08/08/2016 08:01 GMT+7

Nhiều “ông lớn” quên công bố thông tin

CẦM VĂN KÌNH - LÊ THANH
CẦM VĂN KÌNH - LÊ THANH

TTO - Việc MobiFone không công bố thông tin thương vụ mua AVG hé lộ thêm một sự thật: không chỉ MobiFone mà nhiều “ông lớn” là tập đoàn, tổng công ty không công khai hoạt động sản xuất kinh doanh theo nghị định của Chính phủ.

MobiFone là một trong những doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin theo quy định  - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
MobiFone là một trong những doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin theo quy định - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nhằm minh bạch hóa, tăng cường hiệu quả của doanh nghiệp (DN) nhà nước, Chính phủ đã ban hành nghị định 81/2015, quy định hàng loạt thông tin các DN nhà nước (do Nhà nước nắm 100% vốn) phải công bố, như: chiến lược phát triển của DN, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm của DN, báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và ba năm, báo cáo tài chính sáu tháng và một năm... Thậm chí, DN sẽ phải công bố cả chế độ tiền lương, tiền thưởng của mình.

Phớt lờ nghị định của Chính phủ

Quy định là vậy nhưng trên thực tế rất nhiều tập đoàn, tổng công ty không thực hiện. Có tập đoàn, tổng công ty chỉ gửi báo cáo cho bộ chủ quản của mình, một số DN gửi cho Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) theo quy định nhưng lại không đầy đủ các loại báo cáo, không công khai đầy đủ trên trang web của từng DN.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ KH-ĐT xác nhận chỉ có một “tỉ lệ rất nhỏ” chấp hành quy định và DN nào tuân thủ, gửi báo cáo theo quy định đều được bộ đưa lên trang thông tin điện tử http.bussiness.gov.vn.

Theo công bố của Bộ KH-ĐT, hiện mới chỉ có một số DN tuân thủ gửi báo cáo đến Bộ KH-ĐT để công bố như: Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Than - khoáng sản, Bưu chính viễn thông, Viettel, Tổng công ty Công nghiệp ximăng...

Trong khi đó, theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, trong diện phải công khai lên tới cả trăm DN.

Nhìn vào danh sách các bộ ngành mà Bộ KH-ĐT liệt kê trên bảng kê khai thì trong số 22 bộ, cơ quan ngang bộ, nhiều bộ không có DN nào báo cáo, như: Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - đào tạo...

Ngoài ra, Bộ Tài chính chỉ có 5 DN báo cáo, Bộ Công thương 5, Bộ Giao thông vận tải 8, Bộ Quốc phòng 2, Bộ Thông tin - truyền thông 2, Ngân hàng Nhà nước 1...

Theo danh sách, còn nhiều DN chưa thực hiện công khai theo quy định như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Đến chiều 7-8, trên website của DN này, các thông tin liên quan đến chế độ lương thưởng, kết quả hoạt động... mới có đến năm 2015.

Hoạt động đầu tư mới, SCIC mới chỉ công bố đến thời điểm ngày 31-12-2015 với tổng số tiền trên 24.000 tỉ đồng, tập trung vào các lĩnh vực sau: đầu tư hiện hữu vào các DN trong danh mục quản lý, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu; đầu tư góp vốn thành lập mới; đầu tư thành lập DN để triển khai dự án mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Chi - chủ tịch hội đồng thành viên của SCIC - cho biết chiến lược phát triển của DN đang chờ Chính phủ phê duyệt nên chưa thể công bố.

Các thông tin khác cần phải công bố như kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm của DN, báo cáo tài chính sáu tháng và báo cáo tài chính năm của DN... thì xin trao đổi sau.

Công khai không đầy đủ

Các địa phương thì tình hình còn “hẻo” hơn, bên cạnh một số địa phương như TP.HCM có 27 DN báo cáo, Đắk Nông 21, An Giang 8, trong khi đó Hà Nội mới có 1 DN báo cáo, Đà Nẵng 2, Bình Dương 1...

Một số địa phương không thấy có DN nào báo cáo là Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ...

Ngay cả các đơn vị đã gửi báo cáo và được Bộ KH-ĐT công khai cũng chưa thực hiện đầy đủ hết các quy định, nội dung phải công khai.

Chẳng hạn, báo cáo không cập nhật, thiếu nội dung như: chiến lược phát triển của DN, báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và ba năm gần nhất, đặc biệt là báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của DN...

Trong khi đó, ngay từ ngày 29-2-2016, bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã ký văn bản gửi tới 132 cơ quan, bộ ngành và DN “nhắc” nghị định 81/2015 đã quy định phải công khai và đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm túc trách nhiệm công bố thông tin.

Bộ KH-ĐT đề nghị các bộ đốc thúc và đã đưa hạn là trong quý 1-2016, các DN cần gửi và công bố thông tin theo nghị định 81/2015. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo Bộ KH-ĐT, đến nay nhiều DN chưa gửi, nhiều DN lớn công bố chậm.

Đặc biệt, báo cáo tài chính thường niên của DN - bức tranh quan trọng về thực trạng DN - được nghị định 81/2015 quy định phải được các DN gửi báo cáo để công khai không muộn hơn ngày 31-5 của năm liền sau năm báo cáo.

Tuy nhiên, khi vào trang web của Tập đoàn Dầu khí, dù đã là ngày 7-8-2016 nhưng báo cáo tài chính mới nhất của tập đoàn này mới là... sáu tháng đầu năm 2015.

Về chế độ tiền lương, tiền thưởng của DN, nghị định 81/2015 quy định thời hạn công bố và gửi báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ KH-ĐT không muộn hơn ngày 31-3 của năm liền sau năm báo cáo.

Tuy nhiên, trên trang web công bố thông tin của Bộ KH-ĐT, Tập đoàn Dầu khí mới báo cáo quỹ lương thưởng và thực hiện đến năm 2014; Viettel không có phần này và tổng báo cáo của Viettel chỉ có sáu trang, không giống các mẫu quy định trong nghị định 81/2015.

Theo vị lãnh đạo Bộ KH-ĐT, tác dụng của việc công khai minh bạch là rất rõ ràng. Một số thông tin thời gian qua như lương thưởng của SCIC, thu nhập của Công ty Xổ số kiến thiết Tiền Giang, thu nhập của lãnh đạo ngành điện... mà báo chí biết được đều nhờ việc Bộ KH-ĐT công khai lên trang thông tin điện tử.

Điều này sẽ khiến các DN phải rất cân nhắc trước khi quyết định các vấn đề quan trọng mà theo quy định sẽ buộc phải công khai.

“Nó sẽ khiến các DN nhà nước thay đổi quản trị, dần dần tạo một bầu không khí công khai minh bạch, mọi người đều sẽ bị phán xét trên cơ sở pháp luật” - vị lãnh đạo Bộ KH-ĐT phân tích.

Nếu các DN tiếp tục “cù cưa”, không công khai, việc chế tài sẽ như thế nào? Tại nghị định 81/2015 đã quy định cơ chế xử phạt hành chính trong ngành KH-ĐT. Vì vậy, bộ sẽ tiến hành xử phạt nếu DN cố tình không thực hiện công khai.

Trường hợp không tuân thủ, sẽ đề nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu DN trong việc không chấp hành quy định của Chính phủ với những hình thức cao nhất có thể.

Theo TS Đỗ Đức Định - chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu kinh tế - xã hội (Hà Nội), trước thực trạng nhiều bộ ngành và DN chưa công khai đầy đủ đã cho rằng sở dĩ DN chưa muốn công khai vì bản thân họ còn được nằm trong một hệ thống chưa thực sự công khai, còn quá nhiều cái được cho là nhạy cảm, bí mật.

Trước đây tại các DN nhà nước còn các “quỹ đen” để ngoài sổ sách, có những “cơ chế” lợi ích ngầm, thậm chí chi tiêu vô tội vạ.

Điển hình như vụ việc báo chí mới nêu về việc DN thành viên Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí chi 500 triệu đồng để lo sinh nhật bố của "sếp", nên theo ông Định, lãnh đạo nhiều DN nhà nước kiểu đó sẽ ngại công khai, vì không có lợi gì, thậm chí bất lợi.

Giải pháp, theo ông Định, phạt hay xử lý trách nhiệm chỉ là trước mắt, biện pháp căn cơ vẫn phải là thu hẹp khu vực DN nhà nước, tăng cường cổ phần hóa thì khi đó các DN sẽ phải chịu áp lực từ cổ đông và từ thị trường.

Tuy nhiên, dẫn nghiên cứu từ Hàn Quốc cho thấy các DN lớn của họ, nhà nước giữ 10% đã được coi là lớn, ông Định cho rằng cổ phần hóa ở VN cần mạnh mẽ, Nhà nước cần bán nhiều vốn hơn...

Cuối cùng, phải tạo áp lực cạnh tranh đầy đủ cho DN nhà nước để DN nhà nước phải thực sự có nhu cầu thay đổi quản trị, công khai minh bạch theo chuẩn thế giới mới mong tồn tại và phát triển.

 

 
CẦM VĂN KÌNH - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên