11/06/2017 10:10 GMT+7

Tàu vỏ thép nằm bờ: Đưa 200 triệu, cấm khiếu nại

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Liên quan đến nghi vấn nhà máy đóng tàu “đi đêm” với chủ tàu vỏ thép yêu cầu rút đơn khiếu nại và từ chối thẩm định độc lập, Tuổi Trẻ đã tìm được chứng cứ cho thấy phản ảnh của ngư dân là có cơ sở.

Tổ thẩm định độc lập kiểm tra máy tàu vỏ thép của ngư dân do Công ty Nam Triệu đóng - Ảnh: D.Thanh
Tổ thẩm định độc lập kiểm tra máy tàu vỏ thép của ngư dân do Công ty Nam Triệu đóng - Ảnh: D.Thanh

Đó là văn bản thỏa thuận và cam kết mà Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (thuộc Bộ Công an, gọi tắt là Công ty Nam Triệu) soạn sẵn và đề nghị chủ tàu ký để nhận một khoản tiền khắc phục hậu quả với điều kiện không khiếu nại và “im lặng” với truyền thông.

Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) cũng tiếp xúc với 5 chủ tàu vỏ thép ở Bình Định đề nghị tặng 130 triệu đồng để mua lấy sự im lặng của họ.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin

Sáng 10-6, ông Đinh Công Khánh, chủ tàu vỏ thép BĐ 99086 TS ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), cung cấp cho Tuổi Trẻ “văn bản thỏa thuận và cam kết” mà ông nói do Công ty Nam Triệu tự soạn thảo, thuyết phục ông ký để im lặng, không khiếu nại, từ chối thẩm định tàu hỏng.

Văn bản này được lập vào ngày 3-6 (trước thời điểm tổ thẩm định độc lập tiến hành kiểm tra các tàu), gồm bên A là Công ty Nam Triệu do ông Bùi Hữu Hùng - phó tổng giám đốc - làm đại diện, bên B là Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (đơn vị cấp máy để lắp vào tàu vỏ thép) do ông Lê Hoàng Phong - giám đốc - làm đại diện, còn bên C là ông Đinh Công Khánh.

Nội dung thỏa thuận là bên A và bên B cùng liên đới chấp nhận khắc phục thiệt hại cho bên C liên quan đến hợp đồng đóng tàu mà các bên đã ký kết và bàn giao đưa vào hoạt động với mức 200 triệu đồng, trong đó Công ty Nam Triệu 150 triệu đồng và Công ty Hoàng Gia Phát 50 triệu đồng.

Để nhận số tiền trên, bên C phải thực hiện điều kiện “rút xong toàn bộ nội dung kiến nghị vào ngày 5-6-2017 tại Sở NN&PTNT Bình Định và các cơ quan liên quan”, tiền sẽ được bên A và bên B giao vào ngày 6-6.

Văn bản còn nêu: “Sau khi bên C nhận đủ tiền sẽ không có khiếu nại, khiếu kiện gì đối với bên A và bên B, tự nguyện xin rút toàn bộ nội dung đơn kiến nghị liên quan mà bên C đã gởi đến công ty và các cơ quan có liên quan. Bên C cam kết không khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền và tuyệt đối không cung cấp các thông tin tài liệu liên quan cho các cơ quan truyền thông”.

Sáng 10-6, Tuổi Trẻ liên hệ với ông Bùi Hữu Hùng để trao đổi về nghi vấn mà ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho rằng có thể có sự “đi đêm” giữa nhà máy và ngư dân để sau đó có tám chủ tàu làm đơn rút khiếu nại.

Ông Hùng nói: “Chúng tôi thấy tàu của ngư dân hỏng, thời gian nằm bờ dài, sửa chữa lâu nên công ty hỗ trợ. Ngư dân thiệt hại thực tế thì hỗ trợ thế thôi chứ không 'đi đêm' gì đâu”.

Văn bản thỏa thuận và cam kết với ngư dân - Ảnh: T.T.D.
Văn bản thỏa thuận và cam kết với ngư dân - Ảnh: T.T.D.


Cho thêm 130 triệu để mua im lặng

Không chỉ Công ty Nam Triệu, ngư dân cũng “tố” Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thực hiện “chiêu” dùng tiền để mua im lặng, nhưng bất thành.

Ông Nguyễn Văn Lý, chủ tàu BĐ 99004 TS ở xã Mỹ Đức (Phù Mỹ, Bình Định), cho biết lãnh đạo Công ty Đại Nguyên Dương đã mời 5 chủ tàu vỏ thép hỏng do công ty này đóng đến TP Quy Nhơn, hứa đưa tiền để thuyết phục họ rút khiếu nại với các cơ quan chức năng.

“Họ nói với anh em tụi tui là sơn lại tàu với giá 270 triệu đồng, nhưng họ cho thêm để đủ 400 triệu đồng, tụi tui tự sửa chữa và từ nay về sau không khiếu nại gì. Tàu tôi giá hơn 15 tỉ đồng, mới đem về có ba tháng mà vỏ thép đã gỉ như 10 năm, hư tràn lan, đưa mấy trăm triệu bảo đừng khiếu nại sao được” - ông Lý bày tỏ.

Không chỉ ông Lý, cả 4 chủ tàu còn lại cũng không chấp nhận đề nghị của Công ty Đại Nguyên Dương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Nguyên - giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương - nói đúng ra số tiền sơn lại vỏ tàu của các ngư dân Bình Định chưa đến 270 triệu đồng, nhưng do kế toán ông tính có “du di” nên mới tăng đến con số này.

“Còn số tiền 130 triệu đồng là hỗ trợ để ngư dân đưa tàu đi sửa chữa, ăn ở trong thời gian sửa tàu” - ông Nguyên nói.

Ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định - nói rằng việc các ngư dân xin rút đơn khiếu nại và từ chối thẩm định tàu hỏng là “rất bất ngờ”.

Vì sao ngư dân lại rút khiếu nại và xin không thẩm định tàu hỏng? Có hay không sự tác động của nhà máy đóng tàu? Những vấn đề này chỉ có cơ quan điều tra mới làm được.

Trong khi đó, ông Trần Châu cho hay đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc thu thập thông tin có hay không việc “đi đêm” này để phục vụ việc xử lý về sau.

Cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm trong vụ tàu cá hỏng

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-6, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho hay tổng cộng số tàu có trục trặc cho đến nay là 21 chiếc, trong đó có 19 của Bình Định và 2 của Phú Yên.

Theo ông Oai, toàn bộ tàu vỏ thép trong chương trình (xấp xỉ 300 tàu) là do Trung tâm đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản thực hiện đăng kiểm, cấp sổ đăng kiểm để tàu vận hành trên biển.

Về trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm của tổng cục, một quan chức có trách nhiệm của tổng cục này cho rằng trung tâm có liên quan đến việc tàu cá vừa đưa vào sử dụng đã hỏng, nhưng mức độ liên quan còn phải chờ tổ kiểm tra nguyên nhân hư hỏng xem xét.

L.ANH

Thay thế toàn bộ máy chính

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-6, đại tá Đặng Ngọc Oanh, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, xác nhận sau khi người của hãng máy đến kiểm tra đã xác định 8 máy lắp đặt trên tàu cá do công ty này đóng là không đúng chủng loại, không phải chính hãng Mitsubishi.

Theo ông Oanh, Công ty Hoàng Gia Phát (đơn vị ký hợp đồng cung cấp máy cho Công ty Nam Triệu) đã ký cam kết chịu trách nhiệm thay lại toàn bộ máy tàu thủy mới, chính hãng Mitsubishi cho các tàu do Công ty Nam Triệu thi công trong thời gian từ 1 đến 3 tháng.

TIẾN THẮNG

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên