19/07/2005 22:17 GMT+7

Cơ hội của Thánh Gióng

QUANG THIỆN thực hiện
QUANG THIỆN thực hiện

TT - Với tư cách là một công dân, một đảng viên đồng thời là một nhà khoa học trẻ; Tiến sĩ của Đại học Harvard (Mỹ) Vũ Minh Khương - một chàng trai không ngừng sục sôi dòng máu Việt - tâm sự với Tuổi Trẻ: “Sau nhiều bước đi thăng trầm và có khi loay hoay, cuối cùng hôm nay chúng ta cũng đến trước cánh cửa lịch sử... Đổi mới của 20 năm trước là chúng ta “cởi trói” cho một cơ thể khỏe mạnh. Còn hôm nay chúng ta phải đổi mới để bật lên như Phù Đổng”.

jTnbCqcP.jpgPhóng to
TT - Với tư cách là một công dân, một đảng viên đồng thời là một nhà khoa học trẻ; Tiến sĩ của Đại học Harvard (Mỹ) Vũ Minh Khương - một chàng trai không ngừng sục sôi dòng máu Việt - tâm sự với Tuổi Trẻ: “Sau nhiều bước đi thăng trầm và có khi loay hoay, cuối cùng hôm nay chúng ta cũng đến trước cánh cửa lịch sử... Đổi mới của 20 năm trước là chúng ta “cởi trói” cho một cơ thể khỏe mạnh. Còn hôm nay chúng ta phải đổi mới để bật lên như Phù Đổng”.

TS Vũ Minh Khương nói tiếp:

- Cánh cửa lịch sử này sẽ đưa chúng ta sang một thế giới mới và chúng ta buộc phải lựa chọn hoặc là tham gia vào cuộc đua trở thành cường quốc, thay đổi toàn diện về chất lượng sống, vị thế, tiềm lực quốc gia; hoặc là sẽ tụt hậu và sa vào vòng xoáy trôn ốc có chiều hướng đi xuống...

* Căn cứ vào đâu để TS có cảm nhận này?

- Tôi nghĩ rằng đây không phải là cảm nhận của riêng tôi. Các anh sinh viên trong lớp quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội mà tôi đang dạy cũng cho rằng vài năm tới đất nước ta sẽ thay đổi. Hôm trước, qua câu chuyện xã giao, một anh lái taxi cũng khẳng định với tôi rằng hai ba năm nữa xã hội ta sẽ khác rất nhiều. Nói như vậy để thấy rằng không chỉ các nhà lãnh đạo, giới nghiên cứu, kinh doanh... nắm bắt bằng phân tích, đánh giá mà hình như sự linh cảm dân tộc trước bước ngoặt trọng đại đã có ở mọi tầng lớp nhân dân.

Nếu xét về lý thuyết thì xu thế toàn cầu hóa không dung nạp sự trì trệ, tách rời. Chúng ta không bắt kịp vận tốc của thế giới thì chúng ta bị tụt hậu và phải chứa đựng những “phế liệu” của phát triển... Nay chúng ta đã hết thiếu ăn, đã cơ bản yên tâm với những nhu cầu thiết yếu, chúng ta đã nhìn rõ con đường mình cần phải đi và hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện tham gia vào cuộc đua trở thành cường quốc...

Từng là học sinh chuyên toán Hải Phòng, xung phong đi bộ đội, tự “ứng cử” làm giám đốc một doanh nghiệp nhà nước sắp bị giải thể và đã vực dậy thành công; làm cán bộ văn phòng UBND thành phố Hải Phòng rồi trở thành sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ của Đại học Harvard; tiến sĩ quản trị kinh doanh Vũ Minh Khương nay là cố vấn cao cấp của dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp VN”.

Các bước tiến ngày một gần tới những tổ chức kinh tế khu vực và thế giới, những kết quả mới của chính sách đối ngoại cũng như những dấu ấn (dù chỉ là ở vài lĩnh vực và mới ban đầu) trên trường quốc tế cũng cho chúng ta cảm nhận ấy. Đổi mới của 20 năm trước là chúng ta “cởi trói” cho một cơ thể khỏe mạnh bị trói buộc. Còn hôm nay chúng ta phải đổi mới để bật lên như Phù Đổng. Bởi nếu không là Phù Đổng thì sẽ là nô lệ.

* Chúng ta đang ở một tình thế như thế nào trước bước ngoặt này?

- Thật đáng sợ là hiện xã hội ta đang bị đảo lộn thang giá trị. Những người, những tổ chức sống để phấn đấu cho giá trị tinh thần ngày một ít. Thay vào đó, vật chất trở thành thước đo của mọi sự phấn đấu, nỗ lực. Xã hội không chỉ đang thừa nhận mà trong nhiều trường hợp còn có chiều hướng hứng khởi với những hành vi hủy hoại danh dự, nhân phẩm như chuyện phong bì chẳng hạn... Điều nữa là một số người là cán bộ có địa vị xã hội đang bằng lòng với những thứ mình đang có.

Các bản báo cáo thành tích luôn đem các chỉ số hôm nay so với hôm qua (thời chúng ta bị trói buộc) để ru ngủ mình và cộng đồng. Có người muốn cố gắng làm nên một công trình nào đó mà hôm trước chưa có để nhìn vào đó mà lấy làm yên lòng về thành quả đóng góp, công tích. Cũng không ít người tỏ ra nhu nhược, tránh so sánh mình với thế giới, luôn cho rằng không thể theo được người ta... Những điều này đem đến nhiều hệ quả tiêu cực khác.

Mặt khác, tôi cảm nhận thấy một điều lớn hơn đó là ngọn lửa sôi sục vươn lên trong nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Đây là nguồn năng lượng cực lớn của đất nước. Tuy nhiên họ đang tản mạn, lúng túng và bị kìm nén. Tôi cho rằng đó là những đứa trẻ còi cọc chưa biết nói, biết cười, ẩn mình sau lũy tre làng. Nhưng nếu vua gọi đến thì đó là những Thánh Gióng.

* TS nghĩ gì về tình trạng này?

- Những góc tối và nguy cơ vừa nói ở trên tuy đáng sợ nhưng cũng chỉ là rác rưởi nếu chúng ta khơi dậy sự thể hiện hoài bão, khát vọng của dân tộc. Khi đó những làn sóng dữ dội được bùng phát. Và vì nó được sự ủng hộ của toàn xã hội, nó thành cuộc đua lớn và sẽ cuốn trôi, nghiền nát những rác rưởi kia.

Tuy nhiên nếu không khơi dậy được khát vọng đổi mới, vươn lên thì những tiêu cực, hạn chế đó sẽ theo phản ứng dây chuyền tạo kéo toàn xã hội vào vòng xoáy đi xuống. Đặc biệt là những căn bệnh này nảy nở rất nhanh, biến chứng rất lớn khi quanh chúng ta là những quốc gia không ngừng phồn vinh, thịnh vượng. Lúc này cơ hội của Thánh Gióng tiêu tan...

* TS vừa nói về trạng thái bên trong. Vậy nếu nhìn ra bên ngoài, chúng ta đang ở đâu?

- Tôi cho rằng rất thuận lợi. Trung Quốc, láng giềng của ta, đang trở thành một cường quốc có thể lớn mạnh hơn bất cứ ai. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore cũng đang hừng hực đi lên. Chúng ta đừng nghĩ rằng sự lớn mạnh của một đối thủ cạnh tranh nào đó thì sẽ bất lợi với mình, mà sự lớn mạnh này sẽ là động lực thôi thúc chúng ta phải lớn mạnh theo. Dân gian VN gọi đó là “sốt ruột” hay “con gà tức nhau tiếng gáy”. Lý thuyết phát triển cho rằng đây là động lực lớn nhất để phát triển. Tuy nhiên nếu ta không tận hưởng nguồn năng lượng này thì chính nó sẽ gây hại cho ta.

Dân tộc ta khi bị xâm lăng hay khi bị khủng hoảng đến chân tường như cách đây 20 năm thì chúng ta đã biết biến những sức ép đó thành động lực và đã chiến thắng. VN được xem là dân tộc quật cường là vì vậy. Nhưng nay sức ép của dân tộc ở một trạng thái gián tiếp, vô hình và âm thầm. Nếu ta nhận ra và sử dụng nó thành năng lượng phát triển thì VN là một dân tộc có tầm vóc văn minh cao.

* Theo TS, Thánh Gióng thời nay là ai?

- Thánh Gióng thời nay là hoài bão và khát vọng lớn của toàn dân tộc. Điều này cần khơi dậy, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên hùng cường, giàu mạnh ở mỗi công dân. Hiện thực lịch sử và lý thuyết đều chứng minh chỉ có sức mạnh tinh thần mới làm nên kỳ tích. Tạo nên sức mạnh này thì ít tốn kém, ít mất thời gian nhất nhưng hiệu quả cao nhất. Cách đây chưa xa, chúng ta từng làm nên những cuộc kháng chiến thần thánh trong bom đạn và thiếu thốn.

Về phát triển kinh tế thì người Nhật đã từng bị nhấn chìm trong nỗi đau chiến tranh. Người Hàn Quốc từng lạc hậu và nghèo đói. Ngay cả người Trung Quốc mới đây cũng thiếu thốn, trì trệ. Nhưng khi toàn dân tộc họ ý thức được việc phải vươn lên bằng mọi giá, phải biết từ bỏ mọi lợi ích riêng để vì dân tộc, vì quốc gia thì nay họ đều là những quốc gia thịnh vượng, lẫm liệt trước toàn nhân loại.

* Làm cách nào để có tinh thần Thánh Gióng như vậy?

- Theo tôi, trước hết chúng ta phải nhìn thẳng vào mình và phải biết xấu hổ, nếu cần. Ta hãy tự hỏi: tại sao một dân tộc giàu nhân văn, yêu cái đẹp như vậy mà tỉ lệ người bị HIV, nghiện ma túy lại cao hơn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...? Tại sao người Việt vốn trọng tín nghĩa, khẳng khái, chân chính, thậm chí sẵn sàng chết vì lòng trung nghĩa mà nay lại bị xếp hạng nạn tham nhũng cao nhất nhì Đông Á? Giới trẻ ngày nay sao không có Trần Quốc Toản, Lê Hồng Phong, Kim Đồng...? Tại sao trong các cán bộ nhà nước không còn ai nói: bệ hạ muốn hàng xin chém đầu thần trước?

Chúng ta từng làm nên Điện Biên Phủ, mùa xuân đại thắng 1975, vậy 30 năm qua hòa bình độc lập ta làm được gì để không hổ thẹn với cha ông? Chúng ta hoan hỉ về xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là đúng. Nhưng hãy nhớ rằng cha ông ta đã từng đạt được danh hiệu này từ hàng thế kỷ trước. Trong tình huống nào đó ta phải chấp nhận tạm thời nhưng đừng quá vui về các chỉ số xuất khẩu lao động. Hãy luôn canh cánh về thể diện quốc gia, tự hào dân tộc.

* Theo TS, tự tôn dân tộc sẽ làm nên khát vọng?

- Đó là lôgic đơn giản. Khi toàn dân tộc chung nghĩ đến điều đó thì chúng ta sẽ trăn trở, sẽ lo lắng như khi vó ngựa giặc Ân tới quá gần. Giặc Ân tới thì phải đi tìm Thánh Gióng, tức là khơi dậy khát vọng và trí tuệ toàn dân. Nhà lãnh đạo phải tạo môi trường, phải khuyến khích họ lên tiếng và bộc lộ. Nhà lãnh đạo phải có cơ chế “nuôi dưỡng” hoài bão và khát vọng đó. Đồng thời chính họ phải có hoài bão và khát vọng lớn hơn nữa để tạo thành khát vọng toàn dân. Hoài bão, khát vọng sẽ sinh ra ý chí và phẩm chất để chinh phục mục đích.

Những yếu tố này sẽ nối tiếp qua nhiều thế hệ. Xin kể câu chuyện ở Hãng Samsung (Hàn Quốc). Khi vị chủ tịch tập đoàn sắp qua đời, ông ta vẫn đau đáu mong muốn sản xuất được con chíp điện tử. Ông gọi các nhân viên lại nói: “Nếu tôi chết mà chưa làm ra con chíp thì sau này các anh cố gắng làm. Sau đó đặt nó lên mộ của tôi...”.

Trước một nguồn năng lượng và hoài bão khủng khiếp như thế, hàng trăm, hàng ngàn kỹ sư, quản lý của Samsung không ngừng làm việc, hi sinh và bằng mọi giá họ đã làm ra con chíp. Đó là một trong những yếu tố để thế giới biết đến Samsung. Dân tộc đang cần ở mỗi chúng ta đem đến những hoài bão và khát vọng.

* Xin cảm ơn TS.

-----------------------------------------

Tin bài liên quan:

TS Vũ Minh Khương: Đồng hành hai khát vọngĐổi mới tư duyThánh Gióng của hòa bìnhChuyện về một TS. Harvard người ViệtChống lãng phí bằng lượng hóa năng lực cán bộ

Chúng tôi khao khát nghe tiếng loa cầu hiền tài

Thánh Gióng vươn mình lớn dậy là từ lúc nghe thấy tiếng loa chiêu mộ hiền tài ra giúp nước, chắc hẳn ai cũng còn nhớ. Người tài phải gặp thời. Thanh niên chúng tôi không im lặng. Hãy cứ thử ghé qua các diễn đàn tri thức sẽ thấy khát vọng được xây dựng một đất nước Việt Nam lớn mạnh thể hiện như thế nào qua từng câu chữ.

Công nghệ thông tin đã giúp chúng tôi tạo ra điểm giao thoa tri thức trong và ngoài nước, từ đó nâng mặt bằng kiến thức chung lên một tầm cao mới, và cũng để từ đó luôn dõi theo từng bước phát triển của đất nước mình. Đất có lành thì chim mới đậu, rồng gặp nước mới có thể vẫy vùng.

Thế nhưng những tiếng nói khao khát ấy chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Có biết bao nhiêu trí tuệ Việt Nam đang làm việc cho các ông chủ nước ngoài dù trong lòng vẫn canh cánh một nỗi nhớ quê hương. Quê hương đã làm gì để kéo những đứa con ấy về với mình, để những đứa con của truyền thuyết rồng tiên được trí tài thỏa sức? Chúng tôi đang khao khát nghe tiếng loa cầu hiền tài.

"Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình", lời dạy được nghe từ khi còn tấm bé ấy vẫn đi theo chúng tôi đến lúc lớn khôn. Đất nước đang chuyển mình, xin hãy tạo điều kiện cho những đứa con không còn nhỏ ấy được thực sự góp phần vào bước đi lịch sử của dân tộc.

Việt Nam không thiếu người tài

Cám ơn báo Tuổi Trẻ đã cho đăng bài tâm sự của TS Vũ Minh Khương - Cơ hội của Thánh Gióng - làm mọi người đều cảm thấy tự hào. Dù là ai, bất cứ quốc tịch của một quốc gia nào thì họ cũng đều yêu nước và muốn đóng góp công sức mình cho đất nước mình (vì đó là quê Cha đất Tổ).

Hiện nay, có lẽ chúng ta quen với cách sống bao cấp và lãnh đạo sẽ do cấp trên bố trí. Do đó, người tài không thể nào thể hiện được khả năng hay những sáng kiến của mình. Những nhân viên may mắn gặp lãnh đạo tốt sẽ tạo điều kiện, giúp đỡ để nhân viên có điều kiện phát triển. Nhưng nếu không may mắn, người giỏi đôi khi bị "quan tâm đặc biệt" và "khó phát triển" vì "dám giỏi hơn lãnh đạo".

Điều này thực sự khác với các công ty nước ngoài, khi người điều hành trân trọng "chất xám" và những đóng góp của cấp dưới vì sự phát triển chung của công ty. Nên chăng lãnh đạo cấp cao cần có những cuộc gặp để lắng nghe giới trẻ đóng góp ý kiến để có cơ hội tạo điều kiện cho người tài phát huy những sáng kiến của mình và tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển mạnh nhờ những sáng kiến xuất sắc đã được chọn lọc.

Chúng em chân thành cảm ơn ý kiến quý báu của tiến sĩ !

Em là một kỹ sư trẻ, vừa tốt nghiệp và hiện đang công tác tại một công ty chế tạo hàng không của Singapore, vốn cũng xuất thân từ phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên. Hôm nay, đọc đến bài báo này, em vô cùng xúc động vì nó đã nói đúng những suy nghĩ và những hoài bão mà lớp trẻ bọn em hằng ao ước. Chúng em đang âm thầm cố gắng thu thập những gì có ích từ xứ người để sau này góp phần xây dựng nên một đất nước Việt Nam giàu mạnh. Cái mà tụi em đang thật sự cần, rất đúng như Tiến sĩ đã nói, đó là sự quan tâm và hỗ trợ của nhà nước. Nếu có dịp lướt qua các diễn đàn của lớp trẻ hiện nay thì sẽ không khó để phát hiện ra những ngọn lửa nhỏ đang cháy âm ỉ. Họ đang chờ ngày bùng phát nếu được sự hỗ trợ đúng lúc. Là một công dân trẻ của nước Việt Nam, em cũng nghĩ đây là thời điểm rất thuận lợi để đất nước vươn lên. Xin hãy tin vào lớp trẻ, vào những người chủ tương lai của đất nước!

Giá trị Việt Nam

Phải nói rằng trước TS Vũ Minh Khương, tôi chưa từng nghe ai diễn tả điều này một cách chính xác và thu hút đến thế! Bởi ngay bản thân anh cũng đã là một minh chứng hùng hồn cho "Giá trị Việt Nam", một con người đã đi lên từ những định kiến, để rồi lại thấy cuộc sống và dân tộc VN vẫn còn đầy tiềm năng khai sáng.

Hi vọng rồi từ đây thế hệ chúng ta sẽ cùng nhau làm sống lại những huyền thoại đã một thời vang danh như Thánh Gióng, Trần Quốc Toản... Phải làm sao lay động mỗi trái tim con dân VN chúng ta biết trăn trở đau xót trước cái đói nghèo, tụt hậu như Hưng Đạo Vương đã từng ray rứt về nạn ngoại xâm trong "Hịch tướng Sĩ" năm nào. Tất cả chúng ta dù ở cương vị nào cũng đều có quyền và trách nhiệm để giữ mãi ngọn lửa thiêng này, đó là "Giá trị Việt Nam", giá trị mà biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống để có ngày hôm nay.

Nghĩ khi đọc bài phỏng vấn TS Vũ Minh Khương

Đọc được những dòng phỏng vấn TS.Vũ Minh Khương, chúng tôi, những người đang ở lớp tuổi gần thất thập vẫn còn cảm nhận được hào khí của dân tộc Việt Nam. Ước mong giáo sư sẽ là bạn đồng hành của lớp trẻ, dũng cảm vượt qua những trở ngại khác biệt thì ước vọng trở thành Thánh Gióng đâu còn là mộng tưởng!

Hoài bão, lý tưởng, sức trẻ và đoàn kết trỗi dậy mạnh lên

Đọc bài phỏng vấn TS. Vũ Minh Khương, tôi và chắc chắn rằng còn nhiều bạn trẻ nữa đã có những giây phút "thăng hoa" trong tâm tưởng và khát vọng mong muốn đưa đất nước Việt Nam tiến lên để trở thành một quốc gia cường thịnh và phồn vinh.

Nhưng có mấy ai dám nói và nói được như TS Khương?! Điều đó không có nghĩa là chúng ta không có những người tài và tâm huyết. Có chứ, có nhiều. Tuy vậy, cơ chế và các ràng buộc chằng chịt đã khiến họ muốn thể hiện khát vọng một cách mãnh liệt, thế rồi họ lại tự câm nín.

Ai có thể cho họ thêm tự tin? Ai có thể đảm bảo họ và những người thân sẽ yên bình và hãnh diện khi nói lên những ung nhọt và những căn bệnh hiện vẫn tồn tại ở đất nước chúng ta? Đừng để những tài năng có tâm đức ấy thờ ơ trước những đại cuộc của đất nước, an phận, mai một và lụi tàn đi.

Gần đây báo chí mà tôi thấy rõ nhất là Tuổi Trẻ đã có đăng những loạt bài rất thẳng thắn và tích cực. Đó cũng là nhân tố mang tính quyết định tạo nên một sức mạnh tinh thần cho lớp trẻ noi theo và mạnh dạn thể hiện khát vọng tuổi trẻ cùng với lý tưởng cao đẹp cộng thêm sức mạnh đoàn kết dân tộc làm nên một cú huých đưa đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam trở thành một cường quốc.

Cảm ơn TS Vũ Minh Khương!

Tôi đã đọc bài trên Tuổi Trẻ chủ nhật khi còn ở Việt Nam. Lúc ấy tôi mong muốn có được địa chỉ của TS Vũ Minh Khương để cảm ơn anh vì đã nói hộ hoài bão của cá nhân tôi cũng như của rất rất nhiều bạn trẻ khác. Bây giờ, khi đang là nghiên cứu sinh tại CHLB Đức theo diện học bổng của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức, tôi lại được đọc những lời tâm huyết của anh. Đúng thật là nếu chúng ta không là Phù Đổng thì chắc chắn sẽ là nô lệ trên chính mảnh đất mà cha ông bao đời nay đã không tiếc xương máu để mở mang và gìn giữ.

Lòng tự hào dân tộc, nỗi hổ thẹn khi thấy mình thua người và quyết tâm, hoài bão làm được một điều gì đó lớn lao hơn cuộc sống cá nhân là những nhân tố tối cần thiết cho sự phát triển của đất nước mình. Lớp trẻ chúng tôi không thiếu hoài bão, không phải không có lòng tự tôn dân tộc, không phải không khát khao cống hiến. Chính vì vậy nhiệm vụ cao cả của Đảng, Nhà nước và các cấp có thẩm quyền là phải làm dấy lên làn sóng mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong lớp trẻ.

Chúng tôi không muốn mãi là "những đứa trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng", chúng tôi muốn đi theo hào khí Thánh Gióng, Đông A. Tôi đề nghị báo Tuổi trẻ hãy mở một diễn đàn rộng rãi cho lớp trẻ chúng tôi trao đổi ý kiến. Và nếu có thể, TS Vũ Minh Khương nên đứng ra thành lập một hiệp hội cổ vũ cho những gì anh đang nung nấu, ấp ủ. Tôi tin rằng sẽ có rất nhiều bạn trẻ tích cực tham gia. Xin cảm ơn báo Tuổi Trẻ và TS Vũ Minh Khương!

Hãy giúp đỡ Thánh Gióng!!!

Không có lần nào đọc những bài báo viết về TS Vũ Minh Khương trên TTO mà cảm giác được quay về cống hiến cho dân tộc Việt trong em lại không dâng trào mạnh mẽ. Là một học sinh đang theo học tại xứ người, lúc nào em cũng mong học được những điều hay, những cái tốt và "được phép" áp dụng nó một cách hợp lý tại quê hương. Trong cả quá trình học tập, em luôn suy nghĩ làm thế nào để áp dụng kiến thức của mình tại nước nhà...

Thế nhưng điều luôn làm cho sinh viên du học trăn trở là liệu khi quay trở về nước, bản thân của họ có được nước nhà trọng dụng hay không? Câu hỏi này rất nhiều lần làm cho em và những người bạn suy nghĩ rất nhiều. Không ai có thể có câu trả lời một cách chính xác hơn là giới lãnh đạo của Việt Nam. Liệu rằng trong những năm tới nhà nước Việt Nam có đủ sức thể hiện tư tưởng muốn vươn lên thành môt cường quốc mạnh mẽ đủ để thu hút nhân tài trở về nước hay không?

Hãy đừng kiềm nén Thánh Gióng, dân làng hãy quy tụ lại! Hãy góp một ít cà, một ít gạo, một ít củi khô... Hãy giúp Thánh Gióng và cho Thánh Gióng một cơ hội để giúp nước nhà. Khao khát cháy bỏng chỉ có thể làm được khi những Thánh Gióng của Việt Nam có được một môi trường và sự giúp đỡ cần thiết.

QUANG THIỆN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên