07/09/2016 09:11 GMT+7

Dự án khu luyện thép Cà Ná: “Dư luận ném đá do đố kỵ” (!?)

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra sáng 6-9, các tờ trình của HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) liên quan dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận đều được cổ đông thông qua.

Ông Lê Phước Vũ (bìa phải), chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, trao đổi với các cổ đông tại đại hội cổ đông bất thường sáng 6-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH 

Cũng tại đại hội, ông Lê Phước Vũ - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen - lên tiếng trấn an các cổ đông về dư luận liên quan đến dự án này khi cho rằng “những gì dư luận thể hiện trong thời gian này có không ít trong đó chỉ muốn ném đá, thọc gậy bánh xe, đố kỵ với HSG”.

Cuối năm 2017 sẽ có thép bán?

Trả lời ý kiến băn khoăn của cổ đông về việc sử dụng công nghệ gì cho dự án, ông Vũ nói: “Đừng thấy Formosa mà sợ. HSG sử dụng công nghệ luyện cốc nhưng không thu hồi hóa chất, mà thu hồi nhiệt để làm phát điện, chắc chắn không xảy ra sự cố như Formosa”. Còn về thiết bị, đề cập đến khả năng lựa chọn giữa châu Âu hay Trung Quốc, ông Vũ nói “trả lời sau”.

Tuy nhiên, ông Vũ cũng khẳng định các tổ hợp thép của Ấn Độ, Brazil, Mỹ, Mexico, Đức, Nhật... đều đặt xưởng chế tạo thiết bị của Trung Quốc. Nên có ký (thiết bị - PV) của châu Âu hay Trung Quốc thì cũng từ Trung Quốc mà ra.

“80-90% dự án thép đều như thế cả, trong khi Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. Nếu muốn thiết bị phải chế tạo từ châu Âu thì thôi, đừng làm khỏe hơn. Làm lỗ chết! Làm gì có lời để cạnh tranh” - ông Vũ nói, dù theo thừa nhận của ông Vũ với cổ đông, “công nghệ châu Âu và Mỹ làm thép là tốt nhất thế giới”.

Mặc dù tuyên bố “khi nào Chính phủ cho làm, tỉnh Ninh Thuận cho làm thì chúng ta làm”, nhưng ông Vũ cũng khẳng định “cuối năm 2017 sẽ có thép bán. Chúng tôi đang yêu cầu tỉnh Ninh Thuận khẩn trương đền bù, giải tỏa mặt bằng”.

Tiếp tục khẳng định dự án là mục tiêu chiến lược, hướng tới mục tiêu là doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu trong thời gian tới, ông Vũ một lần nữa nhấn mạnh “vị trí đặt dự án được đánh giá là tốt nhất để làm thép trên thế giới hiện nay”, đồng thời khuyên nhà đầu tư “nên nhìn xa trông rộng về những ưu điểm, thuận lợi mà dự án có thể mang lại trong tương lai”.

Theo ông Vũ, nếu nhìn thấy Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát - PV) quý vừa rồi lời đến 2.000 tỉ đồng từ thép mang lại thì “ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư” (!).

Có thể lọc nước biển để... luyện thép?

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư, ông Vũ nói “đừng lo vì tôi lo hết rồi”. Trước mắt, 500 triệu USD đầu tư cho phân kỳ I.1, ông Vũ thông tin “đã được VietinBank ký thỏa thuận cam kết tài trợ vốn, nên HSG sẽ không tính đến chuyện phát hành cổ phiếu để huy động vốn”.

Với các giai đoạn tiếp theo có thể lựa chọn các phương thức huy động vốn khác nhau “nhưng sẽ xin ý kiến cổ đông”, đồng thời cho biết “hiện đã có mười mấy ngân hàng cam kết tài trợ vốn cho công ty để làm dự án này”.

Cũng theo ông Vũ, trong vòng 10 năm nữa vốn điều lệ của HSG sẽ tăng lên 10.000 tỉ đồng, thậm chí 20.000 tỉ đồng “dễ như chơi vì uy tín của HSG có đầy. Chưa bao giờ HSG phải đi xin hạn mức vay cả”.

Trả lời về thắc mắc lấy nước ở đâu để luyện thép, ông Vũ nói: “Lấy nước biển làm chứ đâu, dù chi phí làm từ nước biển sẽ cao hơn một chút, trong khi nguồn nước từ đập Nha Trinh là thừa chứ có thiếu đâu (!?). Khi nào xài hết mà không đủ thì chấp nhận công đoạn cuối là lọc từ nước biển. Nên chuyện nước là không lo”.

Còn hiện tại, theo ông Vũ, “dự án đã được tỉnh kéo đường nước xuống tận nơi rồi”. Ban giám đốc HSG cũng cho cổ đông biết về việc dự án “đã được Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, phân phối thép giai đoạn 2020 - 2025”, được “Thủ tướng Chính phủ thị sát và có chỉ đạo chấp thuận về mặt chủ trương đầu tư ngày 27-8 tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận vừa qua”. 

Theo tờ trình được gửi đến cổ đông sáng 6-9, HĐQT HSG đề xuất cổ đông thông qua chủ trương triển khai đầu tư Tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, công suất 6 triệu tấn/năm. Tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017-2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm.

Đồng thời ủy quyền cho HĐQT quyết định về phân kỳ giai đoạn đầu tư, quy mô, vốn đầu tư cụ thể từng giai đoạn, thời điểm đầu tư, hình thức đầu tư. Lựa chọn công nghệ sản xuất và xử lý môi trường, đối tác, nhà cung ứng, đơn vị tư vấn, giám sát...

Cũng theo tờ trình, phân kỳ I.1 của dự án có vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, tương ứng khoảng 11.150 tỉ đồng. Và để vận hành dự án, ngoài 270 tỉ đồng vốn lưu động, HSG cần gần 2.430 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ngắn hạn, trong khi vốn tự có chiếm khoảng 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỉ đồng.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên