30/09/2016 08:48 GMT+7

Du lịch Phú Quốc cần một “tư duy xanh”!

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TTO - Tại hội thảo “Quy chuẩn và giải pháp phát triển du lịch xanh cho Phú Quốc” diễn ra tại Phú Quốc ngày 29-9, nhiều chuyên gia cho rằng cần một “tư duy xanh” trong phát triển du lịch Phú Quốc.

Người dân Phú Quốc hưởng ứng chiến dịch Du lịch xanh Phú Quốc 2016 tại thị trấn Dương Đông ngày 5-8 - Ảnh: H.TRUNG
Người dân Phú Quốc hưởng ứng chiến dịch Du lịch xanh Phú Quốc 2016 tại thị trấn Dương Đông ngày 5-8 - Ảnh: H.TRUNG

Hội thảo do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức, với sự đồng hành của Vinpearl Phú Quốc, thuộc khuôn khổ chương trình “Du lịch xanh - Phú Quốc, Kiên Giang”, nhằm tìm giải pháp phát triển du lịch bền vững cho huyện đảo Phú Quốc.

Bảo vệ môi trường phải đặt lên hàng đầu

Liên hệ với câu chuyện “du lịch khát nước sạch” trên báo Tuổi Trẻ số ra cùng ngày, PGS.TS Phạm Trung Lương (Viện Môi trường và phát triển bền vững) cho rằng đây là một nỗi lo có thật, bởi năng lực cấp nước quyết định đến khả năng tiếp nhận khách du lịch của các hòn đảo.

Trong thực tế, dù Phú Quốc có thể tiếp đón 7-8 triệu lượt khách/năm, nhưng khả năng cung cấp nước không thể đáp ứng nhu cầu của một lượng khách lớn như vậy.

Kinh nghiệm cho thấy nhu cầu sử dụng nước cho khách du lịch cao cấp khoảng 350-500 lít/người/ngày, cao hơn nhiều lần định mức nước sinh hoạt chung của người dân (120 lít/người/ngày).

Do đó, ngay cả khi năm hồ chứa tại năm nhà máy cấp nước trên địa bàn được xây dựng và hoạt động đúng công suất quy hoạch cũng chỉ có thể cung cấp đủ cho người dân tại chỗ và khoảng 2-3 triệu khách du lịch/năm.

“Nếu chúng ta chạy theo số lượng sẽ dẫn tới quá tải, phá vỡ sự cân bằng tự nhiên thì sẽ mất tất cả. Nếu muốn Phú Quốc đón được khách nhiều hơn, cần phải tính tới phương án dẫn nguồn nước từ đất liền” - ông Lương nói.

Ngoài chuyện nước ngọt, theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển), chuyện môi trường, rác thải... cũng là những vấn đề mang tính sống còn của Phú Quốc.

“Môi trường cần được xem là “chất xúc tác” để phát triển du lịch xanh nói riêng và kinh tế xanh nói chung ở Phú Quốc. Nó vừa đóng vai trò đầu vào cho các kế hoạch phát triển du lịch trong từng giai đoạn, vừa là đầu ra của chính các hoạt động du lịch. Cho nên, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường ở Phú Quốc phải ưu tiên hàng đầu và cần coi môi trường là một thành tố không tách rời của các hoạt động phát triển trên đảo và dưới biển” - ông Hồi nói.

Cần có “chiến lược xanh”

Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Khoa Toàn - chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho biết trong hơn 1.900 tỉ đồng tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm của huyện có đóng góp rất lớn của ngành du lịch. Tuy nhiên, theo ông Toàn, các vấn đề về môi trường như xử lý rác thải, nước thải và khả năng cung cấp nước sạch đang là những thách thức của địa phương trong nhiều năm tới.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, cơ quan chức năng cần rà soát chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch của Phú Quốc dựa trên các “yếu tố xanh” và “tiêu chí xanh” phù hợp, có tính đến các kịch bản rủi ro do tự nhiên và dân sinh.

“Muốn làm được điều này, các nhà quản lý cần phải có một “tư duy xanh” với một tầm nhìn tổng thể để từ đó xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển cho Phú Quốc đúng định hướng là du lịch xanh” - ông Hồi đề nghị.

Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang cần tăng cường tính liên ngành trong phát triển và quản lý du lịch Phú Quốc vì lợi ích chung và lâu dài thông qua các công cụ chính sách, quy hoạch lồng ghép; phối hợp thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên trên đảo, dưới biển để bảo toàn chức năng sinh thái và vốn tự nhiên cho phát triển du lịch Phú Quốc bền vững.

PGS.TS Phạm Trung Lương cũng kiến nghị khẩn trương đánh giá trữ lượng nguồn nước trên đảo (cả nước mặt và nước ngầm) để có kế hoạch sử dụng hiệu quả, nhất là trong mùa khô - mùa cao điểm khách du lịch. Trước mắt phải ưu tiên đầu tư cho được các nhà máy xử lý rác thải, nước thải với công nghệ hiện đại và tiến tới phân loại rác tại nguồn.

Trong khi đó, ông Rohan Barker - tổng giám đốc Công ty Phú Quốc Visit - cho rằng mục tiêu phát triển du lịch xanh tại Phú Quốc sẽ không thể đạt đến đích nếu cộng đồng doanh nghiệp, người dân, du khách không nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

“Phải sử dụng công cụ pháp lý để cảnh cáo kịp thời những hành vi vi phạm. Khi có người bị phạt, người khác sẽ không dám vi phạm” - ông Rohan Barker đề nghị.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Văn Huỳnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - khẳng định UBND tỉnh Kiên Giang sẽ tạo điều kiện tốt nhất để huy động các nguồn lực đầu tư cấp nước, xử lý rác thải và nước thải cho Phú Quốc.

Đặc biệt, ông Huỳnh đặt hàng ban tổ chức Du lịch xanh Phú Quốc 2016 giải pháp tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư và du khách đến Phú Quốc để tạo nền vững chắc cho mục tiêu xây dựng một Phú Quốc xanh, sạch, đẹp.

Ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đồng trưởng ban tổ chức - cho biết tiếp nối hội thảo này, chương trình sẽ có nhiều hoạt động khác hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể như cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, du khách với nhiều hình thức khác nhau nhằm hướng tới một nhận thức chung, hành động chung giúp du lịch Phú Quốc phát triển.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên