Chai nước Number One có vật thể lạ giống ruồi - Ảnh: Hoài Thương |
Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã có quyết định gia hạn tạm giam thêm 4 tháng đối với ông Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự.
Cũng theo công an tỉnh này, việc gia hạn tạm giam là do tình tiết của vụ án khá phức tạp nên cần có thêm thời gian để củng cố hồ sơ vụ án.
Vậy, theo quy định của pháp luật, trường hợp nào được xem là vụ án có tính chất phức tạp? Và trong trường hợp này, có cần thiết phải tiếp tục gia hạn tạm giam đối với bị can hay không?
Theo tinh thần quy định tại tiểu mục 1.3 Mục I của Nghị quyết số 04/2004 ngày 5/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao, vụ án được coi là phức tạp nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
A. Vụ án có nhiều bị can, phạm tội có tổ chức hoặc phạm nhiều tội;
B. Vụ án liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc nhiều địa phương;
C. Vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc để tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn.
Đối chiếu với thực tế diễn biến của vụ án, có thể thấy, hành vi phạm tội của ông Võ Văn Minh (nếu có) cũng không thuộc trường hợp được xem là vụ án có tính chất phức tạp theo các điểm A, B nói trên. Có chăng, tính phức tạp chỉ còn lại ở điểm C. Tức là vụ án có thể còn tồn tại các tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau, cần phải tiếp tục điều tra làm rõ.
Thế nhưng, có một thực tế là, việc ông Minh thoả thuận nhận số tiền 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát (sau ba lần thương lượng) đã bị cơ quan công an phát hiện và bắt giữ ngay tại thời điểm các bên giao nhận tiền.
Quá trình điều tra ban đầu cũng đã làm rõ một số hành vi khách quan như, khi phát hiện ra có con ruồi bên trong chai nước, ông Minh đã yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát cử người đến thương lượng.
Khi Công ty Tân Hiệp Phát cử người đến gặp, ông Minh ra giá cho sự "im lặng" thì công ty phải chi trả 1 tỷ đồng. Nếu không đến thương lượng sẽ thưa ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đưa lên báo chí, in 5.000 tờ rơi để làm mất uy tín của Công ty…
Vì vậy, nếu xem đây là hành vi phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội quả tang và đơn giản, chứ không có gì gọi là phức tạp trong việc xác định hành vi phạm tội của bị can cả.
Mặc dù theo tinh thần quy định tại điểm d khoản 2 điều 120 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), trong trường hợp này, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có quyền gia hạn tạm giam nhiều lần, cho đến khi kết thúc điều tra.
Tuy nhiên, cũng theo tinh thần của điều luật, việc gia hạn tạm giam chỉ nên thực hiện đối với những vụ án phức tạp, còn những vụ án đơn giản, hành vi phạm tội của bị can (bị cáo) rõ ràng thì cũng không nhất thiết phải tiếp tục gia hạn thời hạn tạm giam.
Mặt khác, chúng ta đều biết, tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong tất cả các biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS.
Người bị áp dụng biện pháp này, không chỉ bản thân họ bị hạn chế một số quyền công dân mà ngay cả gia đình, con cái họ cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong cuộc sống. Nhất là khi người bị tạm giam là lao động chính trong gia đình.
Vì vậy theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp này, cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thể xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Minh mà không nhất thiết phải tiếp tục gia hạn thời hạn tạm giam đối với bị can.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận