20/08/2015 11:27 GMT+7

Giá cả sẽ tăng theo tỉ giá

NHƯ BÌNH - LÊ THANH
NHƯ BÌNH - LÊ THANH

TTO - Các ngân hàng nước ngoài tại VN nói gì về tỉ giá? Việc tăng tỉ giá khiến làm tăng giá trị hàng nhập vào VN, cần nhiều tiền hơn để mua hàng?

Các chuyên gia của ngân hàng nước ngoài hoạt động tại VN cho rằng việc điều chỉnh tỉ giá của NHNN lần thứ ba trong năm thể hiện sự chủ động của VN trước những thay đổi đột xuất trên thị trường thế giới

Quyết định tăng thêm 1% đối với tỉ giá bình quân liên ngân hàng và tiếp tục nới rộng biên tỉ giá giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ thêm 1%, tăng từ +/-2% lên +/-3% trong ngày hôm nay cách lần nới biên độ vừa rồi chỉ có bảy ngày thôi chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đối phó với việc đồng VN tăng giá lên so với đồng CNY và so với các đồng bạc khác.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia trong lĩnh vực NH - việc tăng tỉ giá khiến làm tăng giá trị hàng nhập vào VN, tức phải cần nhiều tiền đồng hơn để mua hàng nhập khẩu.

Hàng hóa sẽ tăng theo tỉ giá?

Về vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện của Công ty thực phẩm Thành Phát (Hà Nội), đơn vị chuyên nhập ăcquy từ thị trường Hàn Quốc, thẳng thắn nói chắc chắn giá hàng phải tăng. Vì để thanh toán hàng hóa nhập về, mỗi tháng DN cần 120.000 -150.000 USD.

Với việc tăng tỉ giá từ tuần trước, mỗi đồng USD ngày hôm nay so với thời điểm tháng 5 thôi, DN đã phải chi thêm hơn 700 đồng. Như vậy với lượng USD thanh toán tiền hàng thì ngay như tháng này, ước tính phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng.

Ngay sau khi NHNN nâng tỉ giá và nới biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD lên +/-3%, nhóm phân tích của NH ANZ đã có nhận định rằng quyết định lần này của NHNN khiến họ không quá bất ngờ. Sự điều chỉnh lần này, theo ANZ, giúp NHNN giảm bớt áp lực phải can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, theo NH này, dù Việt Nam không tiếp tục thay đổi chính sách từ nay đến cuối năm, VND vẫn có thể mất giá tối đa 5,1% trong năm nay.

Từ đầu năm đến nay, VND sau ba lần điều chỉnh đã giảm 4,5% sau ba lần tăng tỉ giá mỗi đợt 1% và hai lần nới biên độ. Hiện tỉ giá thực trên liên NH theo số liệu của ANZ khoảng 22.408 đồng đổi 1 USD. Trong khi đó, hai năm trước mức giảm mỗi năm chỉ khoảng 1,3%.

Còn NH Standard Chartered cho rằng động thái ngày hôm nay của NHNN về điều hành tỉ giá cho thấy NHNN vẫn còn quan ngại những căng thẳng của đồng nhân dân tệ. Bởi, mức điều chỉnh VND so với USD lần này gần tương đồng với mức phá giá 3% của nhân dân tệ so với USD thời gian qua.

Xử lý các thách thức trên thị trường

Các chuyên gia của NH nước ngoài hoạt động tại VN cho rằng việc điều chỉnh tỉ giá của NHNN lần thứ ba trong năm thể hiện sự chủ động của VN trước những thay đổi đột xuất trên thị trường thế giới.

Theo ông Phạm Hồng Hải, tổng giám đốc HSBC, với lần điều chỉnh tỉ giá bình quân liên NH thêm 1% cộng với nới rộng biên độ giao dịch USD/VND thêm 1%, theo tôi nghĩ NHNN đang tạo một biên độ giao dịch đủ rộng để cung cầu gặp nhau trên thị trường, tránh tạo tâm lý của thị trường về việc điều chỉnh liên tục.

Động thái điều chỉnh mạnh mẽ này thể hiện NHNN đi trước so với cung cầu của thị trường, chủ động tạo khung cho giao dịch trên thị trường. Việc điều chỉnh lần này góp phần giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường, vốn là một bước đi nếu tiếp tục sẽ không mang tính bền vững.

Thông thường sau đợt biến động thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới. Một ví dụ là đồng nhân dân tệ sau tuần giảm giá hiện tại đã được giao dịch ổn định hơn và tâm lý thị trường cũng bình ổn trở lại. Vì vậy, các doanh nghiệp giữ vững tâm lý và nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỉ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỉ giá của NHNN.

Việc điều chỉnh tỉ giá lần này sẽ có tác động tới các doanh nghiệp nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng và khối lượng nhập khẩu do đó có thể giảm xuống.

Về xuất khẩu, chúng ta sẽ có lợi thế tương đối về giá nhưng các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc VN điều chỉnh tỉ giá.

Bên cạnh đó, VN vẫn cạnh tranh với Trung Quốc từ mặt hàng cho tới thị trường xuất khẩu, nên lợi thế từ việc điều chỉnh tỉ giá sẽ không kéo dài lâu. Về dài hạn, chúng ta vẫn phải đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng VN.

Sẽ có nhiều thúc đẩy với các chính sách điều hành mới

Còn ông Eddie Cheung, chuyên gia phân tích tỉ giá khu vực châu Á, NH Standard Chartered, cho rằng hơi bất ngờ do lần điều chỉnh này vì “chúng tôi đã mong đợi, một là mở rộng biên độ thêm, hoặc điều chỉnh thêm tỉ giá của NHNN vào thời điểm cuối năm 2015”. Đặc biệt thời điểm điều chỉnh chỉ sau một tuần NHNN vừa nới biên độ tỉ giá nhưng điều đó cũng cho thấy NHNN đang sẵn sàng xử lý các thách thức trên thị trường.

Đây là lần điều chỉnh tỉ giá tiền đồng so với USD lần thứ ba trong năm và nâng mức tổng cộng sau ba lần lên 3%, cao hơn mức cam kết 2% hồi đầu năm.

Sau lần nới biên độ rộng tuần trước, cặp tỉ giá USD-VND đã tiệm cận với biên độ mới, sẽ có nhiều thúc đẩy với các chính sách điều hành mới.

Nhìn về phía trước, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất ​​có thể tạo những mới biến động mới cho các đồng tiền châu Á, đặc biệt là với một nhân dân tệ đang được điều hành linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, NHNN cũng lưu ý rằng dự trữ ngoại hối của VN tăng tên lên 37 tỉ USD tính đến cuối tháng 7-2015, điều đó cho thấy mức độ sẵn sàng NHNN nếu cần can thiệp ổn định thị trường.

NHƯ BÌNH - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên