Phóng to |
Tony Văn Nguyễn |
Mới thành lập đầu năm nay, VietUnity đã nhanh chóng gây chú ý trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Tony Văn Nguyễn, một trong tám sáng lập viên của VietUnity, đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện:.
* Xin chào, anh có thể kể sơ qua về sự hình thành của VietUnity?
- Tháng 11 năm ngoái, tôi tham gia tổ chức một hội nghị tại Đại học Stanford của tổ chức những người Mỹ gốc Á và người Mỹ sinh sống ở vùng Thái Bình Dương. Có khoảng 35 đến 40 sinh viên gốc VN dự hội nghị. Sau đó, chúng tôi giữ liên lạc với nhau và thường xuyên trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm.
Tháng giêng năm nay, chúng tôi tổ chức cuộc họp lần đầu tiên ở San Jose, 12 người tới dự họp tuổi đời đều rất trẻ, từ 16 đến 29. Chúng tôi thấy mình cùng ý kiến về nhiều vấn đề của cộng đồng người Việt.
Đến tháng ba, chúng tôi quyết định đặt tên nhóm là VietUnity. Tới tháng năm, tôi nảy ra ý tưởng tổ chức cuộc hội thảo về chiến thắng Điện Biên Phủ tại Oakland. Và đó là lần đầu tiên VietUnity xuất hiện công khai.
Hôm đó, chính xác là ngày 11-5, đang dự hội thảo thì có tin hội đồng thành phố Garden Grove sẽ họp bàn về việc thông qua "nghị quyết vùng không cộng sản". Lập tức, chúng tôi họp nhau lại quyết định phải ra một tuyên bố thể hiện quan điểm của mình.
Ngày hôm sau, bản tuyên bố phản đối nghị quyết này đã được e-mail tới hàng trăm địa chỉ, từ các nhân vật có uy tín trong cộng đồng nhập cư ở Mỹ tới các giới chức trách Mỹ.
Có một chuyện khá bất ngờ. Bản tuyên bố bằng cách nào đó đã đến tay tác giả của bản nghị quyết "vùng không cộng sản", đó là cha của một người bạn của VietUnity ở Garden Grove. Ông ấy đã hỏi con trai mình về nhóm của chúng tôi và ngay lập tức phóng xe 6 tiếng đồng hồ tới Oakland để gặp chúng tôi yêu cầu "nói chuyện phải trái". Chúng tôi đã từ chối cuộc gặp.
* Anh và các bạn có mường tượng được những phản ứng tiêu cực khi ra bản tuyên bố này?
- Chính vì dự tính những phản ứng đó mà trong bản tuyên bố đầu tiên, chúng tôi buộc phải chọn cách "ẩn danh" không đưa tên bất kỳ thành viên nào trong nhóm để bảo đảm an toàn.
Trong tuyên bố đầu tiên, chúng tôi chỉ nói chúng tôi đại diện cho tiếng nói tiến bộ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
* Thế còn những phản ứng tích cực?
- Ồ, phản ứng tích cực nhiều hơn phản ứng tiêu cực. Sau khi bản tuyên bố được lan truyền trên Internet, rất nhiều bạn trẻ ở New York, Texas... e-mail tới chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ đối với nhóm và mong muốn được gia nhập nhóm.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của cả những người Mỹ và những người gốc các nước khác.
* Lý do chính khiến anh và các bạn không giữ im lặng nữa?
- Nghị quyết "vùng không cộng sản" đang tiếp tục được vận động tại Westminster, San Jose và một loạt thành phố khác. Nếu như làm ngơ để những nghị quyết kiểu này thành hiện thực, nó sẽ trở thành một rào cản đối với tiến trình hòa giải dân tộc.
Chúng tôi tin các nghị quyết nhằm chia rẽ cộng đồng người Việt tại Mỹ với người dân cũng như chính phủ trong nước có thể được ngăn chặn nếu như có những tiếng nói công khai phản đối chúng.
Chính vì vậy mà vào tháng bảy qua, VietUnity đã xuất hiện công khai trên tờ Viet Mercury News và một tờ báo của quận Cam. Có bốn người trong số tám sáng lập viên của nhóm đã quyết định công khai danh tánh của mình.
Chúng tôi cũng cảm nhận rằng theo thời gian, bản thân cộng đồng người Việt tại Mỹ đã nhiều thay đổi và không còn quá lo sợ bị tấn công như trước.
* Các bạn có mong muốn hướng VietUnity vào các hoạt động nào khác?
- Chúng tôi muốn cộng đồng người Việt ở Mỹ chú ý hơn vào việc đấu tranh đòi quyền lợi cho cộng đồng, đó là mục tiêu lớn của nhóm. Bên cạnh đó, chúng tôi đang thảo luận về ý tưởng giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở VN.
Ngoài ra, chúng tôi đã thiết lập được quan hệ ban đầu với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị VN. Tôi và các thành viên trong nhóm sẽ lần lượt về thăm VN. Nhất định tôi còn trở lại VN nhiều lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận