30/10/2015 09:08 GMT+7

Vay tiền để trả nợ công

V.V.THÀNH - L.THANH
V.V.THÀNH - L.THANH

TT - Nợ công của VN vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng thu không đủ chi đang thật sự gây áp lực rất lớn. Dự kiến trong 5 năm tới VN phải vay trên 3 triệu tỉ đồng để bù vào bội chi và nợ gốc đến hạn.

Tàu mẫu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông lần đầu tiên được trưng bày tại Hà Nội vào sáng 29-10. Dự án này vừa đề xuất tăng vốn lên hơn 868 triệu USD - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tại buổi họp báo chiều 29-10, thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết cuộc họp thường kỳ của Chính phủ đã nghe Bộ Tài chính báo cáo và Chính phủ thảo luận rất nhiều về thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.

Tập trung vay dài hạn để trả nợ

Theo bà Vũ Thị Mai - thứ trưởng Bộ Tài chính, dự kiến đến hết ngày 31-12-2015 nợ công của VN khoảng 61,3% GDP. Dù tỉ lệ này vẫn nằm dưới ngưỡng 65% theo quy định của Luật quản lý nợ công, nhưng số cụ thể nợ công VN hiện là bao nhiêu tỉ đồng, kế hoạch vay từ nguồn nào để trả nợ và bù đắp bội chi ngân sách... không được vị đại diện Bộ Tài chính trả lời tại cuộc họp báo.

Trong khi đó, theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tổng nhu cầu vay của Chính phủ giai đoạn này từ 3,02 - 3,09 triệu tỉ đồng. Trong đó vay bù đắp bội chi là 1,36 triệu tỉ, vay về cho vay lại khoảng 280.000 tỉ đồng, phần còn lại để trả nợ gốc đến hạn.

Bộ trưởng Nên cho rằng căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước 5 năm tới, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng khá thận trọng các phương án vay trả nợ khác nhau cho giai đoạn 2016 - 2020 và đang trình Quốc hội cho ý kiến.

Các phương án xây dựng đều bảo đảm giới hạn nợ công được Quốc hội thông qua, theo đó đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Trả lời về việc kiểm soát tăng bội chi như thế nào trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng theo định hướng kế hoạch NSNN 5 năm tới, bội chi ngân sách bình quân sẽ ở khoảng 4,9% GDP, tức là thấp hơn bình quân 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng 5,4%, số tạm tính, chưa quyết toán).

Để đạt được mục tiêu về bội chi NSNN như trên, theo Bộ trưởng Nên, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, chính sách về thu chi NSNN.

Trong đó, đối với thu NSNN sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế góp phần bảo đảm nguồn thu.

Việc quản lý nợ công sẽ khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỉ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm rủi ro về tỉ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng).

Nguồn: Bộ Tài chính - Dữ liệu: L.Thanh - Đồ họa: Tấn Đạt
Nguồn: Bộ Tài chính - Dữ liệu: L.Thanh - Đồ họa: Tấn Đạt

Hụt thu 31.000 tỉ đồng

Nhận định về thu chi ngân sách năm 2015, theo bà Vũ Thị Mai, tổng thu ngân sách năm 2015 được giao là 911.100 tỉ đồng, ước tổng số thu thực hiện vượt dự toán khoảng 16.400 tỉ đồng. Trong đó, thu ngân sách địa phương sẽ vượt khoảng 47.000 tỉ đồng, nhưng thu ngân sách trung ương dự kiến hụt khoảng 31.000 tỉ đồng. Trong khi đó, chi ngân sách với dự toán là 1 triệu 273 tỉ đồng.

Về số hụt thu, Chính phủ xin được bán bớt phần vốn của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 10.000 tỉ để bù đắp hụt thu ngân sách trung ương. Vậy số còn lại thì lấy từ nguồn nào?

Theo Bộ Tài chính, trong quá trình điều hành từ nay đến hết năm, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế và hải quan là phải phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở nộp thuế lớn như: liên doanh dầu khí Vietsovpetro, tập đoàn, tổng công ty, đối tượng nộp thuế tiêu thụ đặc biệt mà vừa qua đã có kết luận của Kiểm toán Nhà nước...

Bà Mai cũng cho hay để tiết kiệm chi triệt để, Bộ Tài chính vừa trình giải pháp đến ngày 31-12 năm nay, nếu bộ ngành nào, đơn vị nào chưa sử dụng hết dự toán thì sẽ không được chuyển nguồn sang năm sau, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Gỡ khó nhà máy gần 7.000 tỉ đồng “đắp chiếu”

Chiều 29-10, Văn phòng Chính phủ đã cung cấp cho báo chí nội dung trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên về nhà máy gần 7.000 tỉ đồng nhưng liên tục “đắp chiếu” (Tuổi Trẻ ngày 19-10).

Cụ thể, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Dầu khí VN đã có các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy.

Trong đó, Tập đoàn Dầu khí VN sẽ xây dựng đề án tổng thể về các giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm hiệu quả dự án đã đầu tư và thực hiện lộ trình thoái vốn theo đề án tái cơ cấu đã được duyệt.

V.V.THÀNH - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên