26/08/2014 06:05 GMT+7

Học sinh giỏi cấp thành phố đi học nghề

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TT - Câu chuyện về một học sinh giỏi cấp thành phố không chọn vào lớp 10 công lập mà lại rẽ ngang vào trường nghề. Và cả câu chuyện của những bạn đậu đại học nhưng chuyển sang học nghề.

Thi kiểu gì cũng không nên vội vàng
Đã hướng nghiệp sao lại còn hướng học?
Trao 200 học bổng Nhất nghệ tinh cho học sinh trường nghề

Phóng to
Nguyễn Thị Hương trong tiết học đầu tiên của năm học mới - Ảnh: Quang Phương

Nhiều năm liền Nguyễn Thị Hương (Q.12, TP.HCM) đều đạt học lực giỏi. Năm lớp 9, Hương thi học sinh giỏi cấp thành phố và đoạt giải ba môn sinh học. Con đường vào học các trường THPT công lập đang rộng mở trước mắt nhưng Hương lại chọn lối đi khác: học ngành y sĩ hệ trung cấp tại Trường trung cấp Ánh Sáng (Q.12, TP.HCM).

Chọn con đường ngắn hơn

Hương đang chuẩn bị vào tiết học đầu tiên của năm học mới. Trò chuyện với chúng tôi, Hương nhớ lại khi học hết lớp 9, cũng như bạn bè Hương dự tính thi tuyển vào lớp 10. Hương cũng làm hồ sơ dự thi nhưng cuối cùng không nộp mà cất... vào ngăn bàn.

“Em suy nghĩ, đắn đo nhiều lắm. Nhưng rồi em tính nếu đi học trung cấp thì sau ba năm rưỡi em tốt nghiệp và có bằng trung cấp y sĩ. Em có thể đi làm và tự lo cho bản thân. Sau đó em vừa đi làm vừa đi học lên nữa để lấy bằng đại học. Còn nếu giờ thi vào lớp 10, mất ba năm nữa em mới tốt nghiệp THPT và phải thi đại học. Nếu trúng tuyển em phải học 4-5 năm nữa mới có thể đi làm. Vậy tại sao không chọn con đường ngắn hơn?” - Hương lý giải.

Chúng tôi hỏi Hương khi quyết định chọn học nghề, phản ứng của gia đình, bạn bè, thầy cô như thế nào? Hương kể lúc đầu bạn bè nghe tin, ai cũng bảo “mày là con ngốc”, thầy cô trong trường nhiều người cũng phản đối vì cho rằng “uổng phí một tài năng”.

Riêng cô chủ nhiệm và ba mẹ Hương ủng hộ sự lựa chọn của cô bé. Chúng tôi hỏi: “Nếu sau này học xong không xin được việc làm thì sao?”, Hương nói: “Em đã chọn con đường học nghề thì phải tự tin chứ! Em sẽ cố gắng rèn thật vững tay nghề. Nếu đã cứng tay nghề lo gì không có chỗ làm việc”.

Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng, cho biết: “Lâu nay tại trường cũng có nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh có học lực giỏi chọn học nghề. Các em này đều có những kế hoạch cụ thể cho tương lai, bởi đây là con đường ngắn nhất để các em học tập và đến với nghề nghiệp mình yêu thích”.

Tiết kiệm thời gian và tiền bạc

Hương tâm sự: “Ở trường em lúc các bạn thi tuyển vào lớp 10, nhiều bạn không vào được các trường THPT chính quy, em có khuyên các bạn nên đi học nghề nhưng chỉ có một bạn vào trường nghề, còn các bạn khác xin vào các trường THPT dân lập. Theo em, nếu không đủ năng lực vào các trường THPT chính quy thì nên vào các trường nghề để học tiếp, bởi học nghề các bạn vẫn có thể tiếp tục học văn hóa, và thời gian có bằng cấp để đi làm sẽ được rút ngắn đáng kể”.

Thạc sĩ Đặng Văn Sáng cho rằng: “Học sinh nên vào học các trường trung cấp, trường nghề vì các em sẽ được định hướng nghề nghiệp, biết được năng lực mình tới đâu, sau này ra trường sẽ đỡ thất nghiệp vì chọn nhầm hướng đi cho tương lai. Và nếu xác định được như thế các em đã giúp đỡ gia đình tiết kiệm tiền bạc và thời gian trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay”.

Đậu đại học nhưng chọn học nghề

Khác với Hương, một số bạn trẻ khác đã trúng tuyển đại học nhưng lại từ chối con đường vào các trường đại học chính quy, chuyển sang học nghề. Theo các bạn, đó là con đường ngắn nhất để tự lập, bước vào đời theo đuổi nghề nghiệp mình yêu thích.

Trúng tuyển ngành chế biến và nuôi trồng thủy sản của một trường ĐH khu vực miền Trung nhưng Nguyễn Văn Duy (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lại đi làm thủ tục nhập học ngành y sĩ một trường trung cấp tại Q.12 (TP.HCM).

“Ngày nghe tin em trúng tuyển đại học cả nhà mừng lắm. Nhưng rồi em nghĩ đi nghĩ lại: bố mẹ làm ruộng, em nhỏ còn đi học, liệu học đại học gia đình có đủ điều kiện cho em theo học không?” - Duy kể lại.

Rồi Duy băn khoăn có nên học đại học hay là chọn con đường khác nhanh hơn mà vẫn có bằng cấp để đi làm tự lo cho bản thân. Duy nhớ lại các anh chị em trong dòng họ nhiều người đã vào TP.HCM học trung cấp và giờ có việc làm ổn định. “Sao mình không đi theo con đường ấy?”, Duy tự đưa ra lời đề nghị cho bản thân, và cuối cùng khăn gói vào TP.HCM nhập học.

Đưa cháu đến trường nhập học, ông Hoàng Quốc Việt (Tân Bình, TP.HCM) - cậu ruột của Duy - chia sẻ: “Nhà tôi có ba người cháu, cũng tốt nghiệp trung cấp nhưng giờ đều có việc làm ổn định, có nhà cửa tại thành phố rồi. Vậy tại sao không đi học trung cấp để sớm ra trường ổn định tương lai. Ra trường nếu có ý chí, muốn học lên nữa thì tiếp tục học để lấy bằng cấp cao hơn”

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên