến vinh quang tại ​giải SEM Asia 2015

CÔNG NHẬT (từ Manila, Philippines)
CÔNG NHẬT (từ Manila, Philippines)

TT - Cả hai đội LH-Gold Energy (ĐH Lạc Hồng) và CKD-MN10 (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đều có giải SEM Asia 2015. Đằng sau thành tích đó là những nỗ lực ngoạn mục của các sinh viên VN.

Đội LH-Gold Energy (ĐH Lạc Hồng) tại cuộc thi - Ảnh: C.Nhật
Đội LH-Gold Energy (ĐH Lạc Hồng) tại cuộc thi - Ảnh: C.Nhật

Ở cuộc thi Chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu khu vực châu Á dành cho sinh viên SEM Asia 2015 (Shell Eco-marathon Asia 2015) vừa tổ chức tại Manila, Philippines, có một sự nỗ lực của sinh viên VN để hai tiếng “VN” được xướng lên trong phần vinh danh những người chiến thắng.

Là một trong những đội đầu tiên vượt qua tất cả các vòng sát hạch của ban tổ chức và được chọn chạy trong lễ khai mạc SEM Asia 2015 vào sáng 27-2 nhưng... phải lủi thủi đẩy xe về ngay trên sân, đó là trường hợp của đội LH-Gold Energy (ĐH Lạc Hồng).

“Do xe của nhóm không “hấp thu” được nhiên liệu do ban tổ chức cung cấp nên động cơ xe không nổ được. Cả nhóm động viên nhau không được nản lòng, phải bắt tay vào sửa chữa, thiết kế lại ngay” - thầy Lê Phương Long (cố vấn đoàn) chia sẻ. Xe đẩy ra rồi lại vào, lại ra, đội LH-Gold Energy liên tiếp gặp sự cố ở những vòng chạy sau đó.

Đội CKD-MN10 (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Ban tổ chức vô cùng khắt khe ở khâu kiểm tra kỹ thuật và an toàn xe, sau đó chúng tôi phải thay đổi lại thiết kế xe theo yêu cầu của chương trình. Chúng tôi càng choáng hơn khi thấy một số đội như Nhật Bản, Thái Lan... được đầu tư nên có cơ hội dùng các vật liệu rất đắt tiền, chất lượng vượt trội” - một thành viên của đội bộc bạch.

Có 24 giải thưởng cho 12 hạng mục (từ 127 đội thuộc 17 quốc gia) tham gia cuộc thi và vượt qua chuỗi khó khăn dồn dập, đội LH-Gold Energy cuối cùng lội ngược dòng ngoạn mục và vươn lên vị trí dẫn đầu ở hạng mục Mô hình đô thị (nhiên liệu thay thế) với thành tích đạt được là hoàn thành quãng đường 164,4km mà chỉ tốn 1 lít xăng sinh học ethanol E100. Trong khi đó đội CKD-MN10 đã gây bất ngờ cho nhiều người khi đoạt giải nhì Mô hình cơ sở (nhiên liệu gasoline).

“Vui mừng vì những cố gắng của mình cuối cùng cũng được ghi nhận. Dẫu là lần thứ hai tham gia SEM Asia nhưng trước khi đến với cuộc thi năm nay, thật sự chúng tôi không đủ can đảm đi xin tài trợ vì nhóm đến từ trường dân lập và cũng chưa có thành tích gì trong tay.

Chúng tôi chỉ có khoản hỗ trợ nhất định từ ban tổ chức cũng như từ nhà trường, vì thế chi phí dành cho chiếc xe đã phải giản lược xuống còn 1/3 so với dự kiến ban đầu, rất nhiều bộ phận do chúng tôi thiết kế hoàn toàn. Giải thưởng này thật sự đã tiếp thêm niềm tin lớn cho chúng tôi” - bạn Nguyễn Thành Trung, thành viên đội LH-Gold Energy, không giấu được sự xúc động.

Vỡ òa với niềm vui chiến thắng, nhưng khi nhìn lại thành viên các đội cho rằng giải thưởng lớn nhất từ chương trình không phải ở cúp hay số tiền thưởng.

“Do chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí và chúng tôi phải tự lo các khâu còn lại (di chuyển, đặt khách sạn, tự lên kế hoạch tài chính, tự xin tài trợ...) nên mọi người có cơ hội hoàn thiện những kỹ năng mà dân khối kỹ thuật thường thiếu như thiết kế và phát triển dự án, giao tiếp bằng ngoại ngữ, tiếp thị sản phẩm, hoạch định tài chính...” - bạn Nguyễn Cường Phi (ĐH Lạc Hồng) cho biết.

Là cựu thành viên cuộc thi SEM Asia, bạn Huỳnh Đình Nghĩa (cựu sinh viên ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) bộc bạch:

“Từ những thử thách về kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm khi tham gia chương trình, chúng tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều về tư duy nghiên cứu khoa học và tự tin trong giao tiếp bằng ngoại ngữ, tinh thần làm việc nhóm. Điều này thể hiện rất rõ trong quá trình tôi đi du học hệ thạc sĩ sau đó”.

“Cá nhân tôi cũng đã học hỏi và hưởng lợi rất nhiều từ chương trình. Cụ thể sau khi tham gia SEM Asia 2012 với hạng mục Ethanol, đây đã là vườn ươm và bệ đỡ để đề tài nghiên cứu khoa học của tôi và nhóm sinh viên sau đó đoạt giải thưởng danh giá của Nhật Bản The Takeda Young Entrepreneurship Award vào năm 2013” - thạc sĩ Nguyễn Duy Vinh (công tác tại Viện Cơ khí động lực ĐH Bách khoa Hà Nội) chia sẻ.

CÔNG NHẬT (từ Manila, Philippines)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên