(Câu hỏi đặc biệt)
Tên anh thành tên mảnh đất mình sinh ra
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào ngày 30-4-1975, chủ trương giải quyết chính sách lớn “đền ơn đáp nghĩa” cho thương binh, gia đình liệt sĩ được Bộ Thương binh - xã hội triển khai đến các tỉnh phía Nam. Tháng 11-1975, Phòng Thương binh - xã hội huyện Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) được thành lập, tôi được điều sang công tác giải quyết chính sách lớn này.
UBND huyện Hà Tiên thành lập một đoàn cán bộ xuống tận xã ấp triển khai chính sách ra dân để từng gia đình có con em là thương binh, liệt sĩ thì khai báo làm hồ sơ chuyển về bộ. Chính tôi cùng đoàn đi tận thôn ấp thực hiện công tác, đã lắng nghe người dân khai báo về từng trận đánh, đấu tranh với địch mà chiến sĩ ta bị thương, hi sinh ra sao... Trong những ngày ấy tôi đã ghi chép được câu chuyện hi sinh thật dũng cảm của ông Trần Văn Án.
Trần Văn Án tham gia cách mạng chống Pháp từ năm 1947, thuộc đơn vị chủ lực tỉnh Rạch Giá. Sau Hiệp định Genève 1954, ông không tập kết ra miền Bắc mà được tổ chức phân công ở lại địa phương hoạt động với chức vụ trung đội trưởng quân địa phương đóng ở xã Thuận Yên, huyện Hà Tiên.
Được tổ chức giao nhiệm vụ quan sát địa hình bố trí trận phục kích diệt một tên ác ôn tại Mũi Dong, xã Thuận Yên, Trần Văn Án bị thương rồi bị địch bắt. Sau khi băng bó vết thương, chúng dẫn ông về chợ Hà Tiên bên kia sông bằng phà.
Trần Văn Án đoán địch sẽ khảo tra để khai thác mình hầu tìm bắt thêm đồng đội. Thế là ông chửi thẳng vào bọn lính áp giải, rồi bứt băng buộc vết thương ra, lấy tay móc mớ ruột cho máu chảy đỏ khắp người, nói: “Tao thà chết còn hơn để bay tra tấn...”.
Hành động bất ngờ của Trần Văn Án khiến bọn địch khiếp sợ trong khi người dân bu đông xem trên chiếc phà buổi sáng hôm đó (25-7-1957).
Sau đó, cái tin ông “Việt cộng” bứt ruột từ vết thương ra để chịu chết oanh liệt lan nhanh cả huyện Hà Tiên (nay là thị xã Hà Tiên)...
Sau ngày giải phóng, chính quyền địa phương lấy tên ông đặt cho một ấp của xã Thuận Yên, huyện Hà Tiên: ấp Thuận Án, để ghi nhớ sự hi sinh dũng cảm của liệt sĩ Trần Văn Án. Đó chính là nơi ông sinh ra, lớn lên làm cách mạng và đã nằm xuống cho nước nhà độc lập thống nhất hôm nay.
![]() |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận