14/03/2011 02:35 GMT+7

Ánh "kỳ đà"

VÂN DƯƠNG
VÂN DƯƠNG

TT - Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế, Nguyễn Ánh lang thang từ Nam ra Bắc để tìm cơ hội mưu sinh. Cuối cùng anh đã tìm ra cơ hội ngay trong vườn nhà mình với những con kỳ đà mà tuổi thơ anh cứ nghe đến là... phát khiếp.

TE2qpdJ9.jpgPhóng to
Ánh và một con kỳ đà vân - Ảnh: Vân Dương

Ông chủ trang trại kỳ đà ở thị trấn Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế này mới 28 tuổi, trắng trẻo thư sinh.

Về làng lập nghiệp

Để có được mô hình nuôi kỳ đà vân (tên khoa học là Varanus nebulosa) và vòi hương (chồn hương) tương đối hoàn thiện như hôm nay, Ánh đã mất rất nhiều thời gian vào các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đồng Nai để học nghề.

Cái khó nhất trong buổi đầu lập nghiệp, theo Ánh, chính là vốn. Hơn 100 triệu đồng vay mượn của anh em, Ánh đã bỏ hết vào mua giống chồn hương và kỳ đà vân. Đây là hai loài vật được xếp vào danh mục động vật quý hiếm thuộc nhóm 2B cấm săn bắn, do đó Ánh đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu về kỹ thuật nuôi cũng như xây dựng phương án tổ chức sản xuất.

Để có được giấy phép nuôi động vật hoang dã thông thường và quý hiếm, Ánh phải thuyết phục rất nhiều lần với cơ quan chức năng mục đích nuôi, nguồn gốc xuất xứ con giống, sơ đồ hệ thống của trại nuôi. Ngày đầu tiên cầm tờ đơn lên Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế xin được cấp giấy phép nuôi vòi hương và kỳ đà vân, các cán bộ bảo nếu không khéo tìm ra cách nuôi cũng như nói rõ nguồn gốc xuất xứ của hai loài động vật này, sớm muộn sẽ trở thành người tiếp tay cho những tên thợ săn tàn phá động vật rừng. Nghe các anh nói, lúc đầu cũng ngại, nhưng rồi Ánh vẫn không thay đổi quyết tâm.

Thành công bước đầu

Ngay từ khi còn học phổ thông, Ánh đã thấu hiểu về giá trị của môi trường. Nhìn cảnh người dân lên rừng thi nhau vào núi săn bắn kỳ đà, vòi hương đã thôi thúc anh thành lập trại nuôi, để không chỉ làm phong phú thêm vật nuôi ở địa phương mà còn góp phần giảm lượng người vào rừng săn bắt động vật trái phép. Sau khi có quyết định cho phép trại chăn nuôi Đồng Đưng được gây nuôi để bán con giống và thương phẩm, Ánh bắt đầu thực hiện công việc của mình rất khoa học và bài bản: khu vực chuồng trại rộng 88m2 trong khuôn viên nhà được anh chia thành ba chuồng nuôi: vòi hương, kỳ đà bố mẹ, kỳ đà con; hệ thống chuồng được xây dựng kiên cố bên trong tô láng, phía trên giăng lưới sắt bảo đảm an toàn.

Để xây dựng một chiến lược dài hơi cho trại giống của mình, bước đầu Ánh chỉ thả 20 con kỳ đà vân (trung bình mỗi con kỳ đà mới thả nuôi nặng 0,8 kg) và bốn con vòi hương làm giống. Sau một thời gian nuôi, kỳ đà đã đẻ trứng nở được 48 con. Vừa qua Ánh xuất bán 18 con từ 4kg trở lên cho các nhà hàng và hộ nuôi với giá 800.000 đồng/kg. Hiện Ánh đang bước đầu cung cấp giống cho bà con ở các nơi đến mua. Trung bình một cặp kỳ đà vân dùng để làm giống được Ánh bán với giá 4 triệu đồng. Riêng vòi hương từ bốn con thả nuôi ban đầu đến nay Ánh đã nhân giống được 19 con và đã bán tám con. Hiện nay một cặp vòi hương giống vài tháng tuổi giá bán 10 triệu đồng.

Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy một năm kể từ ngày ra đời trại chăn nuôi Đồng Đưng đến nay Ánh gần như đã thu hồi được vốn. Ánh đang tính cách làm giàu và giúp nhiều người làm giàu.

Kỳ đà có nhiều loài. Ở Việt Nam hiện có hai loài kỳ đà: kỳ đà hoa (Varanus salvator) và kỳ đà vân (Varanus nebulosa). Trong tự nhiên, kỳ đà là khắc tinh của sâu bọ, chuột và là nguồn gen quý hiếm góp phần tạo nên tính đa dạng sinh học. Tuy nhiên, do sức hấp dẫn của các món ăn chế biến từ thịt và trứng kỳ đà cũng như bộ da, đặc biệt là túi mật của nó mà số lượng kỳ đà ngoài tự nhiên hiện nay không còn nhiều vì bị con người săn bắt mạnh. Mỗi con kỳ đà trưởng thành có thể dài 2,5-3m, nặng khoảng 10kg.

VÂN DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên