03/10/2005 06:03 GMT+7

Cổ tích Olympia từ... mái nhà tranh

N.BÌNH
N.BÌNH

TT - Lê Vũ Hoàng, người học trò nhận vòng nguyệt quế Olympia lần 6, có đôi mắt rất buồn. Tuổi học trò của Hoàng ngoài những giờ lên lớp còn là những buổi đồng áng, trồng sắn trồng khoai, băm rau, thái chuối...

m7IswGPa.jpgPhóng to
Lê Vũ Hoàng (dắt xe đạp) trước mái tranh nhà mình

“Đường lên đỉnh Olympia" lần 6: Lê Vũ Hoàng đăng quangCậu bé nghèo và cuộc chinh phục đỉnh Olympia Gặp các nhà vô địch Olympia tại Úc

Dù đã là học sinh lớp 12 nhưng trông Hoàng rất nhỏ con.

Ba Hoàng tên là Lê Công Túc, dù chưa được một ngày sung túc. Trước năm 1998, ông và bà Phan Thị Hoa, mẹ Hoàng, đều là công nhân ở Đồng Hới (Quảng Bình). Do việc làm quá khó khăn nên năm 1999 cả hai phải xin nghỉ về quê. Đất đai ở quê không có để làm nhà, cả nhà xin ở nhờ trong khu tập thể của cơ quan ngoại thương huyện Bố Trạch.

Năm 2002, khu tập thể giải tỏa, bà Hoa đành xin bà ngoại Hoàng về ở nhờ. Chắt chiu mãi từng đồng, ông Túc, bà Hoa mới làm thêm được căn nhà tranh tre cạnh nhà bà ngoại. Trong căn nhà ấy, vật có giá trị nhất là chiếc tivi nội địa đen trắng.

Nhận tin chiến thắng của con từ bệnh viện:

“Cô chẳng có gì cho Hoàng ngoài niềm tin”

Hoàng tâm sự sau trận đấu: “Em cảm ơn mẹ nhiều lắm. Chính mẹ đã cho em niềm tin chiến thắng”.

Cô Phan Thị Hoa, mẹ Hoàng, biết tin chiến thắng của con khi vẫn còn trong bệnh viện. Người mẹ này đã truyền cho con trai một nghị lực: “Cô rất tin Hoàng, bố mẹ không được học đến nơi nên bằng mọi cách phải cho con đi học. Cô chẳng có gì cho Hoàng ngoài niềm tin”. Sau ca mổ u não cách đây 20 ngày, mẹ Hoàng đã khá lên nhiều tuy vẫn còn liệt nhẹ nửa người bên trái. Người mẹ giọng còn yếu ớt nói thêm: “Ước mơ của cô là cho cháu đi du học thành tài rồi về xây dựng quê hương”.

Năm 2000, ông Túc xin được làm bảo vệ cho cơ quan Huyện ủy Bố Trạch. Với đồng lương 450.000 đồng/tháng ông phải chi ăn hằng ngày và cho bao nhiêu việc khác. Cậu ruột Hoàng kể: “Nhiều ngày cả nhà chỉ dám bỏ ra 5.000 đồng để mua thức ăn”.

Gần đây, mẹ Hoàng lại đau ốm liên tục vì căn bệnh u não. Tất cả tiền đều gom góp dành chữa bệnh cho mẹ. Hoàng vừa đi học vừa kiếm tiền phụ với ba lo cho gia đình. Hai sào (1.000m2) ruộng lúa của bà ngoại thành nguồn lương thực chính của cả nhà. Từ năm học lớp 4 đến giờ, Hoàng đã biết làm ruộng, rồi tranh thủ đi câu cá ngoài ruộng, ao hồ.

Được cá, Hoàng nhờ mẹ bán, khi mẹ bệnh thì Hoàng đi thẳng về chợ thị trấn Hoàn Lão bán, tiền thu được một phần lo tiền trường, còn lại đưa cho ba mẹ. Đi học ở trường về là Hoàng quần quật với ruộng vườn, nuôi gà, heo cả ngày nên phần lớn thời gian học tập ở nhà của Hoàng đều vào ban đêm. Hiếm khi Hoàng được ngủ trước 23g. Khi chúng tôi hỏi chuyện, bà ngoại Hoàng giàn giụa nước mắt, chỉ nói được mấy tiếng: “Thương hắn lắm!”.

Thế nhưng nỗi cơ cực ấy không ngăn được lòng say mê đọc sách của cậu bé. Từ nhỏ, Hoàng là một học sinh rất chăm chỉ, say mê đọc sách. Có hôm Hoàng đọc sách mà quên cả bán hàng, có người vào lấy mất đồ mà không biết. Đến cả tủ sách của nhà một người bạn, Hoàng đọc và còn biết rõ hơn cả người ấy.

Vậy mà chẳng bao giờ Hoàng có cuốn sách giáo khoa mới để học, thường phải xin từ anh chị học khóa trước. Ngay từ nhỏ Hoàng đã biết tự đặt câu hỏi cho mọi người và luôn tìm ra câu trả lời rõ nhất. 11 năm qua Hoàng luôn là học sinh giỏi, là lớp trưởng gương mẫu và là người bạn đáng mến của trường.

Ngày Hoàng ra Hà Nội thi tuần thì mẹ bị bệnh. Ngày Hoàng bước vào thi quí mẹ bị nặng hơn vì hai khối u trong não bọc nhau, phải vào Bệnh viện Huế chờ mổ. Trước khi ra Hà Nội thi năm, Hoàng yên tâm hơn vì mẹ được Bệnh viện VN - Cuba Đồng Hới và giáo sư, chuyên gia y tế Cuba là Esteban Roig Fabréy nhận giúp đỡ, mổ ca này.

Sáng 2-10, sân Trường THPT số 1 Bố Trạch có rất đông bạn bè, thầy cô giáo đến động viên Hoàng qua màn hình trực tiếp của Đài truyền hình VN tại sân trường, nối với trường quay S9 ở Hà Nội. Người dân vùng quê nghèo khó nhưng hiếu học này chỉ một ước mong: Hoàng lên được đỉnh Olympia. Có như thế Hoàng mới có điều kiện theo học lên nữa.

Khi cuộc thi vào vòng về đích, Hoàng có 130 điểm, bằng với bạn Đức ở bàn số bốn. Sân trường với gần 1.000 cổ động viên của Hoàng gần như im lìm vì lo lắng. Vào cuộc thi ở vị trí số 1, Hoàng chọn câu hỏi 20 điểm và cũng rất bất ngờ quyết định chọn luôn ngôi sao hi vọng nhằm tăng gấp đôi số điểm. Cả sân trường vỡ tung tiếng hò reo khi người dẫn chương trình báo Hoàng trả lời đúng câu hỏi.

Nhìn căn nhà nền đất lụp xụp, nhiều người tự hỏi không biết cậu bé ấy lấy đâu ra ngần ấy kiến thức để “xung trận” với những anh tài từ các thành phố lớn. Còn Hoàng, nỗ lực cuối cùng đơn giản chỉ là “để mẹ vui hơn và để trang trải thêm tiền phẫu thuật cho mẹ”.

Và ngày 2-10-2005, Lê Vũ Hoàng đã leo tới đỉnh Olympia từ ngôi nhà tranh và những tháng ngày gian khó. Trên sân Trường THPT số 1 Bố Trạch, chúng tôi đã chứng kiến phút giây yên lặng của ông Lê Công Túc khi Hoàng đội vòng nguyệt quế lên đầu.

Giờ đây ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin ngành viễn thông của cậu bé rất thích vẽ này gần hơn bao giờ hết. Suất học bổng trị giá 35.000 USD và ước vọng của người mẹ nghèo sẽ viết tiếp câu chuyện cổ tích “Olympia từ mái nhà tranh”.

1rpQHcFA.jpgPhóng to
Lê Vũ Hoàng (giữa) nhận học bổng trị giá 35.000 USD từ Bộ GD-ĐT và nhà tài trợ - Ảnh: Ngô Phi Bay

Sáng qua (2-10), sau hơn hai giờ thi đấu trí tuệ hồi hộp và gay cấn, Lê Vũ Hoàng, nhà leo núi đến từ Trường THPT số 1 Bố Trạch - Quảng Bình, đã xuất sắc đăng quang ngôi vô địch vòng chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” lần 6 (VTV3 - Đài truyền hình VN tổ chức).

Lê Vũ Hoàng có phần khởi đầu khá chậm chạp, vỏn vẹn có 30 điểm. Song cả cuộc thi là một quá trình bứt phá đến bất ngờ của Hoàng. Bắt đầu từ phần thi tăng tốc, cuộc đua leo lên đỉnh Olympia thật sự là cuộc rượt đuổi căng thẳng nhưng đầy hứng khởi giữa Nguyễn Hồng Đức và Lê Vũ Hoàng. Đến tận câu hỏi cuối cùng, khán giả “nín thở” chờ đợi câu trả lời của Nguyễn Hồng Đức về tác giả một bài thơ. Câu trả lời... không chính xác, đồng nghĩa với việc vòng nguyệt quế thuộc về Lê Vũ Hoàng với 170 điểm, hơn người giải nhì tới 60 điểm.

Bạn Nguyễn Phú Thái giành giải nhì, giải ba thuộc về hai bạn: Nguyễn Hồng Đức và Thân Nguyên Hậu.

Ý kiến bạn đọc:

* Tôi đã suýt khóc vì mừng khi được tin Lê Vũ Hoàng xuất sắc đoạt vòng nguyệt quế vinh quang. Tôi đã theo dõi những bước đi của Hoàng trên con đường chinh phục ngọn Olympia tri thức và cầu mong em là người đi đến đỉnh cao sớm nhất. Có thể nói nếu em nào trong số bốn nhà leo núi đạt được vinh quang cao nhất thì đó điều là niềm vui cả chúng ta. Nhưng Lê Vũ Hoàng là một trường hợp đặc biệt: Một câu chuyện cổ tích. Đọc chuyện cổ tích, ai cũng muốn một kết thúc có hậu.

Hoàng sẽ là một tấm gương sáng cho rất nhiều những học sinh nghèo trên khắp đất nước chúng ta đang phải nhọc nhằn áo cơm để nuôi lớn ước mơ chiếm lĩnh tri thức. Với tôi, Hoàng có thể được coi như một biểu tượng của thế hệ trẻ Việt Nam đang vượt lên đói nghèo để biến ước mơ Thánh Gióng thành hiện thực. Nhìn vào Hoàng và bao bạn trẻ khác sao ta lại không có quyền hy vọng đất nước Việt Nam sẽ từ "đói nghèo trong rơm rạ" vươn mình hóa rồng bay lên?

Lê Minh Khôi

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên