25/06/2015 11:27 GMT+7

Khuyến mãi ì xèo, ế cứ ế

D.TUẤN
D.TUẤN

TTO - Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi nhưng ế vẫn ế. Người dân năm nay không mặn mà đi mua sắm.

Khuyến mãi đậm nhưng khách vẫn gần như không có ở một trung tâm thương mại - Ảnh: Dũng Tuấn

Mặc cho những chiêu trò khuyến mãi giảm giá lên tới 50-70% hay tặng kèm sản phẩm, giờ vàng giá 0 đồng… đủ kiểu vẫn không kéo nổi khách mua. Hàng ế nhưng giá cả hàng hóa vẫn tăng đều đều.

Tiểu thương… nằm xem tivi

11h trưa  24-6, chợ vẫn ế. Nếu cách đây vài năm chợ tấp nập người ra vào mua bán. Nay thì mỗi người một việc vì không có khách vào. “Chị về sớm đi đón con, đóng cửa luôn chứ từ giờ đến chiều không có ai mua đâu” - chị Hương, sạp tạp hóa chợ Hoàng Hoa Thám - thản nhiên nói.

Ở một vài sạp khác, tiểu thương nằm đưa võng xem tivi. “Bán buôn chán quá, đem tivi ra đây nằm xem cho đỡ buồn” - một tiểu thương chợ này cho hay.

Không riêng gì khu tạp hóa, thịt heo, bò, gà trước đây bán buôn cả ngày thì nay đến giữa giờ trưa tiểu thương rục rịch đóng sạp về nhà hết.

"Năm ngoái chị bán được từ sáng đến trưa rồi về ngủ nghỉ, khoảng 3g ra mở sạp bán đến 6g dọn về. Nhưng bây giờ quá vắng khách nên rảnh rỗi chị nghỉ luôn ở nhà cho khỏe” - chị Thu Hương sạp thịt heo tại chợ Tân Trụ cho hay.

"Lai rai" có lẽ là cụm từ mà các tiểu thương sử dụng nhiều nhất mỗi khi được hỏi thăm chuyện mua bán. “Ôi, chán lắm”  chị Thanh Tâm, sạp quần áo thời trang chợ Phạm Văn Hai, thốt lên khi ngồi giữa đống quần áo chất đầy sạp.

“Cứ tụt đều, năm trước được 2-3 triệu mỗi ngày, từ đầu năm đến nay bán được 2 triệu là giỏi, còn cứ vài trăm ngàn đến nhỉnh hơn 1 triệu đồng là may rồi”- chị Tâm nói.

Tại các chợ đầu mối, tình hình còn thê thảm hơn. Ở chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức nhiều mặt hàng như dưa leo, bầu, bí, rau xanh, cải bắp… đến chợ sáng vẫn còn rất nhiều.

“Giờ tụi tôi bán cả ngày, chừng nào hết hàng mới về, không thì đem đi chứ ai mà đem về nhà làm gì” - tiểu thương chọ Hóc Môn cho biết. “Lúc trước bán cả chục, 20 tấn mỗi ngày. Giờ thì bán cả ngày chưa đến 10 tấn hàng. Bán không được thì hạ hết giá, không được nữa đành gọi cho từ thiện chứ chẳng biết sao” - chị Thủy chợ đầu mối Hóc Môn cho biết.

Èo uột trung tâm thương mại

Chợ đã vậy, tại các cửa hàng, siêu thị hay trung tâm thương mại tình hình cũng bi đát không kém. Đi dạo nhiều trung tâm thương mại lớn như Aeon, Parkson hay Lotte…, không khó để nhận ra hầu hết các gian hàng đều đua nhau treo biển hạ giá, đại hạ giá.

Hơn 3g chiều 23-6, nhiều nhân viên Hãng giày Bata tại Aeon Mall đi quanh quanh chỉnh sửa các sản phẩm mà không thấy bất kỳ khách nào vào mua.

Tại quầy ngay sát bên, nhân viên giày dép tranh thủ xem phim trên điện thoại, mặc dù tấm biển giảm giá 50% tất cả các sản phẩm đặt lớn ngay tại cửa vẫn không có bất kỳ khách nào vào mua.

Tại cửa hàng bán các sản phẩm nhãn hiệu lớn như Adidas, Nike hay Lotto… giảm giá 30-40% cũng được thực hiện từ nhiều ngày nhưng khách khá thưa thớt.

“Bây giờ không khuyến mãi thì bó tay, khuyến mãi còn không bán được hàng chứ nói gì giữ giá" - nhân viên một nhãn hàng tại siêu thị Aeon Mall cho biết.

Những tấm biển như 50% giảm giá, mua 1 tặng 1 hoặc đồng giá 200.000 đồng, 300.000 đồng treo đầy các trung tâm thương mại nhưng vẫn rất vắng khách.

Bước chân đến nhiều siêu thị thời điểm này cũng dễ dàng nhận thấy phần lớn giỏ hàng của người tiêu dùng hiện giờ chỉ tập trung vào vài nhóm hàng chính như: thực phẩm tươi, sữa và nước uống.

Các khu vực thường xuyên rơi vào tình trạng ế ẩm như hàng thời trang, mặt hàng đông lạnh… Đại diện một siêu thị cho hay trong khoảng hai năm gần đây, ngành hàng thời trang kinh doanh ở siêu thị luôn là nhóm có sức tăng trưởng thấp nhất dù là nhóm được thực hiện khuyến mãi nhiều và liên tục nhất.

“Nếu các ngành khác như thực phẩm, đồ uống từ 25-40% thì thời trang chỉ trên dưới 10% tăng trưởng qua từng năm là quá thấp” - vị đại diện này cho hay.

Hàng bán không được nhưng giá vẫn tăng

Mặc dù may mặc, hàng tiêu dùng và thực phẩm tươi sống sức tiêu thụ kém xa so với năm trước, tuy nhiên giá cả vẫn tăng đều đều.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, tháng 6 hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng 0,32%, một số mặt hàng như thịt heo, thịt bò, thịt gà giá đều tăng 0,2 - 0,5% so với tháng 5. Trong khi đó nhóm may mặc, giày dép, mũ nón cũng tăng 0,03% so với giá tháng 5.

D.TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên