12/05/2016 16:03 GMT+7

Phố kiểu mẫu "đồng phục xanh đỏ" làm khó dân

MẠNH KHANG- VŨ VIẾT TUÂN
MẠNH KHANG- VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Đồng bộ biển quảng cáo hai màu xanh - đỏ trên phố Hà Nội. Dư luận ngày qua ngỡ ngàng với “trăm biển hiệu như một” tại tuyến đường kiểu mẫu ở Hà Nội.

Bất kể là cửa hàng bán vịt quay, bán bún đậu, hay cửa hàng may mặc, sửa xe máy... đều phải treo biển quảng cáo hai màu xanh - đỏ theo quy định của chính quyền - Ảnh: V.V.Tuân

Phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trở thành tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội và Việt Nam dùng biển quảng cáo chỉ có hai màu xanh - đỏ.

Theo quan sát của PV, trên tuyến phố này dù của nhà hàng, quán vịt quay, quán café, hay ngân hàng, quán sửa xe máy…đều được treo biển quảng cáo có cùng kích thước, cùng độ cao, và chỉ có hai màu xanh - đỏ. Những chữ trên biển quảng cáo đều được in màu trắng (dòng chữ địa chỉ nhỏ phía dưới được dùng màu khác).

Làm khó

Người dân cho biết những biển quảng cáo này do quận Thanh Xuân cử người đến treo cho từng nhà. Những biển quảng cáo khác màu, khác chữ, khác kích thước, đều bị cấm treo trên tuyến phố này.

Trao đổi về những biển quảng cáo này, một người dân cho biết những biển quảng cáo này gây ra những ý kiến trái chiều cho người dân trên tuyến phố.

Những ai chưa mất tiền làm biển quảng cáo thì không phản đối, nhưng những hộ kinh doanh ở đây lại cho rằng việc đồng bộ hoá hai màu các biển quảng cáo gây nhiều khó khăn cho việc kinh doanh.

Cư dân mạng xôn xao về tuyến đường kiểu mẫu mới của Thủ đô - Ảnh chụp màn hình.
Cư dân mạng xôn xao về tuyến đường kiểu mẫu mới của Thủ đô - Ảnh chụp màn hình 

Từ trụ sở làm việc đến cửa hàng quần áo, giày dép,… mọi nơi đều sử dụng biển hiệu chỉ gồm 2 màu với cách trang trí như nhau. Nhiều người cho rằng cách làm quy hoạch ở đường Lê Trọng Tấn đang “giết chết” sự sáng tạo.

Đường Lê Trọng Tấn được quy hoạch mở rộng theo hướng thí điểm là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội. Hệ thống biển hiệu của các cơ sở kinh doanh, trụ sở làm việc ở tuyến phố này được quy hoạch đồng bộ về màu sắc (theo 2 màu: xanh, đỏ), bố cục và cách trang trí.

Bên cạnh ý kiến cho rằng tuyến đường mới như lịch sự, văn minh hơn do được quy hoạch đồng bộ, nhưng rất nhiều người cho rằng việc gò ép quá kỹ về các tiêu chí màu sắc, hình ảnh, cách trang trí gây nhàm chán và đang làm khó cả người tiêu dùng cũng như các cơ sở kinh doanh khi bản sắc riêng của từng cơ sở không còn được thể hiện.

Đơn điệu và o ép

Ths Quản lý đô thị Huỳnh Trọng Nhân - giảng viên khoa Kiến trúc (ĐH Xây dựng Miền Tây) - cho rằng, dưới góc độ quy hoạch và quản lý đô thị, quy chế hoặc quy định về biển hiệu trong đô thị là rất cần thiết để xây dựng và chỉnh trang hình ảnh đô thị.

Nếu quy định hoặc quy chế quản lý được nghiên cứu kỹ, các biển hiệu này vẫn có khả năng sáng tạo cao mà vẫn tuân thủ các hình thức theo yêu cầu quản lý đô thị. Nếu quy định, quy chế được tạo lập quá cứng nhắc, đô thị sẽ giảm khả năng nhận biết không gian vì nơi nào cũng lắp biển quảng cáo như nhau.

TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cùng nhận định: “Ở các nước vẫn có chuyện biển hiệu, biển quảng cáo là tác nhân làm xấu thành phố. Tuy nhiên, hầu hết các đô thị tiên tiến đều có quản lý về biển hiệu, biển quảng cáo. Ở VN cũng có nhưng công tác này còn khá lỏng lẻo, có nhiều ngoại lệ, không theo quy cũ”.

Ông Sơn nhấn mạnh: “Quy hoạch ở đường Lê Trọng Tấn là bước đầu, thể hiện thành phố đang quan tâm đến chuyện quy hoạch biển hiệu là hướng tốt. Họ đã có tư duy cần quản lý biển hiệu nhưng hình thức hiện nay còn đơn điệu và o ép”.

Đừng áp dụng máy móc

Theo ông Sơn, nguyên nhân của sự đơn điệu trong quy hoạch ở đường Lê Trọng Tấn là do thiếu sự tư vấn, định hướng từ các chuyên gia trước khi áp dụng.

“Mỗi công ty đều có một logo, có màu sắc chủ đạo khác nhau để nhận diện thương hiệu. Không thể buộc các cơ sở “mặc đồng phục”. Điều này là không cần thiết, thí điểm thế này mà đem áp dụng cho cả thành phố thì rất không nên”, ông Sơn khẳng định.

ThS Huỳnh Trọng Nhân cho rằng, quản lý đô thị là tạo điều kiện để đô thị phát triển hơn là thiết lập các “hàng rào quy định” bắt đô thị tuân theo. Các quy định cứng nhắc về màu sơn, hình thức và chất liệu của biển hiệu trên quy mô rộng của khu vực hoặc toàn đô thị là điều không nên.

Ông Nhân cho biết: “Biển hiệu quảng cáo là một trong những nội dung của thiết kế đô thị ở cấp không gian đường phố, do đó khi lập quy chế hoặc quy định về biển quảng cáo cần tham khảo các đồ án thiết kế đô thị (nếu có) hoặc các nguyên tắc về sự phù hợp với bối cảnh không gian của tuyến phố. Bên cạnh đó quy chế cũng phải tăng cường tính đa dạng biển hiệu giữa các khu vực khác nhau để tạo nét đặc trưng của trục đường hay tuyến phố.

ThS Nguyễn Hữu Vinh cho hay: “Tôi ủng hộ việc chỉnh trang lại bộ mặt đô thị thông qua kiểm soát và quy định chặt chẽ về kiểu dáng nhà cửa, các hoạt động quảng cáo nhưng tôi không ủng hộ cách thức khô khan, lạc hậu, thiếu thẩm mỹ và triệt tiêu sáng tạo, triệt tiêu hình ảnh thương hiệu như cách làm ở đường Lê Trọng Tấn”.

Trăm nơi như một

Những ngày qua, cộng đồng mạng và dư luận xôn xao câu chuyện các biển quảng cáo trên tuyến phố Lê Trọng Tấn đã được “đồng bộ hoá” khi chỉ dùng hai màu xanh đỏ.

Trên mạng xã hội, các fanpage về thiết kế, diễn đàn thiết kế cùng hàng nghìn bạn đọc đã chia sẻ hình ảnh của đường Lê Trọng Tấn với nhiều bình luận bày tỏ sự thất vọng.

Chị H.Đ (TP.HCM) nhận xét: “Mấy tấm biển này có thể gọi là “đồng phục hàng loạt” như hồi mình học THPT. Chẳng lẽ mọi người đẹp khi giống nhau và không có sự phân biệt?”.

Anh Lê Hùng (Hà Nội) cho biết: “Thường ngày khi đi mua đồ tại đường này, tôi rất dễ tìm cửa hàng mình cần. Từ hồi các biển hiệu được làm lại với cùng một kiểu, tôi rất khó phân biệt vì cái nào cũng như cái nào. Vừa đi xe vừa tìm có khi hoa cả mắt với 2 màu xanh đỏ”.

Trên trang cá nhân, anh Tiến Nguyễn, người thiết kế quảng cáo, ngán ngẫm: “Chỉ cần 2 màu và một nét vẽ là xong một cái biển hiệu... Người thiết kế bây giờ chỉ cần biết gõ text, xuất file đi in là xong. Vậy nơi nào cho sáng tạo? Kích thước thì có thể đồng bộ, nhưng như thế này thì...”

Thậm chí, nhiều người dùng còn thiết kế ảnh đại diện và ảnh bìa trang cá nhân của mình theo phong cách “xanh - đỏ” của các biển hiệu ở đường Lê Trọng Tấn để thể hiện sự không đồng tình về cách làm quy hoạch này.

Việc chính quyền yêu cầu người dân phải treo biển quảng cáo cùng màu, cùng kích thước này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc kinh doanh của người dân? Việc bắt buộc treo biển quảng cáo này có trái với các quy định của pháp luật? Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả ý kiến các hoạ sĩ, kiến trúc sư, luật sư về sự việc này.

 Mời các bạn tham gia ý kiến bằng comment bên dưới bài hoặc gởi về mail: tto@tuoitre.com.vn. 

Những hộ dân nào chưa nghĩ ra tên cửa hàng thì chính quyền treo biển lên trước rồi sẽ điền chữ vào sau - Ảnh: V.V.Tuân

Những biển hiệu này có cùng kích thước, treo cùng độ cao - Ảnh: V.V.Tuân

 

MẠNH KHANG- VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên