19/08/2017 09:34 GMT+7

Trà, cà phê gói chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng việc đưa trà, cà phê uống liền đóng gói vào diện phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu theo đề xuất sửa luật thuế của Bộ Tài chính là không hợp lý.

Cà phê đóng gói có nguy cơ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt  - Ảnh:  Q.ĐỊNH

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm điều tiết tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ như ôtô, hoặc hạn chế tiêu dùng thuốc lá, rượu... đã được xã hội chấp nhận. 

Nhưng việc mở rộng danh mục hàng hóa chịu loại thuế này ra cả trà, cà phê đóng gói uống liền đã gây nhiều bất ngờ, thậm chí vô lý. Trong khi đó, việc giảm thuế chỉ là rất ít, hoặc giảm nhỏ giọt.

Đánh cả trên sản phẩm rẻ tiền

Nhìn vào đề xuất tăng thuế TTĐB, anh Hoàng Dũng (Q.Bình Tân, TP.HCM) nói có những mặt hàng không hề thuộc loại xa xỉ phẩm nhưng không hiểu sao vẫn bị xếp vào nhóm chịu thuế TTĐB. 

“Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao vào nhóm chịu thuế TTĐB với lý do ảnh hưởng đến sức khỏe và nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, dù khiên cưỡng nhưng còn có thể chấp nhận được. Nhưng trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp cũng bị xếp vào nhóm này tôi thấy quá vô lý và tận thu” - anh Dũng nói.

Ở nhiều nước cơ cấu nguồn thu từ thuế VAT trong tổng ngân sách chỉ chiếm 10%, trong khi VN lên đến 30%. Như thế có thể thấy người tiêu dùng hiện nay đang bị điều tiết quá lớn...

Chuyên gia Bùi Quang Tín

Theo anh Dũng, trà, cà phê đóng gói là thức uống phổ thông và rẻ tiền, chỉ vài ngàn đồng một gói được nhiều người bình dân dùng buổi sáng để tỉnh táo hơn khi đi làm.

“Nó còn rẻ tiền hơn ly cà phê vỉa hè, không hiểu sao Bộ Tài chính cũng đề xuất đánh thuế TTĐB” - anh Dũng băn khoăn.

Làm trong khối hành chính sự nghiệp, chị Thanh Thủy (Q.4) cho biết cảm thấy lo lắng trước thông tin hàng loạt sắc thuế sẽ tăng sắp tới. Lương mới điều chỉnh từ 1-7, với mức tăng tính ra chỉ vài phần trăm so với mức cũ, trong khi đó mặt bằng giá cả đã tăng trước cả lương, nên gia đình chị khá chật vật trong chi tiêu.

Tới đây với mức tăng của thuế TTĐB, thuế môi trường với mặt hàng xăng có thể tiến dần lên 8.000 đồng/lít, chị Thủy lo giá cả lại leo thang.

“Thuế môi trường đấy sẽ cộng hết vào giá xăng khiến giá vận chuyển tăng và hàng hóa sẽ lại té nước theo mưa. Chưa kể, tiền xăng mỗi tháng mà gia đình tôi phải chi ra sẽ tăng đáng kể” - chị Thủy lo lắng.

Tăng mạnh, giảm nhỏ giọt

Nhiều người dân cũng cho rằng dù Bộ Tài chính đề xuất tăng hàng loạt sắc thuế nhưng mức giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lại chẳng thấm tháp gì.

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, đề xuất thay vì 5 bậc thuế như đề xuất của Bộ Tài chính, nên rút ngắn còn 4 bậc, trong đó người có thu nhập chịu thuế từ 20 triệu đồng/tháng trở xuống chỉ chịu thuế TNCN ở bậc 1 với mức thuế 5%...

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán TP.HCM, nếu thuế VAT tăng 2%, ngân sách thu thêm 59.000 tỉ đồng, tỉ trọng thu ngân sách từ VAT của VN lên 33% thay vì khoảng 30% hiện nay. Đây là tỉ lệ cao và ảnh hưởng không tốt đến cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng.

Trong khi đó, việc bớt hai bậc thuế trong biểu thuế TNCN, theo ước tính của một số chuyên gia am hiểu ngành thuế, sẽ chỉ khiến ngân sách giảm thu khoảng 1.000 tỉ đồng/năm, không thấm vào đâu so với mức tăng thu do điều chỉnh thuế VAT.

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên trưởng phòng thuế TNCN, Cục Thuế TP.HCM - đánh giá với mức tăng thuế VAT như đề xuất của Bộ Tài chính, số tiền ngân sách thu thêm lớn nên cần có sự hài hòa trở lại với thuế TNCN.

Ông Sơn đề xuất nên quy định người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo sẽ được xét giảm thuế tương ứng với mức thiệt hại. Nếu vượt quá mức thuế phải nộp trong năm cũng được trừ dần sang các năm sau thay vì chỉ cho trừ trong một năm và không vượt quá số thuế phải nộp của năm đó như hiện nay.

Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, nhiều quốc gia trong khu vực châu Á có nhiều mức thuế VAT khác nhau tùy theo sản phẩm, ngành nghề và chính sách ưu đãi của chính phủ với từng ngành nghề. Trong khi đó tại VN, mức thuế VAT phổ biến là 10% và sắp tới tăng lên 12%.

Ở nhiều nước cơ cấu nguồn thu từ thuế VAT trong tổng ngân sách chỉ chiếm 10%, trong khi VN lên đến 30%. Theo ông Tín, như thế có thể thấy người tiêu dùng hiện nay đang bị điều tiết quá lớn.

“Do vậy, Bộ Tài chính nên cân nhắc việc tăng thuế VAT và không nên tăng đại trà để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân” - ông Tín đề nghị.

Đề nghị giữ nguyên thuế VAT tới năm 2021

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý về Định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, HoREA chia sẻ khó khăn về nguồn thu ngân sách của Nhà nước, nhưng cho biết thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ. Nếu tăng thuế VAT lên 12% kể từ ngày 1-1-2019 sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên vật liệu, thi công, nhân công... tăng, giá bán nhà tăng.

Do vậy, hiệp hội kiến nghị giữ nguyên thuế suất thuế VAT là 10% từ nay đến năm 2021. So sánh với các nước khác, HoREA cho biết Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất VAT 10%, Singapore 7%, Thái Lan 5%.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên