30/04/2007 06:19 GMT+7

"Những đứa em" của Dick Hughes

MINH HUY
MINH HUY

TT - Sau khi đăng bài “Ngày trở lại của Dick Hughes” (số ra ngày 8-3-2007), Tuổi Trẻ đã nhận được phản hồi của một số người từng được Dick Hughes hỗ trợ. Những ngày tháng tư này, Tuổi Trẻ đã gặp lại những “người em” của hội bảo trợ ngày ấy.

SWIBSmVo.jpgPhóng to
Dick Hughes bây giờ - Ảnh: M.H.
TT - Sau khi đăng bài “Ngày trở lại của Dick Hughes” (số ra ngày 8-3-2007), Tuổi Trẻ đã nhận được phản hồi của một số người từng được Dick Hughes hỗ trợ. Những ngày tháng tư này, Tuổi Trẻ đã gặp lại những “người em” của hội bảo trợ ngày ấy.

Một trong những trẻ bơ vơ ngày đó nay là chủ Công ty giống cây trồng Trung Nông ở khu Chợ Lớn mới. Anh tên Tô Thành Trung, là thế hệ lớn nhất trong hội bảo trợ trẻ em ngày đó. Chuyện đời anh như một cuốn phim với những đoạn buồn.

“Đầu tiên là mất cha” - anh kể. Sinh ra ở Đồng Tháp Mười, thời thơ ấu của anh hệt như phim Cánh đồng hoang với những lần mẹ bỏ con vào bao, dìm xuống nước để tránh máy bay Mỹ. Cha đi kháng chiến, tập kết ra Bắc biền biệt. Khi mẹ mất, anh là thằng bé 12 tuổi, ngày bán báo, đánh giày, giữ xe, tối ngủ trong lồng chợ giữa Sài Gòn. Năm 15 tuổi, anh vào hội bảo trợ của Dick. Năm 24 tuổi, anh gặp lại cha khi ông làm trong ủy ban quân quản thành phố. Những năm người dân thành phố phải ăn cơm độn bo bo, anh quyết tâm học ngành nông nghiệp với ước mơ làm ra lúa gạo cho mọi người.

Năm 1993, anh ra ngoài mở cơ sở sản xuất hạt giống lai. Những thử nghiệm thất bại cộng với cái tính ngang không chịu khom lưng trước sự nhũng nhiễu của một vài quan chức đã khiến số tiền dành dụm bấy lâu nhanh chóng tan như mây khói. Không nản, anh tiếp tục bán nhà, khởi sự lại và dần gầy dựng nên một công ty cây giống lớn như ngày nay. “Cuộc đời mình nhiều lúc khổ tưởng chết đi sống lại mà cuối cùng không biết sao được như vầy” - anh hồi tưởng. Đó quả là một chuỗi dài những lần không khuất phục nghịch cảnh. Nhiều người em trong “gia đình” của Dick cũng có cái sức bật trong nghịch cảnh đó. Càng khó khăn, họ càng cố gắng.

Nguyễn Ngọc Bích, người từng ăn cơm thừa, nay là bếp phó của khách sạn Tân Sơn Nhất (Phú Nhuận). Anh kể hội bảo trợ của Dick đã dạy anh cách sống tự lập. Những trẻ em vào hội đều được Dick tạo điều kiện cho đi học nghề theo nguyện vọng. Sau ngày giải phóng, anh đi bộ đội, rồi được đào tạo thành nghề bếp. Khi lập gia đình, anh xin xuất ngũ để vào làm tại khách sạn Majestic. Hai mươi năm gắn bó với nghề, anh đã phấn đấu trở thành bếp trưởng của khách sạn này. Gần đây anh mới chuyển sang chỗ làm mới. Anh tiếc nuối: “Có nhiều bạn bè đồng lứa thời nhỏ đã không được như chúng tôi hôm nay”.

Không còn là “bụi đời”

I7f1Mj6D.jpgPhóng to
Anh Trung cùng gia đình tại cuộc gặp mặt với Dick cuối tháng 1-2007 - Ảnh: M.H.
Những trẻ bụi đời ngày đó có được cơ nghiệp như anh Trung không nhiều. Sự giàu sang vẫn đang nằm ở phía trước, nhưng có thể nói họ đã thành nhân khi không để cơn lốc vật chất hoặc khó khăn cuốn trôi.

Anh Việt Hùng, nhân viên Đại sứ quán Thái Lan, cũng là một người từng gắn bó với hội bảo trợ của Dick. Sau bài viết về Dick Hughes, anh gửi email tới Tuổi Trẻ nhận mình là người từng được Dick Hughes hỗ trợ. Anh mồ côi cha từ nhỏ nên khi vừa mới lớn đã phải phụ mẹ kiếm tiền. Mỗi mùa hè, anh đều lên thành phố làm thêm tại các quán bar. Tuy không giúp đỡ trực tiếp nhưng Dick đã khuyên nhủ, hướng dẫn anh rất nhiều. “Ông đã dạy tôi điều đúng, điều sai - anh Hùng nói - Dù đó chỉ là một lời khuyên rất nhỏ như không nên hút thuốc nhưng là một ký ức mà tôi, một người chưa từng có hạnh phúc được cha dạy dỗ, không thể nào quên”.

Năm 2001, khi Dick trở lại VN sau gần 25 năm, ông đã gặp lại những người em xưa. Ông kể: “Khi bước lên máy bay để trở về, tôi đã rơi nước mắt”. Nhưng mãi đến sau lần trở lại VN thứ hai hồi cuối tháng 1-2001, ông mới tâm sự với Tuổi Trẻ qua email: “Bây giờ tôi mới hiểu tại sao ngày đó tôi khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi biết công việc bỏ dở ngày nào nay đã hoàn tất. Khi quay về Mỹ năm 1976, tôi cầu mong các em có thể tồn tại, nhưng bây giờ tôi biết họ không chỉ tồn tại được mà còn sống có ích cho xã hội”. Dick nói dù chiến tranh đã qua hơn 32 năm nhưng rất nhiều cựu chiến binh Mỹ bị trầm cảm vì những lỗi lầm gây ra trong cuộc chiến. Ông thì không vì ông không ở đó để bắn giết mà để đưa tay trợ giúp.

MINH HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên