25/06/2017 14:44 GMT+7

Ngân hàng 'nhấp nhổm' tăng phí ATM: Nhiều ý kiến khác nhau

ÁNH HỒNG - L.THANH
ÁNH HỒNG - L.THANH

TTO - Các ngân hàng đang “nhấp nhổm” muốn tăng phí rút tiền qua ATM. Trong khi đó, không ít khách hàng lại có phản ứng trái chiều. Liệu có nên tăng phí dịch vụ này? Nếu tăng thì nên tăng thế nào?

Nhiều ngân hàng đầu tư hệ thống ATM lớn muốn tăng phí mỗi giao dịch ngoại mạng từ 3.300 đồng lên 7.000 đồng để tránh bị lỗ - Ảnh: T.T.D.
Nhiều ngân hàng đầu tư hệ thống ATM lớn muốn tăng phí mỗi giao dịch ngoại mạng từ 3.300 đồng lên 7.000 đồng để tránh bị lỗ - Ảnh: T.T.D.

Chuyên gia Bùi Quang Tín: Ngân hàng Nhà nước nên rà soát lại các khoản phí

Chuyên gia Bùi Quang Tín

Ngân hàng Nhà nước nên có quy định cụ thể về các khoản phí này, đồng thời rà soát các khoản phát sinh tăng thêm, nếu không phí cứ tăng lên.

Chuyên gia Bùi Quang Tín

Về đề xuất tăng phí rút tiền ngoại mạng, tôi cho rằng cần xác định chính xác chi phí của mỗi giao dịch rút tiền hiện nay là bao nhiêu, có đúng là 7.000 đồng/giao dịch hay không.

Các ngân hàng cần có công thức tính rõ ràng.

Ngân hàng Nhà nước nên có quy định cụ thể về các khoản phí này, đồng thời rà soát các khoản phát sinh tăng thêm, nếu không phí cứ tăng lên.

Như vậy mới khuyến khích được hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Vậy khi đó nếu đúng giá vốn của mỗi giao dịch là 7.000 đồng/giao dịch và các ngân hàng đang chịu lỗ thì giải quyết như thế nào?

Theo tôi, ngân hàng phát hành thẻ hưởng được nhiều lợi ích khi khách hàng mở thẻ như được hưởng số tiền gửi không kỳ hạn trên tài khoản, chưa kể bán chéo được sản phẩm nên ngân hàng phát hành thẻ buộc phải chia sẻ phí với ngân hàng có máy ATM.

Ngân hàng cũng không thể đổ lên khách hàng. Hoặc Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra chỉ tiêu về lượng thẻ phát hành tương ứng với số máy ATM phải đầu tư, tránh tình trạng cứ ào ạt phát hành thẻ mà không chịu đầu tư máy.

* Ông Nguyễn Ái Dân (chuyên gia ngân hàng)Nên cân nhắc, thận trọng

Có một số nước không thu phí giao dịch ATM mà chi phí dịch vụ này được bù đắp từ dịch vụ khác. Còn ở VN, nếu không thu phí hoặc thu không đủ ngân hàng không lấy gì để bù đắp.

Nhiều ngân hàng tính toán, chi phí một giao dịch là khoảng 7.000-8.000 đồng. Tuy nhiên vài năm nay, phần lớn các ngân hàng chưa dám tăng mức phí vì sợ khách hàng phản ứng.

Để tăng mức thu phí đối với giao dịch ATM trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng nên cân nhắc thận trọng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước nên làm “trọng tài” để đảm bảo hài hòa quyền lợi cho ngân hàng - đơn vị cung cấp dịch vụ và chủ thẻ - người sử dụng dịch vụ.

Mức phí phải đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư nhưng muốn tăng phải có lộ trình để người sử dụng dịch vụ chấp nhận được.

Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại: Các ngân hàng cần ngồi lại

Chuyên gia thẻ Trần Quang ThoạiCách tốt nhất các ngân hàng nên ngồi lại đàm phán với nhau để có thể ấn định mức phí hợp lý nhất trên cơ sở tính toán hết các khoản chi phí và vì lợi ích của người tiêu dùng.
Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại:

Theo tôi, đề xuất tăng phí rút tiền ngoại mạng trên ATM (chủ thẻ của ngân hàng khác rút tiền trên ATM) để bù đắp một phần chi phí cho hoạt động phát hành thẻ nội địa cũng hợp lý vì thời gian qua các ngân hàng phải đầu tư để nâng cấp hạ tầng, dịch vụ.

Dễ thấy nhất là giao dịch ổn hơn nhiều, người tiêu dùng cũng quen với các dịch vụ trên máy.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tăng phí thế nào, có phải từ mức 3.300 đồng/giao dịch rút tiền ngoại mạng như hiện nay lên mức 7.000 đồng/giao dịch hay không?

Đây là vấn đề cần được cân nhắc, suy xét sao cho việc tăng phí không ảnh hưởng đến giao dịch thẻ, đồng thời cân bằng được quyền lợi của ngân hàng phát hành thẻ, ngân hàng thanh toán và người tiêu dùng.

Ở đây cần nhìn hai phía là nhiều ngân hàng nhỏ phát hành thẻ quá nhiều nhưng đầu tư ít máy ATM do không đủ lực nên ngân hàng lớn phải gánh lượng khách hàng của họ kéo theo chi phí duy trì hệ thống tăng lên.

Tuy nhiên, bù lại các ngân hàng thu thêm được phí, còn chi phí đầu tư thực tế qua thời gian thì khấu hao dần.

Các ngân hàng còn giới hạn số tiền rút mỗi lần của chủ thẻ các ngân hàng khác chỉ tối đa là 3 triệu đồng thay vì 5 triệu đồng/lần như chủ thẻ của chính ngân hàng.

Do vậy, cách tốt nhất các ngân hàng nên ngồi lại đàm phán với nhau để có thể ấn định mức phí hợp lý nhất trên cơ sở tính toán hết các khoản chi phí và vì lợi ích của người tiêu dùng.

Ông Từ Tiến Phát (phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB): Khó nói phí cao, phí thấp

Ông Từ Tiến Phát (phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB)Rất khó nói mức phí mà ngân hàng thu hiện nay cao hay thấp mà vấn đề là mức phí có tương xứng với dịch vụ hay không, vì có những ngân hàng thu phí cao nhưng khách hàng vẫn chấp nhận.
Ông Từ Tiến Phát (phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB)

Thời gian qua biểu phí ATM nhìn chung khá ổn định.

Về cơ cấu các loại phí thì tùy theo chính sách của từng ngân hàng. Phổ biến ngân hàng thu phí rút tiền, chuyển khoản...

Còn phí quản lý tài khoản thì có ngân hàng quy định nếu chủ thẻ duy trì số dư dưới mức cho phép mới thu, phí thông báo số dư qua tin nhắn các ngân hàng thường thu dưới 10.000 đồng và mức này đang thấp hơn mức mà ngân hàng phải trả cho nhà mạng.

Chính sách phí của ngân hàng cũng tùy theo phân khúc khách hàng.

Rất khó nói mức phí mà ngân hàng thu hiện nay cao hay thấp mà vấn đề là mức phí có tương xứng với dịch vụ hay không, vì có những ngân hàng thu phí cao nhưng khách hàng vẫn chấp nhận.

Do cơ chế thị trường, khi ấn định mức phí ngân hàng phải có sự tính toán, cân nhắc và so sánh.

Khách hàng nói gì?

Anh Lê Trung Hiếu (Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội): Tôi rất băn khoăn

Việc tăng phí giao dịch ATM khiến tôi rất băn khoăn. Thật ra, nhiều khi tôi muốn thanh toán qua thẻ nhưng nhiều điểm mua hàng hóa dịch vụ chưa có máy chấp nhận trả qua thẻ.

Thậm chí có nơi lại còn thu phí 0,02% khoản tiền thanh toán. Do đó, mỗi tháng tôi rút tiền tại máy ATM khoảng 3 lần với mức phí trả khoảng 5.000-10.000 đồng/tháng. Trường hợp ngân hàng tăng phí rút tiền ATM, tôi sẽ cân nhắc số lần việc rút tiền qua ATM.

Tôi sẽ rút một lần luôn chứ không rút nhiều lần. Như vậy, ngân hàng không được tạm sử dụng số tiền mà tôi chưa rút ngay.

Nhiều người cộng lại thì số tiền để lại trong thẻ đâu có ít. Tôi nghĩ ngân hàng nên vì quyền lợi của chính mình và của khách hàng mà tính toán việc tăng chất lượng dịch vụ trước khi tăng phí. Tăng phí có thể lợi bất cập hại cho cả hai là ngân hàng và chủ thẻ.

Chị Thùy Dung (Q.Gò Vấp, TP.HCM):

Phí cao, tôi chỉ dám xài thẻ nội địa

Tôi chuyển tiền qua mạng với món tiền rất nhỏ, chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng mà ngân hàng vẫn thu phí chuyển khoản liên ngân hàng với mức 11.000 đồng.

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, việc thu phí chuyển khoản cao khiến người tiêu dùng như tôi phải cân nhắc.

Hiện tôi chỉ dám xài thẻ ATM là thẻ cơ quan trả lương nhưng tính ra khá nhiều khoản phí như phí quản lý tài khoản, phí thông báo số dư qua tin nhắn 8.800 đồng/tháng, rồi chủ thẻ phải duy trì số tiền 50.000 đồng trong tài khoản.

ATM gần cơ quan tôi sau giờ làm luôn trong tình trạng xếp hàng chờ, do vậy tôi thường rút tại máy ATM của ngân hàng khác.

Nếu phí rút tiền ngoại mạng tăng thì nên có quy định ngân hàng phát hành thẻ phải bù đắp khoản phí này, còn chủ thẻ chỉ trả mức phí như cũ, chứ nếu không sẽ rất khó cho chủ thẻ.

Ông Nguyễn Toàn Thắng (nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN):

Thu theo lũy tiến tiền rút trong tháng

Ông Nguyễn Ái Dân (chuyên gia ngân hàng)
Ông Nguyễn Toàn Thắng (chuyên gia ngân hàng)

Xu hướng ngân hàng rất muốn tăng giá trị dịch vụ cho khách hàng, muốn vậy phải tăng phí dịch vụ.

Mức thu hiện nay là 1.100 đồng/giao dịch nội mạng và 3.300 đồng/lần rút tiền ngoại mạng đâu có lớn đối với khách hàng có thu nhập cao, nhưng lại là vấn đề của khách hàng có thu nhập thấp, với người về hưu, học sinh sinh viên.

Trong khi đó, để duy trì dịch vụ ATM, ngân hàng phải chi phí đầu tư máy móc thiết bị rất lớn, chi cho nhân công tiếp quỹ, bảo trì bảo dưỡng máy móc...

Với mức phí hiện nay, ngân hàng vẫn chưa thu được gì. Khách hàng nên ủng hộ thu phí, còn mức thu sẽ tăng thêm bao nhiêu ngân hàng cần cân nhắc thận trọng.

Để hài hòa quyền lợi của khách hàng với ngân hàng và hướng tới định hướng lâu dài là giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, cần phân loại hạn mức rút tiền để tính phí theo biểu lũy tiến.

Theo đó, có thể ngân hàng quy định trong một tháng, khách hàng chi tiêu 8 triệu đồng chẳng hạn thì thu phí nhất định.

Nhưng nếu rút trên 8 triệu đến 20 triệu thì mức phí khác và trên 20 triệu đồng thì mức thu phí sẽ được tăng lên. Từ đó dần dần, chủ thẻ sẽ không rút tiền mặt để thanh toán qua ngân hàng, thanh toán qua thẻ...

Cách làm này không ảnh hưởng đến đối tượng là công nhân, thu nhập thấp, học sinh sinh viên hay người về hưu.

ÁNH HỒNG - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên