10/01/2017 08:53 GMT+7

Thời tiết kỳ lạ, hoa tết mang họa

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Thay vì diễn ra vào giữa tháng 1-2017 như kế hoạch, Lễ hội hoa anh đào lần thứ 1 tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ được dời sang giữa tháng 2 bởi phần lớn hoa anh đào chậm nở hơn mọi năm do thời tiết thất thường.

Hàng cây hoa anh đào chiều 8-1 bên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt mới vừa thay lá, dự đoán phải đến tháng 2 mới ra hoa - Ảnh: CHÂU ANH

Theo Ban quản lý khu du lịch hồ Tuyền Lâm - đơn vị được giao tổ chức lễ hội hoa anh đào, mùa mưa năm nay ở Đà Lạt chấm dứt chậm hơn một tháng nên hoa anh đào rụng lá muộn, không kịp trổ bông đúng như tính toán.

Tuy nhiên không riêng gì hoa anh đào, nhiều loại hoa tết khác tại Lâm Đồng cũng như ở hàng loạt địa phương năm nay bị thất bại nặng do mưa lũ kéo dài và thời tiết nắng nóng thất thường.

Nhà vườn Đà Lạt lo vỡ hợp đồng

Nhiều chủ nông trại hoa tại Đà Lạt cho biết mọi tính toán về vụ hoa tết năm nay đều bị đảo lộn, không biết lúc nào hoa sẽ nở để chào bán với thương lái và các chợ đầu mối do thời tiết thất thường. Những nhà vườn có hợp đồng bán hoa thường niên với các nhà phân phối tại các tỉnh đang như ngồi trên lửa vì sợ vỡ hợp đồng.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết vườn hoa tại các làng hoa lớn của Đà Lạt như Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông, Trại Mát... đều bị nở không đồng đều. Trong khi hoa cúc, layơn đã bung nụ và có khả năng nở sớm, những loại hoa như địa lan, cẩm tú cầu, thu hải đường... lại chậm nở.

Thậm chí có những vườn xuống giống cùng thời điểm, cùng chủng loại nhưng có cụm hoa đã nở phải cắt bán sớm, có cụm nụ hoa chưa kịp hé. Chỉ cho chúng tôi xem vườn hoa cúc đại đóa đang được cắt nham nhở, ông Trần Văn Sang (làng hoa Hà Đông) cho biết lẽ ra hoa được cắt một lượt bán cho đầu mối nhưng hiện phải cắt lắt nhắt, tốn rất nhiều công.

“Không biết năm nay ông trời hành kiểu gì nữa. Tìm đủ mọi cách canh cho hoa nở đúng vụ tết mà chẳng ra gì hết” - ông Sang nói.

Trong vai người đi mua hoa đến làng hoa Thái Phiên đặt mua hoa cúc chuyển đi các tỉnh miền Trung, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu của nhà vườn.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng (làng hoa Thái Phiên), “nếu mua hoa bán... rằm tháng giêng may ra mới có hàng” bởi những vườn nào có hoa chớm nụ kịp bung vào dịp tết đã được các thương lái tranh mua trước đó.

Ông Trần Hữu Lan (chợ hoa Bình Đình) cho biết đã phải ở dầm tại Đà Lạt cả tuần, trả giá tại vườn cao hơn 40% so với năm ngoái, nhưng nhờ là mối lái nhiều năm mới mua được khoảng 2ha hoa ly bán tết.

“Những năm trước, tui chỉ ở nhà cũng nhận được hàng trăm cuộc điện thoại nhờ ký gửi hoa, hẹn qua tết thanh toán cũng được, nhưng năm nay phải trả tiền trước mới hi vọng lấy được hàng bởi số lượng hoa nở đúng dịp tết rất ít” - ông Lan nói.

Theo ông Phan Thanh Sang - phó chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, mỗi năm Đà Lạt cung cấp cho thị trường cả nước khoảng 400.000 cành địa lan các loại - loại hoa có giá cao hàng đầu tại Đà Lạt, nhưng năm nay hầu hết các vườn địa lan đều bị chậm nở, rất ít vườn địa lan nở đúng dịp tết.

“Với tình hình này, nhiều khả năng khách chỉ có thể mua hoa lan để... chơi xuân chứ không kịp chưng tết” - ông Sang cho biết.

Nhiều nhà vườn lớn tại TP Đà Lạt, do đã ký hợp đồng cung cấp địa lan dịp tết với khách hàng trước đó, hiện đang tìm đến các hộ trồng địa lan nhỏ lẻ tại huyện Đức Trọng để săn hàng, tránh nguy cơ bị vỡ hợp đồng.

Hoa chậu Đà Lạt được canh tác trong nhà kính đến thời điểm này cũng không kịp hé nụ. Loại hoa không hé nụ thời điểm này chỉ có thể bán vào dịp rằm tháng giêng - Ảnh: MAI VINH

Vựa hoa miền Tây: sau tết hoa mới nở!

Dù chợ hoa xuân sắp khai mạc, nhưng hàng ngàn nông dân ở các làng hoa nổi tiếng vùng ĐBSCL cũng đang đứng ngồi không yên vì hoa... không chịu nở.

Ông Trần Văn Tiếp (xã Tân Khánh Trung, TP Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết vừa đổ bỏ 1.000 chậu hoa thủy tinh, 2.000 chậu hoa lyly và hơn 1.000 chậu hoa cát tường, cúc mâm xôi.

“Trồng hoa 40 năm rồi nhưng chưa bao giờ tui thấy thời tiết kỳ lạ như năm nay. Từ khi trồng tới khi hoa bắt đầu cho bông bị mưa liên tục, khiến cây hoa không phát triển được hoặc bị thối bông. Vụ hoa tết năm nay tui mất trắng cả tỉ đồng. Giờ còn mấy trăm chậu, ráng gỡ gạc đồng nào hay đồng nấy” - ông Tiếp cho biết.

Nhiều hộ trồng hoa tết tại “TP hoa Sa Đéc” cũng rơi vào cảnh tương tự, phải đổ bỏ hoặc “bó tay” nhìn hoa không chịu nở kịp tết.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - phó Phòng kinh tế TP Sa Đéc - cho biết tổng diện tích hoa tết trên địa bàn năm nay khoảng 100ha với hơn 2 triệu giỏ hoa các loại, nhưng khoảng 30% lượng hoa bị thiệt hại nặng và khoảng 40% nở chậm, không kịp tết.

“Năm nay hoa tết tăng giá khoảng 50% trở lên so với năm rồi do khan hiếm. Hoa ra chợ cũng không đẹp bằng năm rồi” - ông Hùng nói.

Tại xứ hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre), nông dân cũng khóc ròng vì chưa tết mà mai đã nở bung hết, trong khi hoa tết không chịu nở.

Ông Bùi Thanh Liêm - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách - cho biết 30-40% lượng hoa tết trên địa bàn (4-5 triệu giỏ hoa các loại, nhiều nhất là các loại hoa treo) bị nở trễ do mưa nhiều làm độ ẩm tăng, cây hoa bị “sượng”, không phát triển được.

“Toàn bộ hoa tết đã được thương lái đặt tiền cọc nhưng với điều kiện chỉ lấy hoa nở đúng tết, giỏ nào nở trễ sẽ... bỏ lại. Do đó, nông dân đang tìm mọi cách thúc hoa nở càng sớm càng tốt nếu không muốn thất bại mùa hoa tết” - ông Liêm cho biết.

Tương tự tại làng hoa Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), nhiều nông dân trồng hoa cúc, vạn thọ, cát tường và các loại hoa treo cũng đang đau đầu trước nguy cơ mất ăn tết do hoa chậm nở.

Theo ông Đinh Ngọc Tùng - trưởng Phòng kinh tế TP Mỹ Tho, do thời tiết năm nay quá thất thường, ngay cả những người có kinh nghiệm trồng hoa hàng chục năm cũng vất vả đối phó với mưa dầm kéo dài hồi cuối năm 2016.

“Chúng tôi vẫn chưa nắm được số liệu hoa nở trễ là bao nhiêu do nông dân tập trung chăm sóc, xử lý để cứu vãn tình hình, nhưng có một điều chắc chắn là chất lượng hoa năm nay không bằng năm trước mà giá có thể cao hơn do sản lượng hoa nở đúng tết giảm mạnh” - ông Tùng khẳng định.

Trưa 9-1, anh Trần Hoàng Cường (chủ vườn mai tại phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) lặt bỏ những bông mai bị nở sớm. Những cây mai này sẽ không bán được trong dịp tết này mà phải chờ sang ...năm - Ảnh: Quang Định

Mai vàng miền Trung: hẹn mùa tết năm sau!

Những ngày gần đây, dọc quốc lộ 1 đoạn qua hai xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) và Phước Hưng (huyện Tuy Phước) - “thủ phủ mai” Bình Định, các nhà vườn đã dựng lán trại để trưng bày mai cảnh bán tết. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn cho biết mùa mai năm nay thất bại nặng do ảnh hưởng bởi các đợt lũ kéo dài trước đó.

Theo ông Nguyễn Sơn Kề (xã Nhơn An, huyện Tuy Phước) - chủ vườn mai kiểng với hơn 2.000 chậu mai 3-5 năm tuổi, vào thời điểm này mọi năm vườn mai của gia đình ông đã bán hết cho thương lái. Thế nhưng đến nay ông chỉ mới bán được 70 chậu, số mai còn lại có thể bán được chỉ khoảng 100 chậu.

“Do bị ngâm quá lâu trong nước lũ, nhiều cây mai bị rụng búp non mới nhú, một số khác lại “điếc” không ra hoa. Từ sáng đến giờ có bốn thương lái đến xem rồi cũng bỏ đi do số chậu mai đủ điều kiện chưng tết không còn bao nhiêu” - ông Kề cho biết.

Trong khi đó, theo anh Đỗ Công Giảng - chủ vườn mai gần 3.000 chậu, do sợ mai “điếc” vì bị ngâm trong nước lũ nên từ ngày 20-11 âm lịch (thay vì 28-11 như mọi năm) anh đã cho lặt lá 300 gốc mai để bán cho thương lái phía Bắc vào đặt mua.

“Không dè sau lũ trời ấm quá, số mai này nở bung làm tôi “vỡ” hợp đồng, thất thu ít nhất 150 triệu đồng” - anh Giảng nói.

Ông Đặng Văn Đi, chuyên mua mai của nhà vườn để cung cấp cho các bạn hàng từ Hà Nội và TP.HCM, cho biết đến thời điểm này vẫn chưa dám nhận lời với các bạn hàng.

“Thời tiết bây giờ quá khác, không biết đâu mà lần. Những cây mai đang ra búp có thể nở bung trong 1-2 ngày nếu trời nắng ấm, trong khi với mai có búp mới nhú cũng nhiều nguy cơ bị “điếc” nếu tiết trời lạnh trở lại” - ông Đi nói.

Nhiều nhà vườn trồng mai tại Quảng Ngãi cũng cho biết khoảng 80% số mai không nở đúng tết. Tại xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa) - vựa mai lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, phần lớn các vườn mai thậm chí chưa kịp chớm nụ để cho hoa.

Theo ông Mai Văn Từ (xã Nghĩa Hiệp), mưa lớn kéo dài cộng với nhiều trận lũ đã làm mai bị “điếc nụ”. “Một số thương lái đến xem mai rồi bỏ đi ngay, vì mai đâu có nụ hay nở đúng tết đâu mà mua bán” - ông Từ nói.

Một số chủ vườn chấp nhận thua lỗ, cắt cành, cấy ghép tạo thế cho cây chờ tết năm sau. Chỉ cho chúng tôi xem vườn mai với hơn 200 chậu mai còn trơ cành, ông Phạm Văn Phổ (xã Nghĩa Hiệp) nói: “Tết tư gì nữa, cắt bỏ cành, ghép lại chờ tết năm sau thôi, thời tiết thế này có khi hết tháng giêng còn chưa kịp có bông”.

Phú Yên: mất mùa hoa tết do lũ

Nhiều nhà vườn trồng hoa, cây cảnh ngoại ô TP Tuy Hòa - vựa hoa, cây cảnh lớn nhất Phú Yên - cũng đang đứng ngồi không yên vì mai rất ít nụ.

Ông Năm Hợi (xã Bình Kiến) - chủ vườn mai hơn 1.000 chậu - cho biết thời tiết những tháng cuối năm mưa nhiều và kéo dài, cây bị “no” nước nên mai có nhiều nụ đen và khô, dễ bị rụng và khó nở nếu thời tiết trở lạnh.

“Mai thưa nụ nên bị các thương lái chê, xem xong rồi bỏ đi. Giờ này mọi năm tui đã bán được cả trăm chậu mai, nhưng năm nay vẫn chưa bán được chậu nào” - ông Hợi lo lắng.

Trong khi đó, vào các đợt mưa lũ cuối năm vừa qua, vùng trồng hoa layơn rộng hàng chục hecta ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) bị chìm trong nước, gốc hoa bị xói lở, trơ củ trên ruộng.

Theo ông Lê Văn Phiện - phó chủ tịch UBND xã Bình Ngọc, trong hơn 42ha cây trồng trên địa bàn bị ngập trong đợt lũ vừa qua có 30ha hoa layơn, thiệt hại ước tính khoảng 5 tỉ đồng.

Khánh Hòa: lo vốn cho vụ hoa tết năm sau

Phần lớn diện tích trồng hoa tết tại phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) và huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cũng bị mất trắng sau các đợt lũ lớn vào cuối năm 2016.

Ông Trần Minh Tự, người trồng hoa lâu năm tại Ninh Giang, cho biết hơn 50% trong số 2.000 chậu hoa tết của gia đình ông đã bị cuốn trôi trong đợt lũ vừa qua, số còn lại cũng bị úng ngập nên hư lá chân, nụ không nở.

Theo ông Huỳnh Chiếm Đạt - phó chủ tịch UBND phường Ninh Giang, phường đã gửi văn bản xin hỗ trợ đất tái sản xuất cho bà con trồng hoa để sớm có đất làm vụ hoa mới.

Ông Hồ Ngọc Tường (Cam Lâm) cho biết gia đình ông cũng bị thiệt hại khoảng 300 triệu đồng do hơn 3.000 chậu hoa cúc đều bị hư hại sau đợt lũ.

“Mùa hoa tết năm nay, gia đình tôi hoàn toàn mất trắng, hoa không có để bán. Thấy giá hoa tăng mạnh mà tiếc đứt ruột” - ông Tường nói.

Quảng Nam: chất lượng hoa kém

Nhiều nhà vườn trồng quất bán tết tại Hội An cho biết vào thời điểm này mọi năm nhà vườn đã bán hết quất cho thương lái, nhưng năm nay nhiều hộ vẫn còn tồn đọng cả nửa vườn.

Chỉ tay vào vườn quất với hàng trăm gốc, ông Nguyễn Văn Liêm (nhà vườn phường Thanh Hà) cho biết mọi năm số quất này chủ yếu được đưa đi tiêu thụ tại Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và Quảng Ngãi..., nhưng năm nay một số khách sỉ báo hủy đơn hàng dù giá bán đã thấp hơn năm ngoái.

Theo bà Nguyễn Thị Vân - trưởng Phòng kinh tế TP Hội An, do mưa lũ kéo dài, quất không đẹp bằng các năm, trái xanh và nhỏ hơn. Trong khi đó, các loại hoa khác như mai, cúc, mãn đình hồng, thược dược cũng có nguy cơ nở không đúng dịp tết, từ nay đến tết nếu không có nắng là không nở nụ.

Huế: không có hoa để bán

Nhiều nhà vườn tại các địa bàn chuyên trồng hoa như xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền)... cho biết hầu như không có hoa để bán bởi mưa lạnh, phần lớn các loại hoa cúc, hoa layơn... đều chết sạch.

Ông Dương Quang (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) cho biết hơn 2/3 trong số 9.000 cây hoa cúc vàng của gia đình ông đã bị thối rễ và chết sau đợt mưa kéo dài cuối năm rồi.

“Cùng thời điểm này năm ngoái, rất đông thương lái từ khắp nơi đổ về cánh đồng trồng hoa này xem và đặt cọc mua hoa bán tết. Nhưng hiện nay thi thoảng chỉ có vài người đến xem hoa. Thấy cúc chết gần hết, chỉ còn lèo tèo vài cây còi cọc nên họ cũng bỏ đi hết, không đặt cọc luôn” - ông Quang cho biết.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên