30/01/2016 09:02 GMT+7

OPEC giảm sản lượng dầu để bình ổn giá

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Dường như thị trường dầu đang chờ đợi bất kỳ tín hiệu lạc quan nào, dù là nhỏ nhoi, để đẩy giá lên chút ít.

Tín hiệu mới nhất là cuộc họp có khả năng diễn ra trong tháng 2 giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gồm 13 thành viên với các nước xuất khẩu dầu không thuộc OPEC.

Chỉ mới ở mức đồn đoán, nhưng thông tin đó đã giúp giá dầu ngày 28-1 lên được 34,48 USD/thùng (loại dầu Brent) và 33,68 USD/thùng với loại dầu WTI.

Kỳ thực là thông tin chỉ đến từ phía Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak. Trả lời truyền thông, ông tuyên bố “một số thành viên OPEC” đã đề xuất giảm 5% sản lượng dầu so với mức hiện tại để giúp bình ổn giá dầu trên thị trường thế giới và “đang được các thành viên còn lại nghiên cứu”.

“Để bắt đầu làm việc về các vấn đề này chúng ta cần một thỏa thuận chung, vẫn còn quá sớm để nói về điều đó. Đó sẽ là chủ đề của cuộc họp và thảo luận (trong tháng 2)” - ông Novak nói với Hãng thông tấn nhà nước TASS về cuộc họp của OPEC cùng các nước không thuộc OPEC.

Theo Reuters, hiện vẫn chưa rõ Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đang đề cập đến đề xuất nhiều tháng qua của các thành viên OPEC là Venezuela và Algeria, hay đề xuất mới được ủng hộ bởi quốc gia đứng đầu OPEC là Saudi Arabia.

Các quan chức Saudi Arabia hiện vẫn chưa bình luận về đề xuất giảm sản lượng dầu này, trong khi các quan chức đại diện OPEC tại vùng Vịnh cho biết đó là đề xuất từ Venezuela và Algeria.

Nhưng một thỏa thuận chung nếu đạt được có thể gây khó khăn cho thành viên OPEC là Iran, bởi nước này muốn nâng sản lượng dầu mỏ sau khi phương Tây dỡ bỏ cấm vận kinh tế.

“Bởi vì các biện pháp trừng phạt quốc tế, chúng tôi đã không thể xuất khẩu 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Do đó chúng tôi phải quay lại cho được mức này” - Reuters dẫn một nguồn tin thân cận với Chính phủ Iran.

Hồi giữa tháng này, giá dầu giảm xuống mức kỷ lục trong 12 năm qua khi chỉ còn 27 USD/thùng so với 115 USD/thùng của 18 tháng trước đó. Giá dầu rẻ gây tổn thương lớn về kinh tế cho nhiều quốc gia sản xuất dầu.

Tại Saudi Arabia, dầu mất giá đã tăng sức ép lên ngân sách và khiến thâm hụt ngân sách nhà nước đạt mức kỷ lục khoảng 100 tỉ USD. Đồng rúp của Nga rớt giá, trong khi nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại Azerbaijan và các nhà đầu tư bắt đầu quan ngại về sự vỡ nợ rất dễ xảy ra của Venezuela.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên