03/08/2015 14:31 GMT+7

Tràn lan chất cấm trong chăn nuôi

T.MẠNH - H.MI - T.ANH - L.ANH - A.LỘC
T.MẠNH - H.MI - T.ANH - L.ANH - A.LỘC

TT - Mặc dù các cơ quan chức năng đã nghiêm cấm sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, thế nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao những chất này vẫn xuất hiện nhan nhản trên thị trường?

Một trại chăn nuôi heo lớn ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bị phát hiện có mẫu dương tính với chất tạo nạcẢnh: A LỘC
Một trại chăn nuôi heo lớn ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bị phát hiện có mẫu dương tính với chất tạo nạc - Ảnh: A Lộc

Các chủ trang trại, dù ở vùng sâu vùng xa, nếu có nhu cầu vẫn có thể tìm mua dễ dàng.

Sau khi Đồng Nai công bố xử lý các trang trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngày 2-8 PV Tuổi Trẻ đã tiếp cận một số trang trại và các điểm bán thức ăn chăn nuôi hỏi chất tạo nạc thì hầu hết đều e dè với câu trả lời “không biết, không bán”. Thế nhưng, nếu là người trong nghề chăn nuôi sẽ không khó để có mặt hàng này.

Khi chất tạo nạc giống như ma túy, nó gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng thì phải tính toán sửa luật, phải xử lý hình sự mới giải quyết được tận gốc vấn đề chất tạo nạc đang mua bán tràn lan

Ông PHẠM MINH ĐẠO (giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai)

Cho bán thiếu

Tiếp tục đi vào vùng chăn nuôi lớn ở huyện Thống Nhất, chúng tôi được một chủ trại tên P., người có đàn heo 800 con, đã quyết định “nói ra sự thật” về tình trạng một số trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo hiện nay. Theo anh P., trước đây trại của anh mua cám chăn nuôi và chăm sóc theo quy trình thông thường nhưng giá bán heo vẫn không thể nào bằng một số trại lân cận. Tìm hiểu, anh P. mới biết họ trộn chất cấm để tạo nạc cho heo chất lượng, xuất chuồng nhanh. Sau đó, anh P. cũng được thương lái vào chào mời thuốc tạo nạc nhưng lương tâm day dứt, lo ngại bị cơ quan chức năng phát hiện nên anh từ chối nhiều lần.

“Cuối cùng giá cả thức ăn, con giống, thị trường bấp bênh nên tôi cũng đầu hàng, mua thuốc về pha trộn vào cám nuôi mới có lời” - anh P. kể lại. Khi đó, có thương lái đến tận trại giới thiệu chất tạo nạc nhưng cũng có khi đại lý quen mặt rồi giới thiệu “thuốc” và cho nợ lại, bán heo xong mới trả.

“Nếu heo nuôi không dùng chất tạo nạc, giá bán chỉ 42.000 đồng/kg. Trong khi bỏ thêm tiền mua chất cấm, nuôi heo đẹp, lái mua tới 48.000 đồng/kg nên nhiều người đều chọn cách này!” - anh P. nói về lý do chọn sử dụng chất cấm.

Theo chủ một trại nuôi heo tại Trảng Bom, chất tạo nạc dù bị cấm nhưng trên thị trường nếu ai có nhu cầu vẫn dễ dàng tìm mua. “Tất nhiên người ta không bán công khai, nhưng chỉ cần có người quen giới thiệu là mua được hết, bao nhiêu cũng có”.

Vẫn theo chủ trang trại này, nếu người nuôi “ngại” không muốn đi mua, các thương lái sẽ mua giúp và đưa đến tận trại để người nuôi trộn vào cám cho heo ăn. “Một con heo bán ra nếu dùng thuốc sẽ có thêm 100.000 - 200.000 đồng. Việc này vừa qua nhiều người làm rồi, chỉ khi cơ quan chức năng có đợt kiểm tra thì mới bị phát hiện thôi” - vị chủ trại này cho hay.

Trong khi đó, một đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thú y tại phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) khẳng định nếu quen biết có thể mua chất tạo nạc từ một số nơi kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đa số chất tạo nạc cấm này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và đựng trong các túi nhỏ màu trắng không đề nhãn mác với khối lượng từ 100g - 1kg. Giá bán loại chất cấm này khá đắt, với loại nguyên chất đậm đặc dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/100 gam (15 - 17 triệu đồng/kg).

Tuy nhiên, do tỉ lệ pha trộn với thức ăn chăn nuôi lớn nên đưa giá thành lên không đáng kể nhưng lợi nhuận rất hấp dẫn. “Với mỗi ký chất cấm đậm đặc có thể pha trộn với 100 tấn thức ăn chăn nuôi.

Tức với trại nhỏ chỉ cần mua gói 100 gam nguyên chất là đủ cho 10 tấn thức ăn cả tháng rồi. Nếu pha với tỉ lệ lớn hơn thì có thể làm heo bị chết hoặc gãy xương” - đại lý này nói.

Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng những người sử dụng chất này nhắm vào xu hướng người tiêu dùng sợ mỡ, thích heo nhiều nạc. “Vấn đề cần đặt ra là tại sao là chất cấm mà dễ mua, người ta dễ sử dụng trong thời gian dài đến thế?”, ông Bình thắc mắc.

Theo ông Bình, chất cấm tức là không được buôn bán chính thức nên hàng tiêu thụ trong dân toàn là hàng nhập lậu cả. Thế nhưng các cơ quan chức năng trước nay hầu như không phát hiện vụ việc buôn bán nào lớn, chủ yếu phát hiện từ các chủ trại rồi xử phạt hành chính, niêm phong trại mấy ngày rồi thả nên không hiệu quả.

Một trang trại heo quy mô lớn tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) có mẫu xét nghiệm dương tính với chất tạo nạc - Ảnh: A Lộc

Nghi ngờ nhập lậu

Ở góc độ quản lý chuyên ngành, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng việc chất tạo nạc xuất hiện trên thị trường rất có thể từ nguồn nhập lậu. “Salbutamol và clenbuterol - các chất có tác dụng tạo nạc ở heo - hiện sử dụng tại các khoa hô hấp như hoạt chất điều trị hen, phổi tắc nghẽn mãn tính...

Việc mua bán sử dụng cũng như liều dùng, thời gian dùng phải có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Đặc biệt, từ năm 2002 bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cấm sử dụng các chất này trong thức ăn chăn nuôi.

Muốn nhập khẩu salbutamol và clenbuterol làm thuốc chữa bệnh phải tuân thủ chặt chẽ Luật dược và nghị định hướng dẫn thực hiện Luật dược. Việc mặt hàng này xuất hiện trên thị trường nhiều như vừa qua có thể là hàng nhập lậu” - ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, đặt nghi vấn.

Theo ông Phong, chưa thể đánh giá ngay tác hại của salbutamol, clenbuterol với người sử dụng thịt heo được nuôi bằng chất tạo nạc, vì còn cần thêm yếu tố như lượng thịt sử dụng, thời gian, mức độ tồn dư... Tuy nhiên chắc chắn có ảnh hưởng tới sức khỏe.

“Hành vi sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo giống trộn kháng sinh cấm vào thức ăn chăn nuôi, hay dùng chloramphenicol trong nuôi trồng thủy sản, sử dụng hàn the làm giò chả... cần phải xử phạt mạnh mới ngăn chặn được tình trạng này” - ông Phong cho biết.

Heo siêu nạc sẽ không có lớp mỡ

Bà Đỗ Thu Hương, tiểu thương chợ Bàu Cát (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết người tiêu dùng nhận biết heo siêu nạc không quá khó. Điểm dễ dàng nhận thấy chính là lớp mỡ nằm giữa lớp da và phần thịt nạc thường không có.

Đối với thịt heo được nuôi bình thường lớp mỡ heo dày tối thiểu 1 - 3cm, trong khi heo siêu nạc thường không có lớp mỡ đệm này. Đó là điểm nhận biết cơ bản, ngoài ra về màu sắc cũng như mùi vị gần như không có sự khác biệt nên khó có thể nhận ra.

Theo bà Hương, hiện nay loại heo siêu nạc bán tại các chợ gần như rất ít vì người tiêu dùng hiện nay có thể phát hiện dễ dàng. Vì vậy, loại thịt này thường được bán cho các nhà hàng, quán ăn hay các cơ sở, công ty chế biến các loại thực phẩm đóng gói hay giò chả, thịt xay...

Trong khi đó, theo ông Văn Đức Mười - tổng giám đốc Vissan, cần phải phân biệt rõ heo siêu nạc dùng thuốc và heo siêu nạc phụ thuộc vào con giống. Đối với heo siêu nạc do con giống là sản phẩm an toàn, còn heo siêu nạc dùng thuốc mới thật sự đáng lo ngại.

Với mùi vị, chất lượng gần như khó nhận ra được đối với thực phẩm chế biến nên ông Mười cho biết chỉ còn cách kiểm soát từ đầu nguồn mới có thể đảm bảo an toàn, chứ sản phẩm đến tay người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được.

Đang xử lý phần ngọn

Theo ông Phạm Minh Đạo - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, vấn đề chất tạo nạc mà tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành khác đang nỗ lực chấn chỉnh “chỉ giải quyết phần ngọn”. Bởi vấn đề lớn nhất là việc quản lý các chất này khi cho phép nhập vào VN, có sử dụng đúng mục đích không? Nếu nguồn nhập lậu thì xử lý như thế nào để ngăn chặn?

T.MẠNH - H.MI - T.ANH - L.ANH - A.LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên