17/08/2016 00:15 GMT+7

Nội lực phải mạnh mới ra “biển lớn”

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH thực hiện
TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH thực hiện

TTO - Bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về sự lớn mạnh của Vinamilk hiện nay cũng như tham vọng đưa công ty vươn ra toàn cầu.

Bà Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Vinamilk - Ảnh: T.T.D

Sự phát triển của Công ty CP Sữa VN (Vinamilk) khiến nhiều người bất ngờ, không ít ý kiến cho rằng sự thành công này nhờ xuất phát điểm là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, Vinamilk được như hiện nay là do đã “thấu hiểu” khách hàng, đi lên từ nội lực và sáng tạo.

Bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về sự lớn mạnh của Vinamilk hiện nay cũng như tham vọng đưa công ty vươn ra toàn cầu, trở thành một trong 50 tập đoàn sữa lớn nhất thế giới trong vòng ba năm tới.

Bà Liên cho biết: Ngành sữa của VN còn rất non trẻ trong khi thế giới có hàng trăm năm trước. Do đó, Vinamilk vừa làm vừa học hỏi và tích lũy để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm. Và khi đã đủ điều kiện rồi mới tính đến chuyện đầu tư ra nước ngoài.

* Như bà khẳng định, có được sự phát triển lớn mạnh như ngày nay là do công ty đã “thấu hiểu” khách hàng. Sự “thấu hiểu” đó là gì, thưa bà?

- Những ngày đầu, việc chinh phục được người tiêu dùng trong nước là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, bởi chúng ta không có kinh nghiệm gì về sản xuất sữa. Những điều kiện để có thể phát triển ngành sữa VN (từ khí hậu, đầu vào nguyên liệu, đất đai...) lại không thuận lợi như các quốc gia khác.

Tôi còn nhớ nhà máy sản xuất sữa bột Dielac được khôi phục vào năm 1987 nhưng suốt nhiều năm sau đó vẫn chưa thuyết phục được người tiêu dùng nội địa, bởi sữa bột ngoại nhập với tuổi đời của thương hiệu hàng mấy trăm năm là sự bảo chứng đối với các bà mẹ Việt.

Tuy nhiên, tất cả đều thay đổi khi chúng tôi quyết tâm phải thực hiện cho được mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm. Không chỉ có trẻ em có sản phẩm riêng biệt, mà cả người bệnh, người già đều có các sản phẩm phù hợp.

Đặc biệt, mọi sản phẩm được Vinamilk sản xuất đều dựa trên các nghiên cứu quốc tế nhưng vẫn phù hợp với thể trạng người VN.

Chẳng hạn trước khi sản xuất dòng sữa bột dành cho trẻ em, chúng tôi đã hợp tác với Viện Dinh dưỡng quốc gia để thực hiện một nghiên cứu khoa học trên 50.000 trẻ em trong cả nước suốt năm năm. Thể trạng trẻ em ở mỗi quốc gia là khác nhau, chúng tôi phải biết thể trạng của trẻ em VN đang thiếu các vi chất gì để sản xuất sản phẩm phù hợp.

Không chỉ hợp khẩu vị mà còn đầy đủ chất dinh dưỡng như bao sản phẩm sữa ngoại nhập khác nhưng giá thành chỉ bằng 50%. Các bà mẹ nuôi con nhỏ ngày một tin dùng sản phẩm Vinamilk hơn khi thấy con mình khỏe mạnh, tăng cân đều đặn.

Và từ thị phần chưa tới 8%, đến nay dòng sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em của Vinamilk đã đạt mức hơn 40%. Đây chính là kết quả của việc “thấu hiểu” khách hàng, biết khách hàng cần gì và muốn gì, chứ không phải từ những lời nói suông là sẽ cải thiện thể trạng cho trẻ em Việt.

* Trong quá trình điều hành, có khi nào cá nhân bà hoặc lãnh đạo công ty đưa ra những quyết định mà đến nay bà cảm thấy hối tiếc khi nghĩ lại?

- Dù chưa từng có những quyết định sai lầm đến mức phải gọi là “trả giá xương máu” hoặc đến mức kéo doanh nghiệp đi xuống hay để lại những hậu quả nghiêm trọng, nhưng trong quá khứ chúng tôi đã chưa đúng khi đầu tư vào một số ngành hàng không có thế mạnh như bia, cà phê.

Khi chúng tôi rút lui, mọi người đều bảo với tôi là không sai. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi thấy có lẽ... hơi vội. Biết đâu trong 5-10 năm tới, Vinamilk sẽ quay trở lại, nếu nhìn thấy đó là các cơ hội mới. Vì xu hướng của các tập đoàn sản xuất thực phẩm đa quốc gia là không chỉ có sữa mà còn có nhiều sản phẩm khác nữa.

Còn tôi vẫn luôn nghĩ đến quyết định ngày xưa của mình như một sự nhắc nhớ về sự kiên trì, cũng như một bài học chưa bao giờ cũ: không nên vội vàng. Vì nếu mình kiên trì hơn một chút, biết đâu cũng sẽ thành công.

Công nhân bộ phận kiểm tra bao bì và đóng gói tại Nhà máy sữa Angkor Milk (Campuchia) vừa được Vinamilk đưa vào hoạt động cuối tháng 5-2016 - Ảnh: ÁNH HỒNG
Công nhân bộ phận kiểm tra bao bì và đóng gói tại Nhà máy sữa Angkor Milk (Campuchia) vừa được Vinamilk đưa vào hoạt động cuối tháng 5-2016 - Ảnh: ÁNH HỒNG

* Ngành sữa được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi TPP có hiệu lực vào năm 2018, bởi sữa nước ngoài sẽ ào ạt vào VN. Vinamilk đã có giải pháp gì để đối phó hay chưa?

Quy mô vốn tăng gấp 88 lần trong hơn 10 năm

Vào năm 1976, Vinamilk chỉ có hai nhà máy sản xuất sữa đặc với công nghệ lạc hậu cùng doanh số rất thấp. Khi thực hiện cổ phần hóa vào năm 2003, Vinamilk có mức vốn hóa chỉ khoảng 2.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2016 giá trị vốn hóa thị trường của Vinamilk (số liệu ngày 15-8-2016) gần 205.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 9,2 tỉ USD), tăng 88 lần so với năm 2003 và là công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán VN hiện nay.

- Chắc chắn sẽ gặp khó khăn bởi nhiều quốc gia thành viên TPP có khí hậu rất thuận lợi cho việc phát triển bò sữa, trong khi khí hậu VN lại không thuận lợi cho quá trình phát triển sinh lý của con bò.

Tuy nhiên chúng tôi cũng có giải pháp, đó là áp dụng công nghệ mới để thay đổi các điều kiện không thuận lợi. Trong thực tế, nhờ áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, năng suất sữa của đàn bò nuôi tại trang trại Vinamilk không hề kém so với nước ngoài.

Một cái khó nữa cần giải quyết là vấn đề chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ nông dân, bình quân chỉ từ 2-3 con/hộ.

Dự kiến đến năm 2018, hơn 8.000 hộ dân đang hợp tác với Vinamilk sẽ có đàn bò có chất lượng tốt nhất, được hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho đến cung cấp con giống, mục tiêu là loại bỏ hoàn toàn việc phát triển đàn tự phát có năng suất thấp ở các nông hộ bấy lâu nay.

Ngoài ra, chúng tôi đã chủ động nguồn cung nguyên liệu bằng cách đầu tư vào nhà máy ở New Zealand cũng như đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến sữa với quy mô rất lớn, sử dụng công nghệ hiện đại để giảm được giá thành.

Còn hiện nay, dù đã xuất khẩu được trên 40 nước với kim ngạch từ 250-270 triệu USD/năm, nhưng tôi nghĩ Vinamilk cần phải làm tốt hơn nữa nếu muốn giữ được thị trường, đó là chất lượng không được thua kém nhưng giá phải cạnh tranh.

* Dù nội lực đã mạnh, nhưng vì sao Vinamilk vẫn còn khá thận trọng khi đầu tư ra nước ngoài, thưa bà?

- Đầu tư ra nước ngoài chứa nhiều rủi ro về khoảng cách địa lý, về văn hóa và phong cách quản lý. Hơn nữa, Vinamilk cũng phải đầu tư theo chiến lược lâu dài chứ không phải theo từng công ty hay từng quốc gia đơn lẻ.

Chúng tôi đầu tư vào nhà máy sản xuất sữa bột tại New Zealand vì đây là nguồn cung cấp sữa nguyên liệu cho toàn thế giới. Khi đã có nguồn cung ổn định, Vinamilk yên tâm hơn khi thực hiện những kế hoạch lớn trên quy mô toàn cầu.

Bà Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Vinamilk - tại một nhà máy của
doanh nghiệp này ở Bình Dương - Ảnh: NGUYỄN Á
Bà Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Vinamilk - tại một nhà máy của doanh nghiệp này ở Bình Dương - Ảnh: NGUYỄN Á

Việc mua lại Nhà máy Driftwood tại Mỹ không chỉ khẳng định một tập đoàn sữa của VN đã có mặt tại một cường quốc sản xuất sữa của thế giới với yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng, mà còn tạo cầu nối để đưa sản phẩm sữa sản xuất tại VN vào Mỹ và ngược lại, đưa các sản phẩm sữa chuyên biệt như sữa hữu cơ về VN khi điều kiện sản xuất trong nước chưa cho phép.

Trong khi đó, nhà máy sữa tại Campuchia vừa được đưa vào hoạt động là kết quả của kế hoạch nhiều năm đưa sản phẩm vào thị trường này. Khi người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của Vinamilk và nhu cầu đủ lớn, chúng tôi mới xây dựng nhà máy.

● Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Vững trong nhà để bước ra ngoài

Chỉ khi doanh nghiệp (DN) thành công ở thị trường nội địa rồi mới có thể nghĩ đến chuyện vươn ra thế giới. Trong khi đó, với một môi trường kinh doanh kém xa các nước về mức độ thuận lợi, DN Việt đã khó lớn lên được tại thị trường nội địa nói gì đến chuyện vươn tầm ra cạnh tranh với thế giới bên ngoài.

Do đó, dù VN đã mở cửa và hội nhập nhiều năm, nhưng đến nay số DN Việt vươn ra được thị trường quốc tế vẫn quá ít ỏi, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Kinh nghiệm ở các nước như Nhật, Hàn Quốc... cho thấy nền công nghiệp của họ mạnh chủ yếu nhờ xuất phát điểm từ các DN nội địa, không bị quá lệ thuộc vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn lại VN, có mấy DN nội địa chiếm lĩnh và giữ được thị phần lớn ở thị trường trong nước từ những lĩnh vực công nghiệp cốt lõi của mình? Tôi e là không nhiều. Và những DN như Vinamilk càng quá ít ỏi.

Đã đến lúc các DN Việt cần giải quyết những vấn đề nội tại như minh bạch hệ thống quản trị, thay đổi tư duy việc không coi trọng thị trường nội địa, cải thiện nguồn lực tài chính...

Nhà nước cũng phải mở rộng cửa nhiều lĩnh vực, ngành nghề để tất cả các thành phần kinh tế có thể tham gia cạnh tranh một cách sòng phẳng và tạo cơ chế chính sách hoạt động minh bạch, may ra mới hi vọng sẽ có được nhiều DN Việt vươn ra thị trường các nước.

TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên