29/09/2015 10:08 GMT+7

Gửi USD, có lãi cũng như không

ÁNH HỒNG (anhhong@tuoitre.com.vn)
ÁNH HỒNG (anhhong@tuoitre.com.vn)

TT - Sáng 28-9, các ngân hàng đã đồng loạt công bố biểu lãi suất (LS) mới với LS USD xuống với mức trần cho phép.

Theo các chuyên gia, việc hạ lãi suất tiền gửi USD sẽ khuyến khích doanh nghiệp, người dân chuyển qua nắm giữ VND. Trong ảnh: Người dân giao dịch USD tại NH ACB chiều 28-9 - Ảnh: Thuận Thắng
Theo các chuyên gia, việc hạ lãi suất tiền gửi USD sẽ khuyến khích doanh nghiệp, người dân chuyển qua nắm giữ VND. Trong ảnh: Người dân giao dịch USD tại NH ACB chiều 28-9 - Ảnh: Thuận Thắng

Sau khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo hạ trần lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0 - 0,25%, nhiều chuyên gia cho rằng đây là động thái cần thiết nhằm ổn định tỉ giá, chống đôla hóa và củng cố sức mạnh cho đồng nội tệ.

Theo biểu LS mới được Sacombank công bố ngay từ đầu giờ sáng, các kỳ hạn huy động USD của cá nhân đồng loạt giảm từ 0,75%/năm xuống 0,25%/năm.

BIDV, Vietcombank cũng giảm LS huy động USD của cá nhân xuống mức trần mới. Biểu LS huy động USD của doanh nghiệp trên website của Vietcombank để trống phần LS.

Sẽ chuyển USD sang VND

Với biểu LS mới này, chênh lệch giữa LS huy động VND và USD càng lớn, đặc biệt ở các kỳ hạn dài. Cụ thể, cùng kỳ hạn 1 tháng gửi VND được LS 4,4%/năm, trong khi gửi USD chỉ được 0,25%/năm.

Tương tự gửi kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, gửi VND được 5,4%/năm và 6,2%/năm nhưng gửi USD chỉ được 0,25%/năm. Sau khi so sánh mức LS VND và USD, nhiều người dân cho biết sẽ tính toán lại, có thể chuyển toàn bộ hoặc một phần USD sang VND để gửi tiết kiệm bởi LS USD quá thấp.

Chị Nguyễn Thùy Linh (Bình Thạnh) cho biết chị có một khoản tiết kiệm USD gửi tại ngân hàng sắp đáo hạn. Ngoài LS, thời gian qua chị còn hưởng thêm chênh lệch tỉ giá nên khá yên tâm.

Tuy nhiên, với việc LS huy động USD xuống mức rất thấp hiện nay, chị đang đắn đo không biết có nên chuyển sang VND để hưởng LS cao hơn hay không. “Nếu tính toán thấy gửi VND có lợi hơn tôi sẽ bán USD chuyển sang VND” - chị Linh nói.

Nhiều người có khoản tiền nhàn rỗi bằng USD đều thừa nhận rằng nếu tới đây tỉ giá không có đột biến, việc nắm giữ USD không có lợi bằng VND. Tuy nhiên, vẫn có một số người có khoản tiết kiệm trong dài hạn vẫn muốn giữ USD.

“Mỗi tháng anh đều để dành một khoản để phòng khi đau yếu, đồng thời coi như khoản dưỡng già nên không quan tâm nhiều đến LS, chỉ mong bảo toàn vốn” - anh An, ngụ tại Tân Bình, nói.

Trong khi đó, ông N.H.V., giám đốc điều hành một công ty xuất khẩu gỗ tại Bình Dương, cho biết từ trước đến nay khoản ngoại tệ thu được từ xuất khẩu công ty đều chuyển sang VND để hưởng LS cao hơn, cũng nhằm thuận tiện thanh toán khi mua nguyên liệu trong nước.

“Trong đợt tăng tỉ giá hồi tháng 8, công ty cũng thiệt hại đáng kể khi đã chuyển khoản ứng trước của đối tác nước ngoài sang tiền đồng.

Tuy nhiên theo tôi, đó chỉ là động thái phù hợp trong bối cảnh nhất thời, còn nếu không có gì đột biến thì tỉ giá khó mà tăng. Do đó, việc giảm LS USD tiền gửi của doanh nghiệp xuống 0% cũng không làm chúng tôi băn khoăn” - ông V. nói.

Biểu đồ diễn biến lãi suất huy động USD trong những năm gần đây Ảnh: Thuận Thắng - Đồ họa: Tấn Đạt
Biểu đồ diễn biến lãi suất huy động USD trong những năm gần đây Ảnh: Thuận Thắng - Đồ họa: Tấn Đạt

Kỳ vọng giảm LS cho vay USD?

Ông N.B.T. - chủ tịch HĐQT một công ty xuất khẩu có trụ sở tại quận Bình Thạnh - cho biết LS huy động USD của doanh nghiệp thời gian qua đã ở mức rất thấp rồi, nên việc Ngân hàng Nhà nước giảm xuống 0% cũng không tác động nhiều đến doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, với việc giảm LS huy động USD, tới đây doanh nghiệp hi vọng có thể đàm phán vay vốn với giá rẻ hơn so với mức 4%/năm như hiện nay” - ông T. nói.

Theo các chuyên gia, việc hạ LS tiền gửi USD sẽ giảm tính hấp dẫn của việc giữ ngoại tệ và khuyến khích doanh nghiệp, người dân chuyển qua nắm giữ VND.

Thực tế cho thấy sau khi Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT và Ngân hàng Nhà nước nới rộng biên độ và tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng, nhiều người có xu hướng giữ USD vì kỳ vọng tỉ giá sẽ còn tăng trong ba tháng cuối của năm.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho thấy tiền gửi USD trong tổng tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM hiện nay ở mức 74.800 tỉ đồng, tăng 17,4% so với đầu năm và chiếm 9,42% trong tổng tiền gửi tiết kiệm.

Tỉ lệ tiền gửi bằng USD trong tổng tiền gửi thanh toán cũng tăng 8,24% so với đầu năm, ở mức 160.150 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết tiền gửi USD tăng chủ yếu trong ba tháng gần đây.

Ông Lê Đức Thọ, tổng giám đốc VietinBank, cho biết động thái của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tích cực đến hành vi của doanh nghiệp và người dân, buộc họ phải cân nhắc giữa việc giữ VND và USD, đặc biệt đối với doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ hơn vì họ buộc phải tối ưu hóa trong sử dụng vốn.

Ông Thọ dự đoán tới đây nguồn ngoại tệ thương mại sẽ tăng lên do doanh nghiệp và người dân chuyển dịch từ USD sang VND kéo theo huy động vốn ngoại tệ từ doanh nghiệp, người dân sẽ giảm.

“LS đầu vào giảm sẽ tạo điều kiện để ngân hàng giảm LS cho vay ngoại tệ nhưng cần có thời gian và mức độ giảm sẽ tùy thuộc vào từng ngân hàng” - ông Thọ nói.

Với người dân gửi tiết kiệm ngoại tệ có thể cảm thấy thiệt thòi hơn vì LS huy động chỉ còn rất thấp.

Tuy nhiên theo ông Thọ, từ trước đến nay quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không khuyến khích việc găm giữ ngoại tệ và tạo kênh để người dân chuyển dịch vốn, còn nếu người dân vẫn muốn giữ USD thì chỉ được hưởng LS thấp.

Đồ họa: Tấn Đạt
Đồ họa: Tấn Đạt

Giảm sức ép lên lãi suất VND

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho rằng động thái giảm LS USD sẽ hỗ trợ sự ổn định tỉ giá. “Với sự điều chỉnh này, chênh lệch giữa LS VND và USD sẽ xa hơn, qua đó hướng người dân chuyển dịch sang VND.

Ngoài ra đây là bước đi làm tiền đề để Ngân hàng Nhà nước có thể giảm LS VND trong thời gian tới khi điều kiện cho phép” - ông Ngân nói.

Cũng theo ông Ngân, việc cắt giảm LS huy động USD cũng là động thái cần thiết để hỗ trợ việc giảm LS VND trong tương lai, nhất là trong bối cảnh LS huy động VND đang có dấu hiệu tăng lên, gây bất lợi cho mục tiêu kéo giảm LS cho vay.

“Do đó, động thái này có thể xem là Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu sẽ không để LS VND tăng trong tương lai. Tuy nhiên theo tôi, bước tiếp theo Ngân hàng Nhà nước nên làm là cắt giảm 0,25% LS tái cấp vốn bởi LS tái cấp vốn ở mức 6,5%/năm là quá cao trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng thấp như hiện nay” - ông Ngân nói.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng khi LS huy động USD của tổ chức về mức 0%, tổ chức kinh tế sẽ không mặn mà gì trong việc giữ USD, người dân cũng cảm thấy kém hấp dẫn vì gửi USD trước đây được 0,75%/năm nay chỉ còn 0,25%.

“Vừa qua doanh nghiệp, người dân giữ USD vì nhiều lý do. Các công ty xuất nhập khẩu giữ USD để cần cân đối thu chi, người dân giữ USD vì kỳ vọng tỉ giá tăng hoặc chờ cơ hội. Trong khoảng thời gian chờ đợi, họ vẫn có thể có lời nhờ LS cao. Việc giảm LS không khuyến khích tổ chức kinh tế và người dân làm chuyện đó” - ông Hiếu nói.

Hơn nữa, theo ông Hiếu, tỉ giá tăng lên trước đó đã tạo sức ép lên VND và các ngân hàng phải nhích nhẹ LS để giữ chân người gửi tiền.

Việc LS huy động USD giảm xuống trước mắt chưa thể kỳ vọng LS VND có thể giảm ngay nhưng sức ép lên LS huy động VND sẽ giảm bớt và ngân hàng sẽ không còn áp lực phải nâng LS như vừa qua.

Phía ngân hàng cũng được lợi vì có thể huy động vốn USD với LS rẻ hơn, chi phí vốn giảm xuống và các doanh nghiệp cũng được lợi vì có thể được vay vốn ngoại tệ với LS rẻ hơn.

Bà Nguyễn Thị Hồng (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước):

Không khuyến khích giữ đồng USD

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành chính sách những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn quán triệt phương châm xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam (VND) và từng bước chống đôla hóa theo chủ trương của Chính phủ.

Theo đó, NHNN đã điều chỉnh giảm dần mức LS huy động ngoại tệ xuống còn 0,25%/năm áp dụng đối với tổ chức và 0,75%/năm áp dụng đối với cá nhân. Thời gian qua, mặc dù có những biến động nhưng thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước về cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện găm giữ ngoại tệ. Do đó, NHNN đã quyết định hạ LS đồng USD để ngăn chặn tình trạng này, góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm.

Đồng thời, quyết định này cũng sẽ góp phần nâng cao sức hấp dẫn của VND, bởi việc gửi tiết kiệm bằng VND sẽ hấp dẫn hơn trong bối cảnh mặt bằng LS huy động đã giảm mạnh trong thời gian qua.

* TS Nguyễn Đại Lai (chuyên gia tài chính ngân hàng):

Chính sách điều hành cũng phải thay đổi

Động thái giảm LS huy động USD của NHNN cho thấy nhà điều hành đang tiến dần tới việc xóa tín dụng ngoại tệ. Mục đích là ổn định tỉ giá, góp phần ngăn chặn tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế.

Tuy nhiên về lâu dài, ngoài việc hạ LS đồng USD, chính sách điều hành cần phải thay đổi, quan hệ giữa người dân và ngân hàng đối với đồng USD phải chuyển từ cho vay sang mua bán.

Nghĩa là người dân, doanh nghiệp có USD sẽ bán cho ngân hàng hoặc gửi mà không có LS, còn khi cần thì mua. Chúng ta cần phải quan niệm ngoại tệ là một thứ hàng hóa, giống như vàng hiện nay. Điều quan trọng đối với doanh nghiệp là nên chọn ngân hàng có uy tín, đủ tin cậy để gửi USD. Ngân hàng trở thành thủ quỹ của doanh nghiệp và đảm bảo trả đủ số USD khi doanh nghiệp rút ra.

LÊ THANH

* Ông Phạm Hồng Hải (tổng giám đốc Ngân hàng HSBC VN):

Lãi suất cho vay USD khó giảm

Mặc dù LS tiền gửi USD giảm nhưng LS cho vay USD sẽ khó có khả năng giảm vì thực tế VN vẫn phải bám sát LS USD tại thị trường quốc tế. LS thị trường quốc tế hiện nay đã phản ánh phần nào kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng LS trong tháng 12-2015.

Với tình hình ngoại hối trên thị trường thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ của NHNN, tôi không nghĩ tình trạng cho vay USD sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do các doanh nghiệp sẽ cẩn trọng hơn khi vay ngoại tệ nếu họ không có doanh thu bằng ngoại tệ.

Hơn nữa, thời gian qua trong khi số dư tiền gửi USD tại các ngân hàng tăng khá cao trong khi dư nợ cho vay ngoại tệ lại giảm. Lý do là doanh nghiệp phải cân nhắc giữa bài toán tiết kiệm chi phí khi vay ngoại tệ nhưng kèm theo rủi ro về tỉ giá. A.H.

* Ông Nguyễn Văn Kịch (tổng giám đốc Công ty Cafatex):

Không ảnh hưởng nhiều

Mấy năm gần đây, do LS VND quá cao so với LS vay của USD nên các doanh nghiệp xuất khẩu đã đề nghị NHNN tạo cơ chế vay USD rồi chuyển đổi ra VND để chi trả cho các hoạt động của nhà máy. Sau khi xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp thu ngoại tệ về lại trả cho ngân hàng.

Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuyển qua vay USD với LS thấp rồi chuyển sang tiền đồng mua nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ngoại tệ thu về cũng không dư dả gì, đủ trả nợ vay chứ không dư nhiều để gửi ngân hàng với số lượng lớn nên việc NHNN giảm LS tiền gửi của USD xuống 0% không ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Nhưng với việc giảm LS huy động USD về 0% đối với doanh nghiệp, chúng tôi cũng hi vọng tới đây LS cho vay USD sẽ giảm theo, các doanh nghiệp sẽ có lợi hơn nếu vay USD.

TRẦN MẠNH

ÁNH HỒNG (anhhong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên