05/12/2015 14:57 GMT+7

​Thủ tướng nói Việt Nam sẽ phát triển nhanh 5 năm tới

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - “Nếu như năm năm 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân 6%, thì mục tiêu năm năm tới phải là 6,5% - 7% bình quân mỗi năm...”  - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Quang cảnh Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2015 tại Hà Nội ngày 5-12 - Ảnh: Reuters

Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu 5 năm tới phát triển nhanh hơn, bền vững hơn 5 năm trước.

5 năm tới phải phát triển 6,5 - 7% bình quân mỗi năm

“Nếu như 5 năm 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân 6%, thì mục tiêu 5 năm tới phải là 6,5% - 7% bình quân mỗi năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định,” Thủ tướng nói.

Do đó, theo Thủ tướng, Việt Nam sẽ tiếp tục nhất quán thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, gồm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường, thể chế nhà nước pháp quyền, do dân, vì dân, của dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân; Phát triển giáo dục-đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, gắn với ứng dụng; Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đồng bộ, hiện đại.

Thủ tướng nêu 5 giải pháp chính để phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020, trong đó có giải pháp lấy nhân dân làm người quyết định.

Một là, tiếp tục tập trung bảo đảm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bảo đảm an toàn nợ công, sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài, bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.

Hai là, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện tạo lập và phát triển các định chế kinh tế thị trường nhằm vận hành đồng bộ và hiệu quả, như thị trường đất đai để thị trường này dễ tiếp cận, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch hơn, hay là thị trường vốn, thị trường khoa học công nghệ...

Ba là, Chính phủ Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, hiệu quả, trọng tâm là kinh tế quốc tế. Thủ tướng cho rằng muốn phát huy hiệu quả hội nhập quốc tế thì trước hết phải hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thương mại đầu tư với các quốc gia trên thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bốn là, Chính phủ Việt Nam tập trung phát triển tốt hơn văn hóa, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi, cải thiện tốt hơn đời sống người dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số để đảm bảo không có khoảng cách xa.

Để thực hiện điều này, Việt Nam luôn coi trọng phát triển của lợi ích người dân VN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Cuối cùng là nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị nền kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền, tập trung hoàn thiện thể chế luật pháp, bảo đảm quyền dân chủ, tự do, quyền sở hữu của người dân theo Hiến pháp 2013.

Cơ hội và thách thức

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong 5 năm vừa qua, bằng sự nỗ lực của nhân dân VN, của cả hệ thống chính trị VN, sự ủng hộ của bạn bè cộng đồng quốc tế, VN đã đạt được những thành tựu quan trọng. 

Tuy nhiên Thủ tướng cho biết con đường phát triển sắp tới có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức không nhỏ.

Thủ tướng cho rằng việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, một mặt đem lại thời cơ lớn, mặt khác phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt.

Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận rằng nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động thấp… và đây chính là thách thức phải vượt qua.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, dù yêu cầu về phát triển kinh tế, hạ tầng, an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống, giáo dục, y tế, quốc phòng an ninh ngày càng lớn nhưng nguồn lực Việt Nam còn hạn chế. Cơ cấu kinh tế, thể chế luật pháp cơ chế chính sách vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu cho sự phát triển và hội nhập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển.

Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2015 (VDPF) được khai mạc sáng 5-12 tại Hà Nội với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh và giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì diễn đàn. Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham gia của những tổ chức quốc tế ở Việt Nam như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP)…

 

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên