04/08/2015 09:42 GMT+7

Kinh hãi thịt heo tiêm thuốc an thần

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TT - Tình trạng tiêm các loại thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ rất phổ biến, chủ yếu tập trung ở các lò giết mổ heo lậu.

Lọ thuốc an thần được cán bộ trạm thú y tìm thấy vứt lăn lóc khắp lò mổ heo trái phép ở Q.12, TP.HCM - Ảnh: H.LỘC

Chỉ trong vòng một tháng, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện hai vụ tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ. Theo các chuyên gia, người sử dụng thịt heo chưa đào thải hết các loại thuốc này có nguy cơ hạ huyết áp, suy hô hấp, thậm chí ung thư…

Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên - trưởng phòng thanh tra chuyên ngành thú y (Chi cục Thú y TP.HCM), tình trạng tiêm các loại thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ rất phổ biến, chủ yếu tập trung ở các lò giết mổ heo lậu.

“Không chỉ làm heo nằm bất động không kêu la khi giết mổ, việc tiêm thuốc an thần còn khiến thịt heo mềm, đẹp hơn trong việc chế biến chả lụa, buôn bán... nên đa số lò mổ lậu đều có xu hướng sử dụng loại thuốc này” - ông Nguyên lý giải.

Tiêm thuốc cho thịt... mềm!

Sau nhiều ngày trinh sát, chiều 29-7 Trạm thú y huyện Hóc Môn phối hợp với các cơ quan địa phương phát hiện một lượng lớn heo lậu đang được tập kết giết mổ trái phép tại nhà không số (tổ 11, ấp 1, xã Đông Thạnh) do ông Nguyễn Văn Tiến quản lý.

Thời điểm kiểm tra, tại lò này có bốn công nhân đang trực tiếp giết mổ heo trên nền gạch dơ bẩn. Tang vật thu giữ gồm ba con heo đã giết mổ, trọng lượng thịt 84kg và 41kg phụ phẩm heo.

Điều đáng chú ý là kiểm tra tại chuồng, 22 con heo đang được nuôi đều có hiện tượng mệt mỏi, ngủ li bì. Cán bộ thú y cũng phát hiện một lọ thuốc Prozil (một dạng thuốc an thần, gây mê) và một ống tiêm để tiêm thuốc vào heo trước khi giết mổ.

Theo ông Tiến, heo trong chuồng được nhập từ Bình Dương, không có giấy kiểm dịch, mỗi ngày lò này giết mổ sáu con heo bán ra các khu chợ và đều tiêm thuốc Prozil liều lượng 0,2 - 0,5ml/con trước khi giết mổ.

Trước đó ngày 6-7, Trạm thú y Q.12 phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM đột kích lò mổ trái phép tại P.Hiệp Thành (Q.12), phát hiện chủ lò Nguyễn Văn Văn (31 tuổi, quê Nam Định) đang cùng 4 - 5 thanh niên giết mổ heo trái phép trên nền ximăng dơ bẩn.

Quá trình kiểm tra tại lò này, các cán bộ thú y phát hiện hàng chục chai lọ đựng thuốc Combistress (một dạng thuốc gây mê an thần) đã qua sử dụng vứt vương vãi khắp vườn. 

Ông Văn khai nhận loại thuốc này ông mua ở tiệm thuốc thú y giá 90.000 đồng/lọ. Trước khi mổ khoảng hai giờ ông sẽ tiêm thuốc cho heo, một lọ tiêm được 40 - 50 con. Thịt heo sau đó được ông Văn mang bán tại các khu công nghiệp.

Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, ngoài hai trường hợp nêu trên, từ năm 2012 đến nay Chi cục Thú y TP.HCM kiểm tra phát hiện thêm sáu vụ tiêm chất an thần cho heo trước khi giết mổ, tập trung chủ yếu tại các cơ sở giết mổ trái phép ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Loại thuốc các lò giết mổ trái phép sử dụng thường là thuốc Combistress và Prozil. Heo khi bị tiêm các loại thuốc này thường có dấu hiệu nằm ngủ li bì, không có bất cứ phản ứng nào khi bị tác động.

Những lọ thuốc an thần được cán bộ trạm thú y phát hiện tại “lò” mổ heo trái phép ở Q.12, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG LỘC

Nguy cơ bệnh tật cao

TS Lê Thanh Hiền - trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM) - cho biết hiện nay việc sử dụng các loại thuốc an thần tiêm cho động vật khá phổ biến. Bởi thế trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc và các dẫn xuất khác nhau như atropin, azaperone, nhóm phenothiazine ví dụ như chlorpromazine, propionylpromazine. Trong đó phổ biến nhất là thuốc an thần acepromazine (với tên thương mại như Combistress và Prozil nêu trên).

Trước đây, thuốc an thần acepromazine được sử dụng cho con người nhằm trị giảm đau, căng thẳng, lo lắng... Ngoài ra, thuốc an thần thường được sử dụng kèm các thuốc gây mê toàn thân trong ca phẫu thuật.

Tuy nhiên, do khả năng bài thải chậm và độc tính cao (đã có một số ca trẻ em bị ngộ độc tử vong hoặc có trường hợp dùng thuốc để tự tử) nên hiện nay thuốc chỉ được sử dụng trong lĩnh vực thú y. Ngoài ra, loại thuốc này nhằm khống chế trường hợp động vật hung hăng, mệt mỏi trong quá trình vận chuyển (mua heo giống, chuyển trại...).

Do đó loại thuốc này không cho phép sử dụng trước khi giết mổ, nếu đã sử dụng phải có thời gian để thuốc đào thải hết (5 - 7 ngày sau khi tiêm). “Thuốc an thần tồn tại trong gan, cơ, thận của động vật và được bài thải chậm.

Do đó động vật giết mổ sẽ tồn dư trong thịt một lượng thuốc an thần. Mặt khác, thuốc được sử dụng bừa bãi trước giết mổ nên chắc chắn liều lượng sử dụng có thể rất cao so với chỉ định. Hơn nữa, từ khi tiêm thuốc đến khi giết mổ thường dưới 24 giờ nên lượng tồn dư ở mức có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng” - TS Hiền phân tích.

Theo TS Hiền, người sử dụng sản phẩm có chứa tồn dư thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt... và nếu tương tác với các thuốc khác có thể làm tình trạng lâm sàng phức tạp hơn. Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận. 

Dù VN chưa có nghiên cứu phân tích cụ thể nào về tỉ lệ người bị ảnh hưởng cũng như mức độ tồn dư của các loại thuốc an thần trong thực phẩm, nhưng hiện tượng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe con người. “Cách duy nhất là người tiêu dùng nên tránh những nơi bán thịt không rõ nguồn gốc vì rất dễ bị tiêm thuốc. Ngoài ra, nên đa dạng các nguồn thực phẩm khác nhau để tránh sự tồn dư tích lũy trong cơ thể” - TS Hiền nói. 

Heo sau khi tiêm thuốc an thần nằm ngủ li bì tại một “lò” mổ heo trái phép ở Q.12, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG LỘC

Khó nhận biết thịt chứa thuốc an thần

Theo TS Hiền, rất khó xác định thịt có tiêm thuốc an thần hay không. Việc nhận định bằng cảm quan là không thể, ngoại trừ trường hợp xác nhận có vết tiêm. 

Theo đó, thương lái thường kết hợp tiêm thuốc an thần kèm theo bơm nước, do vậy khi bắt gặp các loại thịt mềm, ướt, các sớ thịt căng mọng nước thì có khả năng lớn thịt chứa tồn dư của thuốc. Đối với động vật còn sống, nhân viên thú y kiểm tra tại lò mổ có thể phát hiện thông qua các biểu hiện khi khám lâm sàng. 

“Một số xét nghiệm có thể phát hiện sự hiện diện của thuốc tồn dư trong thịt, nhưng đòi hỏi trang thiết bị phòng thí nghiệm và mất thời gian cũng như chi phí. Do đó trách nhiệm chính vẫn là cơ quan thú y trong việc giám sát kiểm tra, các biện pháp chế tài cụ thể” -  TS Hiền nói. 

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên