21/02/2016 08:00 GMT+7

Xăng giảm, giá thực phẩm không giảm

DŨNG TUẤN - N.BÌNH
DŨNG TUẤN - N.BÌNH

TT - Giá xăng đã về vùng thấp nhất trong chín năm gần đây, nhưng kỳ vọng về giá hàng hóa giảm của người dân vẫn mãi chờ đợi khi diễn biến thị trường cho thấy giá hàng hóa đang đi ngược với giá xăng.

Mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng giá nhiều loại rau củ quả vẫn không giảm - Ảnh: T.T.D.
Mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng giá nhiều loại rau củ quả vẫn không giảm - Ảnh: T.T.D.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng giá hàng hóa khó giảm vì giá cước vận tải chưa chịu giảm, trong khi nhiều tiểu thương cho rằng lượng hàng hóa sau tết thất thường nên giá rất nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao.

Không giảm mà còn tăng

Tết đã qua, giá xăng giảm kỷ lục thế nhưng các mặt hàng bắp cải, cải thảo, cà chua, cải xanh... vẫn giữ giá cao chót vót cho dù tiểu thương luôn kêu than ế ẩm, sức mua kém. Giá bắp cải - một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh tại các chợ - hiện dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, trong khi cải thảo lên tới 10.000 đồng và cà chua ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg tùy loại.

So với thời điểm trước tết, giá những nhóm hàng này không giảm, thậm chí còn tăng thêm vài ngàn đồng/kg. Cà rốt, khoai tây Đà Lạt và Trung Quốc có giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, không rẻ hơn so với trước tết.

Theo thống kê của ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), lượng hàng về các chợ đầu mối đang tăng dần qua mỗi đêm, tổng lượng hàng về chợ tương đương 1.800 tấn/đêm, trong khi thời điểm bình thường đạt mức 2.000 - 2.300 tấn/đêm tùy ngày.

Với con số này, lượng hàng gần như đã ổn định. Sức mua đang chậm, nhưng điều gây ngạc nhiên là giá cả lại có xu hướng tăng, dù cho nhiều yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa đang giảm xuống. Tương tự, các loại cải xanh, cải ngọt, xà lách... tại các chợ vẫn dao động từ 19.000 - 23.000 đồng/kg, gấp đôi giá chợ đầu mối và không hề giảm.

Chị Triều, tiểu thương chợ Bàn Cờ (Q.3), cho biết đi lấy hàng về giá vẫn vậy, không thấy ai nói đến giá xăng giảm, giá hàng hóa phải giảm tương ứng. Theo chị Triều, giá hàng hóa do người bán sỉ quyết định, chị không biết gì về chuyện giá xăng ảnh hưởng cả. “Bữa chợ được, bữa chợ ế, mình nhìn hàng mà bán chứ không tính toán vào giá xăng được. Hôm nào ế hàng thì lỗ chết chứ giảm làm sao được hả em” - tiểu thương này nói.

Anh Nguyễn Văn Nguyên, tiểu thương chợ Lãnh Binh Thăng (Q.11), lý giải bây giờ giá một chuyến xe hàng trái cây dưới 1 tấn từ chợ Thủ Đức về đến chợ Lãnh Binh Thăng từ 350.000 - 500.000 đồng/xe, không giảm so với trước đó nên khó giảm giá bán hàng. “Trước sao giờ vẫn vậy, giá xăng lên xuống họ đâu cần biết, em không chở thì họ chở cho người khác, mình đem xe đi chở một lượt thì đâu có hết được nên đành chấp nhận thôi” - anh Nguyên nói.

Giảm giá dưới hình thức khuyến mãi?

Theo các nhà bán lẻ và nhà sản xuất, việc giá xăng giảm sâu chưa thể tác động giá hàng hóa ngay nhưng phần nào giảm được áp lực tăng giá, chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Người phụ trách thu mua của một siêu thị trong nước cho rằng giá xăng giảm khó có tác động mạnh và ngay đối với hàng hóa trong nước vì chi phí xăng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, nhưng khẳng định rằng sau mỗi đợt giá xăng hay dầu giảm, các nhà bán lẻ tích cực tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hơn.

“Thay vì điều chỉnh giá trực tiếp lên sản phẩm, nhà bán lẻ thường chọn hình thức giảm giá thông qua các đợt khuyến mãi. Các đợt khuyến mãi này sẽ được luân phiên nhau thực hiện theo từng chủ đề, nhóm hàng. Nhưng bao giờ các mặt hàng có tính biến động giá theo ngày như thực phẩm tươi sống, rau củ, quả... sẽ được áp dụng trước, sau đó mới đến hàng thực phẩm chế biến, đồ đóng hộp...” - ông này cho biết thêm.

Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết nhà bán lẻ không chờ đợi thông báo từ nhà cung cấp mà thường chủ động thực hiện chương trình khuyến mãi.

Giám đốc kinh doanh của một công ty thực phẩm ở TP.HCM cho rằng tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng đã có bốn lần giảm liên tiếp, với tổng mức giảm là 2.700 đồng, điều này tạo điều kiện cho nhà bán lẻ liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho người tiêu dùng. “Việc điều chỉnh giá là cả vấn đề, tốt nhất là khuyến mãi trong thời gian ngắn, chờ đợi tình hình. Nếu thấy tốt thì kéo dài khuyến mãi thêm chứ khó giảm trực tiếp lên sản phẩm” - ông này nói.

Khó giảm nếu giá cước vận tải chưa giảm

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nhà sản xuất đưa ra nhiều lý do trì hoãn việc giảm giá hàng hóa khi giá xăng dầu giảm vì giá thành sản phẩm còn liên quan đến nhiều yếu tố. Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm thì chắc chắn giá cước vận tải phải được xem xét lại vì chi phí xăng dầu chiếm từ 22% đến hơn 35% giá cước vận tải. Các sản phẩm hàng hóa hiện nay đều đã vận hành theo cơ chế thị trường, nếu giá cước vận tải chưa giảm tương xứng thì hàng hóa có liên quan trên thị trường cũng khó có điều kiện để giảm theo.

Ông Đặng Văn Hiếu, giám đốc bộ phận hải quan Công ty ALC, cho biết trong hợp đồng trọn gói dịch vụ logistics, chi phí vận tải chiếm khoảng 45% tổng chi phí, các chi phí còn lại liên quan đến dịch vụ hải quan. Chẳng hạn chi phí để kéo một container từ cảng Cát Lái về cảng Sóng Thần khoảng 2,5 triệu đồng, trong đó hơn 1 triệu đồng là chi phí vận tải.

Trong các hợp đồng với khách hàng hai bên đều có điều kiện ràng buộc trường hợp biến động của giá xăng dầu. Nếu khi giá xăng dầu thay đổi tăng hoặc giảm 10%, chi phí vận chuyển sẽ điều chỉnh theo. Mức 10% sẽ được cộng dồn qua các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ, để tránh trường hợp điều chỉnh lẻ tẻ, ảnh hưởng đến giao dịch.

Cũng theo ông Hiếu, các hợp đồng khi ký kết đều ghi giá bán lẻ xăng dầu tại thời điểm đó, trong quá trình giá mặt hàng này biến động thì công ty phải bổ sung, điều chỉnh chi phí vận tải cho phù hợp với diễn biến. “Khách hàng giờ cũng rất chủ động, chỉ cần giá xăng giảm gần 10% là họ gọi điện nhắc mình ngay, không thể không điều chỉnh” - ông Hiếu nói.

Theo các công ty kinh doanh dịch vụ logistics, hiện nay thị trường rất cạnh tranh, các doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn, do đó nếu giá dầu thế giới giảm kéo giá bán lẻ trong nước giảm theo thì các ngành dịch vụ, logistics cũng phải giảm giá, nếu không sẽ bị người tiêu dùng quay lưng.

“Tính giá xăng vào đây làm sao được”

Ngày 20-2, theo khảo sát của chúng tôi, giá vú sữa loại 1 tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) là 40.000 đồng/kg, tăng mạnh so với mức giá 25.000 đồng/kg cách nay ba ngày. “Em đi cả chợ này coi, có ai bán được vú sữa ngon, hàng đẹp mà giá này không” - tiểu thương Thanh (chợ này) nói.

Theo chị Thanh, do đi chợ sớm nên mới lấy được vú sữa, không thì cũng “cháy hàng”, không có để bán. Tương tự, chôm chôm dù trái vụ nhưng 40.000 đồng/kg, cao hơn tết 5.000 - 7.000 đồng/kg, quýt ngọt cũng xấp xỉ 40.000 đồng/kg, mận đỏ 27.000 đồng/kg... là giá những mặt hàng đang được bày bán tại các chợ.

Anh Nguyên, tiểu thương bán hàng trái cây, cho biết: “Bán mặt hàng này rất phập phù, hôm nào may mắn được hàng đẹp thì bán tốt, còn hôm nào gặp phải hàng làm mặt (hàng trà trộn) là coi như chịu thua. Nhập 12kg vú sữa, được 3kg hàng ngon còn 7kg dưới sống thì bán cho ai được, bù qua sớt lại chứ tính giá xăng vào đây làm sao được”.

DŨNG TUẤN - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên