Người tiêu dùng mua rau củ tại siêu thị - Ảnh: N.B. |
Đó là kết quả khảo sát “Cảm nhận của người dân về nhà nước và thị trường VN” năm 2014 do Phòng Thương mại công nghiệp VN (VCCI) và Ngân hàng Thế giới công bố ngày 23-7.
Khi được hỏi có hài lòng về tình hình kinh tế hiện tại không, chỉ 19% trả lời hài lòng. Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, đại diện nhóm khảo sát, tiết lộ: nhóm hài lòng nhất là từ chính quyền địa phương, cơ quan quốc hội.
“Tỉ lệ hài lòng đã giảm xuống mức rất thấp” - báo cáo của VCCI khẳng định. Có tới 47% người dân quan ngại, thậm chí bức xúc trước khoảng cách giàu nghèo tăng lên ở VN.
Về tốc độ cải cách kinh tế, chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở VN trong năm năm qua là nhanh.
Tuy nhiên, có tới 36% cho rằng tốc độ còn chậm. “Rõ ràng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vẫn tiếp tục nhưng tốc độ thực tế chậm so với kỳ vọng” - ông Đậu Anh Tuấn nói.
Đáng lưu ý, dù VN liên tục yêu cầu các nước công nhận VN là nền kinh tế thị trường nhưng kết quả khảo sát lại cho thấy chính người VN cũng phân vân nền kinh tế có phải kinh tế thị trường không.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, có tình trạng “lưỡng thể” trong đánh giá về nền kinh tế VN, cụ thể cứ năm người cho rằng nền kinh tế VN cơ bản là nền kinh tế thị trường thì lại có bốn người cho rằng VN vẫn cơ bản là nền kinh tế nhà nước.
Đáng lưu ý, kết quả khảo sát cho thấy trong những công cụ chủ yếu mà Nhà nước sử dụng để ổn định thị trường và giá cả thì cả vai trò của doanh nghiệp nhà nước và các chương trình bình ổn giá đều bị người dân đánh giá thấp. Chỉ 47% người trả lời đánh giá chương trình trên có hiệu quả...
Để có đánh giá trên, nhóm khảo sát đã chọn mẫu 2.300 doanh nghiệp khu vực dân doanh, FDI... và hơn 4.000 cá nhân (gồm cả cán bộ các cơ quan nhà nước trung ương, cơ quan quốc hội, cơ quan Đảng ở trung ương và địa phương, cán bộ nghỉ hưu, nhà báo, người nghỉ hưu, người thất nghiệp...).
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết có tổng cộng 1.643 phiếu trả lời, trong đó có cả cán bộ cấp cao, là ủy viên Trung ương Đảng.
Về Giao thông công cộng và Y tế, chỉ có 10-11% người dân, cán bộ hài lòng với dịch vụ giao thông công cộng và y tế do nhà nước cung cấp - thấp nhất trong 4 loại dịch vụ được khảo sát.
Theo ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia cao cấp Ngân hàng thế giới tại VN, nhóm khảo sát đã chọn 4 loại dịch vụ công mà người dân phải tiếp cận hàng ngày, gồm: y tế, giáo dục, công chứng và giao thông công cộng.
Kết quả, giao thông công cộng có mức độ hài lòng/hoàn toàn hài lòng với dịch vụ do nhà nước cung cấp thấp nhất, chỉ 10%. Mức độ hài lòng với dịch vụ do tư nhân cung cấp là 30%.
Với lĩnh vực y tế, cũng chỉ có 11% người được khảo sát hài lòng hoặc hoàn toàn hài lòng với dịch vụ y tế công; 45% hài lòng với dịch vụ y tế do tư nhân cung cấp.
Với giáo dục, tỷ lệ hài lòng, hoàn toàn hài lòng với dịch vụ do nhà nước cung cấp có cao hơn, nhưng chỉ đạt 15%. Trong khi đó, cũng là giáo dục nhưng dịch vụ do khu vực tư cung cấp nhận được 33% số người trả lời khảo sát thể hiện sự hài lòng.
Với dịch vụ công chứng, có 26% số người trả lời cho rằng họ hài lòng/hoàn toàn hài lòng với chất lượng do nhà nước cung cấp. 46% hài lòng với dịch vụ công chứng do tư nhân cung cấp – cao nhất trong các dịch vụ được khảo sát.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI - Ảnh: Nguyễn Khánh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận